- Premier League dựa dẫm vào những “bộ não” La Liga
- Nhờ Van Gaal, Man United đã thay da đổi thịt ra sao?
- Màn trình diễn ấn tượng của Ander Herrera trong chuyến du đấu Mỹ
Hôm đó, Herrera thi đấu như lên đồng và góp công lớn giúp đội bóng xứ Basque làm nên chiến thắng gây sốc 3-2 (lượt về, Bilbao thắng tiếp 2-1 và lọt vào tứ kết trong sự nhục nhã của Man Utd bởi trước đó, "Quỷ đỏ" phải xuống chơi ở giải hạng 2 Europa League do chỉ xếp thứ 3 vòng bảng Champions League).
Thế là, Herrera mau chóng lọt vào con mắt xanh tinh tường của Sir Alex Ferguson vĩ đại. Ông đã trực tiếp chỉ đạo người em trai Martin Ferguson, nhân vật có nhiều năm làm việc cho Man Utd với tư cách tuyển trạch viên săn lùng cầu thủ (Martin cũng đã về hưu ở tuổi 71 cùng thời điểm giải nghệ của Sir Alex vào năm ngoái), theo dõi chặt chẽ Herrera và thường xuyên gửi cho ông những bản báo cáo chi tiết về anh chàng này.
Ander Herrera chính là ông chủ khu vực giữa sân đời kế tiếp sau Paul Scholes |
Thế nhưng cho đến lúc rời khỏi chiếc ghế nóng ở Old Trafford, chẳng rõ vì lẽ gì (Man Utd chưa cần bổ sung thêm tiền vệ hay sự thể hiện của Herrera chưa đủ thuyết phục) mà Sir Alex vẫn chưa đả động gì đến chuyện chiêu mộ tiền vệ này. Thực ra, lúc ấy, Herrera cũng không hẳn là gương mặt quá nổi trội để mà nhận được sự quan tâm lớn từ các CLB, bằng không tin chắc giờ này Herrera làm sao lại có mặt trong biên chế của Man Utd. Tuy không mua Herrera song có lẽ Sir Alex vẫn bàn giao lại hồ sơ của cầu thủ này cho người được ông đích thân tiến cử cho chiếc ghế thuyền trưởng mới của đội bóng, David Moyes. Chỉ có điều, vì một vài lý do mà Man Utd đã không kịp hoàn tất việc chiêu mộ Herrera trong mùa hè 2013 và đành phải chấp nhận với sự bổ sung duy nhất Fellaini. Đến kỳ chuyển nhượng mùa Đông, Man Utd lại đặt vấn đề với Bilbao về Herrera nhưng khi ấy, tiền vệ có khuôn mặt thư sinh này đang là chủ lực của đội bóng và thể hiện phong độ chói sáng nên Bilbao nhất quyết từ chối bởi không muốn đội hình bị xáo trộn vào giai đoạn then chốt của mùa bóng.
Không còn cách nào khác, Man Utd đành kiên nhẫn chờ đợi thêm vài tháng và với những gì Herrera đã trình diễn cộng thêm chuyện Sir Alex vẫn đang phục vụ cho CLB (tức là ít nhiều vẫn còn tiếng nói với ban lãnh đạo), ban lãnh đạo đi đến quyết định chiêu mộ và mọi việc đã mau chóng hoàn tất ngay cả trong thời điểm đội bóng chưa chọn xong HLV trưởng mới. Nói một cách khác, Louis Van Gaal không phải là người đích thân lựa chọn Herrera mà chỉ "miễn cưỡng" chấp nhận bởi mọi sự đã rồi (Luke Shaw cũng là một trường hợp như vậy khi vụ chuyển nhượng đã xong xuôi từ khi Van Gaal chưa được chính thức bổ nhiệm). Tuy nhiên, Van Gaal rốt cục đã không phải thất vọng về cậu học trò mới "bất đắc dĩ".
Ai cũng biết từ lâu, vị trí tiền vệ trung tâm luôn là vấn đề nhức nhối ở Man Utd (chẳng thế mà, Sir Alex đã phải thuyết phục Scholes xỏ giày trở lại sau hơn nửa năm giải nghệ để chữa cháy khẩn cấp hay Ryan Giggs thường xuyên phải đá ở trung lộ dù sở trường của huyền thoại xứ Wales là tiền vệ trái) và mùa trước nó càng trở nên nghiêm trọng hơn. Duy nhất Michael Carrick là đáng tin cậy nhưng anh ngày một già đi, kéo theo suy giảm thể lực thấy rõ và lại không có một đối tác tương xứng ở giữa sân. Darren Fletcher, tiền vệ một thời số 1 Man Utd, đã phải trải qua 2 năm trời ròng rã vật lộn với căn bệnh đường ruột và chính xác phải đến khoảng cuối năm 2013, anh mới có thể ra sân trở lại nhưng khá phập phù vì sức khoẻ chưa hồi phục hoàn toàn. Tom Cleverley có dấu hiệu chững lại rõ rệt và không còn tạo được ấn tượng tốt như mùa giải đầu tiên được ra sân thường xuyên ở đội 1 Man Utd (2012-2013) còn Anderson tệ ra sao thì khỏi phải bàn (giai đoạn hai của mùa trước, tiền vệ người Brazil bị đẩy sang Fiorentina theo diện cho mượn). Trong khi đó, tân binh Fellaini lại mang đến vô số nỗi thất vọng, bất chấp có mối quan hệ cực kỳ thân cận với David Moyes và ngay cả vị HLV "thảm hoạ" này cũng phải gạch tên cậu học trò cưng ra khỏi đội hình bởi phong độ quá nghèo nàn.
