Chủ Nhật, 29/09/2024Mới nhất
Zalo

Ai có thể dạy nổi người Anh đá bóng?

Thứ Sáu 04/10/2013 13:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đội hình ra sân của Man City rạng sáng qua chỉ có đúng hai cầu thủ người Anh (thủ môn Joe Hart và hậu vệ Micah Richards, là 3 nếu tính cả James Milner vào sân thay người), nhưng họ vẫn gợi nhớ đến hình ảnh một đội bóng Anh ở đấu trường châu Âu vào thập niên 1990.

1. Bán kết lượt đi Champions League năm 1999, tờ

The Times viết rằng “Man United đã biết rằng mình đứng ở đâu sau bài học mà Juventus đã dạy”, dù kết quả trận đấu là 1-1 trên Old Trafford. Đội bóng Anh sau đó đã vượt qua Juventus 3-2 tại Delle Alpi một cách thần kỳ, đi đến trận chung kết, đánh bại nốt Bayern Munich và đăng quang (cũng không tưởng và đầy may mắn), nhưng không thể xua tan đi những ấn tượng thua kém về kỹ chiến thuật trước các CLB hàng đầu của Italy và Đức.


Joe Hart như bất lực trước sức tấn công của Bayern
Joe Hart như bất lực trước sức tấn công của Bayern


Đó là một danh hiệu may mắn của Man United. Premier League thời điểm ấy đã được biết đến như một giải đấu cống hiến bậc nhất, với lối chơi tấn công nhanh và đẹp mắt, và Man United cũng là đội chơi đẹp nhất nước Anh lúc ấy. Nhưng phải đến khi chạm trán những đối thủ sừng sỏ của châu lục, phải nhìn thấy những điệu ballet của Zidane và xem Davids thi đấu với sự kết hợp hoàn hảo giữa năng lượng, ý thức chiến thuật và tinh thần, bóng đá Anh mới ý thức được rằng họ đang đứng ở đâu.


Rạng sáng qua, Man City đã trình diễn y hệt như thế trước Bayern, một trận đấu mà họ thua kém hoàn toàn về kỹ chiến thuật, như đem giáo mác thời Trung Cổ chống lại vũ khí hiện đại, bất chấp việc người ngồi trên ghế HLV của họ là một HLV Chile đã nhiều năm làm việc ở TBN, và đội hình xuất phát của họ có đến 9 cầu thủ  không phải người Anh.


2. Nhưng sai lầm đầu tiên vẫn thuộc về người Anh, cụ thể hơn là một vị trí yếu cố hữu của nền bóng đá này: Thủ môn. Tất nhiên, ai cũng có thể sai lầm, nhưng Joe Hart lại thường mắc lỗi vào lúc người ta tin tưởng anh nhất. 11 năm trước, David Seaman cũng thua một quả lãng nhách tương tự trong trận Anh gặp Brazil ở World Cup 2002 (cú đá phạt của Ronaldinho). Có một sai lầm hệ thống nào tồn tại ở các thủ môn người Anh?

Man City hôm qua là một đội bóng mang tinh thần bị động vào trận đấu, tương tự như các CLB Anh nói chung trong thập niên 1990. Họ bị chính đội khách vây ráp và cướp bóng nhiều lần ngay trên phần sân của mình. Họ phải chạy hộc hơi để đuổi theo quả bóng ngay tại “nhà” của mình. Có một bóng ma nào đang trở lại hay không, dù về phần “xác”, Man City là một đội bóng quốc tế đích thực?

3. Trận hòa (mà như thua) của Man United, với đúng một cú sút trúng đích và lối chơi yếm thế trên đất Ukraine, và thảm bại của Man City, giống như những hình ảnh bước ra từ thập kỷ 1990 của bóng đá Anh, khi họ mới trở lại với châu Âu sau một thời gian dài bị cách ly vì thảm họa Heysel.

Điều nghịch lý là thời điểm này, bóng đá Anh đã có một vị trí rất vững chắc ở châu Âu, là giải đấu giàu có với tiền bản quyền truyền hình cao nhất. Các CLB Anh cũng đã bỏ ra không ít tiền tăng cường lực lượng trong những năm qua, thuê các HLV nước ngoài và xương sống của đội bóng cũng được trao cho những “lính đánh thuê”.

Nhưng bóng ma đã trở lại vào thời điểm không ai ngờ đến nhất. Nó đã manh nha xuất hiện ở hình ảnh kém cỏi của Man City ở hai mùa Champions League trước, và thất bại của Man United trước một Bilbao đầy kỹ thuật cách đây 2 năm. Mùa này, nó đang trở lại, rõ ràng hơn bao giờ hết.

Bayern đã thể hiện rằng họ là một trong những đội bóng đáng sợ nhất châu Âu vào thời điểm này, nhưng với sự thua kém quá xa về kỹ chiến thuật như trận đấu rạng sáng qua, thì vấn đề có thể không chỉ là của riêng Man City.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X