1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Và có lẽ còn nữa. Đó không phải là bài tập đếm số của những đứa trẻ. Arsenal sẽ có năm thứ 7 liên tiếp trắng tay. Ngay cả một đứa trẻ cũng thừa biết rằng, 7 năm không danh hiệu là quá dài cho một đội bóng vẫn tự xem mình là đại gia. Và bất cứ đứa trẻ nào cũng nhận ra rằng, sự lựa chọn duy nhất là phải thay đổi.
Triết lý "cứ đi rồi sẽ thành đường" rất dễ tạo ra ảo tưởng. Thành công rất cần tính kiên trì. Nhưng kiên trì không có nghĩa là mù quáng. Bước một bước mà không thấy đường có thể là bình thường. Hai bước vẫn chưa thấy, không thể không đắn đo. Thêm một bước nữa, lo âu là cảm giác tự nhiên. Bước thứ tư chưa thấy đâu, phải xem lại sự lựa chọn của mình. Bước thứ năm, chắc chắn đã chọn sai. Vẫn tiếp bước thứ sáu, đó là liều lĩnh. Sau bước thứ bảy, phía trước có thể đã là vực thẳm. Quyết định tiếp theo: hoặc đi lùi, chọn lối khác, hoặc lao xuống vực thẳm.
Arsenal trong đêm dài ác mộng
Phía trước Arsenal đã là vực thẳm. Vấn đề không phải là họ trải qua thêm một mùa giải đen tối nữa sau khi để thua 0-2 trên sân đấu mang tên Ánh sáng của Sunderland ở vòng 5 Cúp FA. Nghiêm trọng hơn, họ đang trượt dốc không phanh, yếu dần theo thời gian. Arsenal mùa này yếu hơn rõ rệt so với mùa trước, khi họ còn Fabregas, Nasri, Clichy. Arsenal mùa trước yếu hơn so với Arsenal mùa 2008-09, khi những Adebayor, Kolo Toure còn đó. Và thật lố bịch khi đặt Arsenal bây giờ ngang hàng với thế hệ bất bại 2003-04, từ sức mạnh tập thể đến cá nhân, từ sức mạnh tinh thần đến lối chơi. Nếu có gì đó hơn, thì chỉ là sân đấu rộng hơn, giá vé đắt hơn, những tiếng la ó ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Dù mỗi người chỉ ra mỗi khía cạnh, mỗi vấn đề nổi cộm, nhưng những chuyên gia hàng đầu, từ 2 HLV danh tiếng của Italia là Arrigo Sacchi, Carlo Ancelotti, đến những huyền thoại của đội bóng như Dennis Bergkamp, và cả đối thủ rất duyên nợ với họ trước đây là Roy Keane, đều có chung một nhận định đây là Arsenal rất yếu. Yếu nhất dưới triều đại của Arsene Wenger.
Thất bại là thói quen không thể chấp nhận được. Trắng tay là căn bệnh cần phải tránh đối với các đội bóng lớn. Tiếc thay, Arsenal đang có dấu hiệu vô cảm trước những tình trạng ấy. Sau trận đại bại ở San Siro tuần trước, không có gì ngạc nhiên khi họ thua tiếp Sunderland. Và cũng chẳng phải là cú sốc nếu họ trượt dài trong chặng đường phía trước, với các trận khốc liệt gặp Tottenham, Liverpool, Milan, Newcastle, Everton và Man City. Điều tương tự đã xảy ra ở mùa trước, từ sau thất bại trước Birmingham ở chung kết Cúp Carling.
Hậu quả của thất bại và trắng tay rất rõ ràng. Vị thế và hình ảnh của đội bóng bị tổn thương. Niềm tin ngày càng bị xói mòn. Lòng kiên nhẫn của người hâm mộ teo tóp dần như miếng da lừa. Những cầu thủ xuất sắc ra đi dễ dàng hơn. Khi Adebayor và Kolo Toure tìm đến Man City, họ bị chỉ trích là tham tiền. Đến lượt Fabregas và Nasri, đó những quyết định đúng đắn. Mùa Hè này, nếu Robin van Persie chấp nhận ở lại Emirates, đó mới là điều bất bình thường.
Đã đến lúc Arsenal phải thay đổi. Khi thay đổi, kết quả có thể tốt hơn hoặc tệ hơn. Nhưng hiện tại, không thể không thay đổi. BLĐ phải thay đổi quan điểm, chính sách xây dựng đội bóng. Thay Arsene Wenger, một HLV huyền thoại, chưa chắc là thảm họa. Có thể ông đã rất giỏi xoay xở với nguồn lực hạn hẹp, thậm chí với nhiều người, ông đã làm rất tốt với những gì đang có. Nhưng thay ông không có nghĩa là tệ hơn. Chính sự ra đi của Wenger có thể thức tỉnh giới lãnh đạo keo kiệt.
Đến nước này mà không chịu thay đổi thì đúng là... bó tay.
7 năm trắng tay mà vẫn không đủ thì phải đợi đến bao nhiêu năm?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)