Bởi thế, sau khi chính thức dẫn dắt Man Utd, Van Gaal không có quá nhiều sự lựa chọn ổn cho vị trí tiền vệ trung tâm, lại phải phù hợp với sơ đồ 3-5-2 do ông định xây dựng nên kể cả ban đầu không mấy "ưng bụng" với Herrera thì ông cũng đành phải sử dụng tiền vệ này trong trận trình làng trên đất Mỹ (gặp LA Galaxy) vì chẳng còn phương án nào khác (Carrick đang dính chấn thương và nhiều khả năng phải vài tháng nữa mới có thể bình phục. Fellaini thì vừa dự World Cup 2014 nên lên tập trung muộn). Nhưng ngay lập tức, Herrera đã tạo cho ông thầy mới ấn tượng cực mạnh. Cựu tiền vệ Bilbao hòa nhập nhanh một cách ngạc nhiên với các đồng đội mới dù trải qua có chưa đầy một tuần luyện tập chung và thi đấu vô cùng năng nổ ở tuyến giữa, trở thành người giữ nhịp điệu cho lối chơi. Đặc biệt hơn, Herrera còn chứng tỏ được khả năng kiến thiết siêu việt của mình khi trực tiếp tạo ra 4/7 bàn thắng của đội nhà.
Kể từ đó, Herrera nghiễm nhiên chiếm một chỗ đứng bất khả xâm phạm nơi tuyến giữa và ra sân ngay từ đầu trong mọi trận giao hữu tiếp theo của đội bóng (gặp AS Roma, Inter Milan, Real Madrid, Liverpool và mới đây là Valencia). Quan trọng hơn, trận nào, Herrera cũng nhận được những nhận xét tích cực từ ban huấn luyện cũng như giới chuyên môn và xứng đáng là tiền vệ chơi ổn định nhất, tốt nhất Man Utd trong mùa hè 2014. Chẳng hạn khi chạm trán đối thủ khá quen mặt Valencia mới đây, Herrera hoàn thành quá tốt vai trò của một nhà điều phối, cầm nhịp lối chơi. Anh hoạt động tích cực ở khu vực giữa sân, chịu khó tranh chấp bóng dù thể hình không phải ưu điểm, hỗ trợ phòng ngự cho bộ ba trung vệ phía dưới cũng như nhận bóng từ họ để khơi mào cho các đợt tấn công của đội nhà. Không còn nghi ngờ gì, Ander Herrera đích thực là mẫu tiền vệ mà Man United tìm kiếm bấy lâu nay kể từ thời điểm Scholes lần đầu giải nghệ, một gương mặt biết quán xuyến tuyến giữa và giỏi toàn diện cả công lẫn thủ.
Tất nhiên, sẽ rất khập khiễng nếu so sánh Scholes và Herrera bởi đơn giản, họ khác nhau từ trong bản chất. Nếu như Scholes là dạng tiền vệ Anh điển hình (đầy sức mạnh, dũng mãnh, giỏi sút xa) thì Herrera mang đầy đủ phẩm chất của một tiền vệ TBN thuần khiết giống như Xavi, Iniesta, Silva hay thậm chí cả đồng đội Juan Mata. Khi tham gia tấn công, Herrera không "hừng hực" xông lên hay đột phá táo bạo như Scholes mà thiên nhiều về những đường chuyền cự ly ngắn và trung binh hoặc chọc khe đạt độ "sát thủ" cao, một kỹ năng truyền thống của các tiền vệ xuất xứ TBN. Còn khi hỗ trợ phòng ngự, Herrera mang dáng dấp tiền vệ đánh chặn kiểu Xabi Alonso (tức là dùng đầu đối phó lại đối phương chứ không "lấy sức đè người", sẵn sàng cản phá quyết liệt và công khai "1 chọi 1" như tiền vệ phòng ngự kiểu Anh). Song cả hai giống nhau ở chỗ: cùng mang trong người năng lực bẩm sinh của một "ông chủ khu vực giữa sân".
Thời đỉnh cao của Scholes, khu trung tuyến của Man Utd ngập tràn sức chiến đấu và khá thô ráp, gai góc, xù xì nhưng dưới triều đại mới Van Gaal, với việc trọng dụng Herrera thì có vẻ vị HLV này muốn hướng đến một khu vực giữa sân mềm mại hơn, uyển chuyển hơn mà không kém phần hiệu quả. Cần lưu ý rằng, kể cả Herrera hay những tiền vệ trung tâm khác hiện tại của Man Utd hơi yếu về khâu phòng ngự và trong nhiều trận đấu, có nguy cơ bị lấn át bởi tuyến giữa giàu cơ bắp của đối phương thì còn đó một hàng phòng ngự phía dưới gồm tới 3 trung vệ cố định và sẽ tăng lên thành 5 nếu hai cầu thủ chạy cánh thường xuyên có mặt bên phần sân nhà nên khi cần có thể bổ trợ tốt chất thép (trên nguyên tắc của sơ đồ 3-5-2 thì hai vị trí chạy cánh có thể thuộc về hậu vệ biên hoặc tiền vệ biên tuỳ theo từng trận đấu cụ thể và từng đối thủ mạnh yếu khác nhau). Rõ ràng "viên kim cương Anh quốc" (kim cương là vật liệu đạt độ cứng rất cao) đã có truyền nhân xứng đáng: "viên ngọc quý TBN" (các loại ngọc không cứng bằng kim cương nhưng cũng đẹp rực rỡ và lung linh chẳng kém)
Thiên Bình