Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Alex Ferguson: Ông thày già nhẫn nhịn

Thứ Bảy 21/07/2012 09:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vấn đề thực tại là M.U đang phải trải qua một giai đoạn đầy cam go. Con bò sữa của nhà Glazer đã bị vắt đến hốc hác, và sẽ còn bị vắt tiếp. Để duy trì sự sống của nó, chỉ có một người làm được: Alex Ferguson.

1. Trong những năm đầu tiên của mình ở Man United, HLV Ferguson được cấp rất ít tiền để mua cầu thủ. Ông rất khó chịu vì điều đó. Có một lần, ông cùng cựu chủ tịch Martin Edward sang quê nhà Scotland để “xem chân cẳng” một cầu thủ mới. Ông mời chủ tịch Edward vào nhà một người bạn dùng bữa.

Trước một bàn bày kín đồ ăn, nhà triệu phú Anh tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi rằng tại sao người Scotland lại mời khách hào phóng đến thế. “Bởi vì họ không keo bẩn như ông!” – Sir Alex nói toẹt vào mặt ông sếp.

Alex Ferguson
 

Trong suốt hơn 2 thập kỷ sau đó, như đã biết, Alex Ferguson được sử dụng ngân sách của M.U một cách rộng rãi, biến những khoản đầu tư mạnh tay thành những chiến thắng vang dội, nâng tầm M.U thành CLB thành công nhất lịch sử bóng đá Anh, cả về thương mại và thành tích sân cỏ.

Chuyện cũ bây giờ kể lại có dáng dấp của một câu chuyện ngụ ngôn. Nhưng đó là chuyện có thật, và nó là ví dụ tuyệt vời cho sự cứng rắn của Sir Alex trong việc xây dựng chính sách cho M.U. Không phải bỗng nhiên ông trở thành quyền lực số 1 tại Old Trafford, ít nhất là ở khâu quyết định các vấn đề chuyên môn.

2. Martin Edward bán lại M.U cho nhà Glazer, và mọi chuyện xoay chiều 180 độ. Chẳng cần giỏi toán lắm cũng tính được rằng bất chấp nỗ lực bổ sung nhân sự trong mùa Hè trước, đến giờ Quỷ Đỏ vẫn chưa tiêu hết tiền bán Cristiano Ronaldo. Trong vòng 4 mùa chuyển nhượng gần nhất, CLB vẫn lãi khoảng 7 triệu bảng từ TTCN.

M.U khánh kiệt với số nợ gia đình ông tỷ phú Mỹ đổ lên CLB. Và bất chấp những thành công phi thường về thương mại, bất chấp CLB vẫn có lãi, Sir Alex vẫn không thể đầu tư mạnh tay.

Nhưng chưa từng có chút điều tiếng nào về việc HLV Ferguson đối đầu với ông chủ, cho dù ông đụng đầu chan chát với đời chủ trước.

Đói đầu gối phải bò. Những tour du đấu của M.U ngày càng nặng nề hơn. Mùa Hè năm 2005, khi nhà Glazer mới tiếp quản đội, tổng quãng đường di chuyển của M.U cho tour châu Á năm ấy là 23.123 km, với hành trình Manchester-Hongkong-Bắc Kinh-Tokyo. Năm 2009, quãng đường tăng lên thành 27.313 km theo tuyến Manchester-Kuala Lumpur-Jakarta-Seoul-Hàng Châu. Tới năm 2012 này, tổng quãng đường của họ là… 33.083 km, với sự xuất hiện ở 3 châu lục.

Trong 7 năm, cường độ hành xác của M.U trong mùa Hè tăng gấp rưỡi, trong khi độ dày của đội hình hao hụt đi ít nhiều. Và Sir Alex vẫn phải cắn răng xoay sở.

3. Rất khó để kết luận điều gì đã khiến Sir Alex Ferguson chấp nhận làm việc với điều kiện khó khăn như thế, dù đó không phải thói quen của ông. Người ta cho rằng lý do quan trọng là nhà Glazer đã “cứu” ông Ferguson khỏi bị sa thải (chính vì cái tội luôn chống đối cựu thủ tịch Edward). Nhưng cũng chỉ là suy đoán.

Vấn đề thực tại là M.U đang phải trải qua một giai đoạn đầy cam go. Con bò sữa của nhà Glazer đã bị vắt đến hốc hác, và sẽ còn bị vắt tiếp. Để duy trì sự sống của nó, chỉ có một người làm được: Alex Ferguson.

Không biết mọi chuyện có thể còn được đẩy xa đến đâu, liệu có ngày nào M.U sẽ phải di chuyển 50.000 km trong một mùa Hè qua cả 4 châu lục để “làm kinh tế” cho giới chủ Mỹ hay không.

Mấy trận giao hữu thoạt nhìn tưởng như rất “vớ vẩn”, nhưng hóa ra nó lại tô đậm tầm quan trọng tuyệt đối của ông thày già với đội bóng này.

(Theo báo Bóng Đá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X