Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

"Ao làng" Premiership...

Thứ Hai 29/03/2010 09:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cái giải đấu được mệnh danh là hấp dẫn nhất thế giới trong cả thập kỷ qua ấy giờ bị M.U và Chelsea coi rẻ chẳng hơn cái “ao làng”. Bởi họ, ngoài thay nhau thống trị nó suốt 5 năm qua, thì cũng đang đứng trước cơ hội một lần nữa… thống trị.

1. Cả Chelsea và M.U đều ít nhiều đứng trước áp lực. Sau cú ngã nhoài tại đấu trường đặt nhiều kỳ vọng nhất Champions League, Chelsea thậm chí còn nếm trải một giai đoạn buồn đau ở Premiership, khiến từ đại bản doanh Stamford Bridge, manh nha về một cuộc đại phẫu đã nổi lên.

M.U không hoảng loạn như Chelsea, nhưng trong họ cũng rộn lên những vấn đề nhức óc. Ở thượng tầng là cuộc chiến không khoan nhượng của các CĐV chống giới chủ Mỹ. Trên sân, có ức không khi CLB giàu truyền thống nhất bóng đá Anh 20 năm qua lại bị cho là đội bóng một người? Sir Alex phát cáu và ông muốn chứng minh, không Rooney M.U vẫn rất mạnh, như đã thành công lúc vắng Beckham, hay khi C.Ronaldo đã ra đi.

Chelsea khiến cả nước Anh khiếp sợ với thắng lợi kinh hoàng 7-1

Ấy thế mà ở vòng đấu mà Chelsea phải gặp đối thủ khó, trong khi M.U ghé thăm Reebok gặp Bolton chưa chắc suất trụ hạng, thì kết quả vẫn không nằm ngoài dự đoán của số đông: Kẻ mạnh hơn ắt phải giành chiến thắng!

Điều bất ngờ không phải thêm một lần nữa ở giai đoạn nước rút, Chelsea và M.U đều bỏ túi 3 điểm để tiếp tục cuộc đua đến ngôi vương. Mà người ta ngạc nhiên với những màn tra tấn, hủy diệt của họ. Aston Villa chẳng phải tay mơ. Và Bolton cũng chẳng có lý để e sợ khi phía trước, một M.U vắng Rooney còn phải ngó qua Champions League.

Bảng điện tử trên sân chẳng biết nói dối: Chelsea vần nát Aston Villa 7-1 còn M.U phá tan Reebok bằng 4 quả ngư lôi…

2. Ở sân St Andrews, Arsenal cũng là kẻ mạnh hơn. Và họ, vốn được thổi hồn từ những trận đấu ấn tượng gần đây, cũng chẳng mấy khó khăn để giành quyền kiểm soát. Nhưng sức kháng cự của đội chủ nhà Birmingham khiến Pháo thủ nhói lạnh. Không thể tin áp đảo là thế mà phải đến nửa cuối hiệp hai Nasri mới mở toang cánh cửa vào khung thành thủ môn đối phương.

Thế là hết và kịch bản sẽ là một vòng tịnh tiến? Hầu hết đều nghĩ vậy bởi với thế thượng phong và bàn thắng làm vốn, Arsenal khó để tuột khỏi tay. Song nếu may mắn đã hơn một lần đứng về phía Pháo thủ trong quãng thời gian thăng hoa qua, thì cũng sẽ đến lúc nó trở thành gánh nặng cho họ. Thực tế, ở những giây phút cuối cùng, nhát kiếm định mệnh của tiền đạo kỳ cựu Kevin Phillips đã không những đánh cắp 2 điểm của thày trò Wenger, mà có thể còn lấy luôn Cúp bạc của họ.

Bảng điện tử sân St Andrews cũng chẳng hề nói dối: Arsenal bị cầm hòa phút chót và giờ họ đã kém M.U 4 điểm…

3. Sáu trận còn lại có đủ để Arsenal ngược dòng? Trên lý thuyết thì đó là điều tất yếu và trong thực tế, dù khó khăn nhưng đấy vẫn chẳng phải nhiệm vụ bất khả thi. Kỷ nguyên Premiership từng chứng kiến những cú nước rút, bứt phá với cách biệt lớn hơn nhiều. Vấn đề là liệu niềm tin và quyết tâm của thày trò Wenger có được khơi dậy kịp lúc?

Điểm tựa lớn dành cho Arsenal: Cuối tuần này “chung kết” sớm Premiership 2009/10 sẽ diễn ra ở Old Trafford, nơi Chelsea hạ quyết tâm lấy chỗ M.U. Nhưng hãy lật ngược tình huống: Kẻ thắng vẫn sẽ hơn đứt Arsenal còn kết quả hòa thì Pháo thủ dù thắng cũng vẫn chưa thể thành người dẫn lối.

Còn nữa, 5 năm qua các cuộc đua vô địch chưa bao giờ thiếu vắng M.U hay Chelsea. Và cả 5 năm ấy, những kẻ lão luyện, giàu kinh nghiệm đó đều “đàm phán” để chia quyền thống trị. Có lẽ nào, Premiership tưởng mênh mông, bao la là thế, mà lại chỉ đáng là cái “ao làng” trong mắt hai gã Xanh - Đỏ?

Chợt thấy, cái mà Arsenal hay phần còn lại của Premiership vẫn thiếu chính là bản lĩnh của nhà vô địch.

Bạn có biết?

“Thiên đường thứ 7” dành cho Chelsea cũng là địa ngục trần gian kéo dài 46 năm qua của Aston Villa. Chưa bao giờ trong kỷ nguyên Premiership, đội bóng thành London thắng tưng bừng đến vậy, dù là trước bất kỳ đối thủ nào, ở bất kỳ nơi đâu và trong mọi giải đấu. Nhớ lại, trận thắng đậm nhất của Chelsea ở kỷ nguyên Ngoại hạng là trước Man City năm 2007, nhưng khi ấy The Blues cũng chỉ ghi được 6 bàn (thắng 6-0). Còn Aston Villa, suốt từ năm 1964 đến giờ họ mới lại phải vào lưới nhặt bóng tới 7 lần. Chẳng biết mùa này thày trò Martin O’Neill sẽ tiến tới đâu. Song 4 bàn của Lampard (lần đầu tiên ghi 4 bàn kể từ năm 2008 trước Derby County), 2 bàn của Malouda và 1 bàn của Kalou là quá đủ để nỗi đau của Aston Villa còn rất lâu nữa mới có thể gột rửa được.
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X