Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Andre Villas-Boas tới Chelsea: Có làm nên sự khác biệt?

Thứ Tư 22/06/2011 13:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

HLV người BĐN sẽ cần đến sự khôn ngoan, vận may và kỹ năng chính trị để vượt qua thách thức từ chính các cầu thủ mới của mình nếu không muốn trở thành một nạn nhân tiếp theo của Roman Abramovich.

Canh bạc lớn của Villas-Boas

Với tư cách là truyền nhân của Jose Mourinho, Andre Villas-Boas hẳn hiểu rõ những uẩn khúc đằng sau trò chơi quyền lực tại Stamford Bridge hiện giờ. Thách thức lớn nhất của ông, như với bất kỳ HLV nào khác, sẽ là thể hiện được bản lĩnh của mình trước những cầu thủ từ lâu đã đầy ảnh hưởng ở Chelsea, thậm chí còn hơn cả HLV trưởng, như đội trưởng John Terry hay tiền vệ trụ cột Frank Lampard.

Để thay thế Carlo Ancelotti, Abramovich đã lựa chọn một giải pháp phải nói là đầy mạo hiểm, cho cả bản thân ông, đội bóng lẫn người kế nhiệm Villas-Boas. Tân HLV người BĐN sẽ phải sớm khẳng định được uy quyền và tiếng nói mạnh mẽ của ông với cả các cầu thủ và ông chủ người Nga để tránh trở thành nạn nhân thứ 6 ở Chelsea dưới thời Abramovich.

Villas-Boas có thể thành công ở Stamford Bridge?

Điều đầu tiên Villas-Boas phải làm tại Stamford Bridge có lẽ là chấm dứt những so sánh và hồi tưởng về Mourinho. Ông cần phải chứng tỏ rằng ông là ngôi sao đang lên số một của bóng đá châu Âu trên băng ghế huấn luyện, chứ không chỉ là một bản sao mờ nhạt của người thầy cũ. Như thế, những gì Villas-Boas phải làm được chắc chắn không thể chỉ dừng lại ở danh hiệu Europa League và chiếc cúp vô địch BĐN cùng Porto. Thật ra, trên thế giới hiện giờ, số HLV có thể ngay lập tức thiết lập trật tự theo ý mình trong phòng thay đồ chỉ dựa vào bản thành tích quá khứ có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và Villas-Boas không nằm trong số.

Bằng tuổi Didier Drogba và Lampard, Villas-Boas cũng đã chấp nhận thử thách lớn sớm hơn Mourinho, người rời Porto với lý lịch công việc là một danh hiệu Champoins League. Ngoài ra, chiến lược gia 33 tuổi đến từ BĐN cũng không có lợi thế về mặt tuổi tác và sự ranh mãnh về mặt tính cách như người đồng hương từng rất thành công ở Chelsea. Ngay trong những ngày đầu tiên, Mourinho đã tỏ ra rằng đội bóng áo xanh may mắn mới có được ông và tự nhận mình là một “người đặc biệt” (và với những gì diễn ra sau đó, thì quả đúng như thế).

Mourinho đã không đến Stamford Bridge như một HLV may mắn và đầy lòng biết ơn được nâng hạng từ giải vô địch BĐN, vốn là một giải đấu hạng hai ở châu Âu, mà với tư cách một kẻ cứu rỗi, một vị vua được phép làm tất cả ở thế giới mới của mình. Bằng cách đó, Mourinho mang về hai danh hiệu Premier League và những cuộc phiêu lưu đáng nhớ ở đấu trường châu Âu, cho tới khi ông bị áp đảo bởi những kẻ thân cận với Abramovich và trở thành kẻ thua cuộc trong trận chiến chính trị với họ, cũng như với các cầu thủ.

Canh bạc lớn của Chelsea

Villas-Boas không như thế, và gần như chắc chắn ông sẽ không được tự chuyên toàn bộ trong công việc ở Stamford Bridge, trừ khi HLV 33 tuổi này có thể mang về chiếc cúp Champions League ngay trong mùa đầu tiên. Trên thực tế, cả mùa Hè này Chelsea đã theo đuổi nhiều hợp đồng lớn cũng như tái thiết mạnh mẽ văn phòng ban huấn luyện mà không hề cần tới một HLV trưởng. Đó là chưa kể gánh nặng của mức phí chuyển nhượng. Có thể là hơi lạ lùng với một HLV, nhưng sức ép từ khoản tiền bồi thường trị giá lên tới 13,2 triệu bảng mà Chelsea phải trả cho Porto để có được ông có lẽ chẳng kém là bao so với gánh nặng của cái giá 50 triệu bảng đính vào người Fernando Torres.

Sự trớ trêu của số phận khiến cho Villas Boas, để vượt qua tất cả những thử thách đó, phải chứng tỏ ông là người mà Chelsea đang cần, để xóa dần những di sản đã không còn phù hợp do chính Mourinho để lại ở Stamford Bridge. Điều đó đồng nghĩa với việc hạ bệ một loạt cầu thủ lão làng đầy quyền lực và trao trách nhiệm vào tay những người mới, trẻ trung hơn và khát khao cống hiến hơn. Drogba, Nicolas Anelka, Lampard, Florent Malouda và ngay cả Terry, đều là những di sản của thời Mourinho. Trong đó, thức thách lớn nhất là kiểm soát được trung vệ đội trưởng của Chelsea, người đã công khai lên tiếng ủng hộ Guus Hiddink và thường xuyên hành xử như thể chính anh mới là người có tiếng nói quyết định trong các vấn đề chuyên môn.

Tất cả những điều đó sẽ là không thể nếu Villas-Boas không nhận được sự ủng hộ xuyên suốt, nhất quán của Abramovich. Tỉ phú người Nga có lẽ đã theo dõi ứng cử viên của ông được một thời gian dài và trên lý thuyết, quyết định bổ nhiệm này là một bước chuyển của Chelsea từ những đòi hỏi ngắn hạn, đôi khi sốc nổi, về các danh hiệu cấp kỳ, sang một kế hoạch dài hạn hơn, tập trung hơn cho tương lai.

Mà ngay cả Villas-Boas có thể cũng mới là một phần trong kế hoạch tương lai của Abramovich, chứ không phải là người hoạch định và thực thi kế hoạch đó. Trên thực tế, khả năng bổ nhiệm Hiddink làm giám đốc thể thao ở Stamford Bridge vẫn còn để ngõ. Nếu cách này được thực hiện, Villas-Boas sẽ chỉ là HLV đội một, thay vì là HLV trưởng theo kiểu truyền thống. Abramovich và Hiddink sẽ lựa chọn mua cầu thủ nào, còn Villas-Boas sử dụng các cầu thủ đó.

Nhưng dù thế nào, quyết định bổ nhiệm một HLV mà tuổi đời còn đủ trẻ để ra sân có lẽ là canh bạc lớn nhất ở Chelsea suốt thời Abramovich. Vì vậy, tất cả những ai yêu mến Villas-Boas có lẽ cũng lo sợ cho ông ngang như vậy.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X