1. Wayne Rooney, người được gọi là “Pele trắng” của bóng đá Anh, cũng tung ra một đường chuyền mà trang 101greatgoals bình luận là “tệ hại chưa từng thấy”: Từ biên trái, anh định mở bóng sang biên phải, nhưng rốt cục lại đưa bóng đi hết đường… biên ngang.
Sau trận Man United hòa Sunderland 1-1 ở vòng 2 mùa này, HLV Louis van Gaal cũng phải than trời: “Các cầu thủ chuyền bóng quá tệ. Hàng ngày chúng tôi vẫn tập chuyền và sút nhưng chừng đó là chưa hiệu quả”.
Steven Gerrard là tiền vệ người Anh chuyền bóng tốt nhất hiện nay, nhưng anh đã… từ giã ĐT |
Tom Cleverley, người đã từng được tờ Telegraph mô tả rằng sẽ là “số 10 mới của tuyển Anh”, chơi cực tệ trong những lần được ông Van Gaal tin tưởng. Anh xoay trở chậm chạp, đỡ bóng kém và chuyền hỏng cả những pha bóng đơn giản, chưa nói đến những tình huống cần sự đột biến.
2. Chuyền bóng là một vấn đề lớn của bóng đá Anh. Trong danh sách 20 cầu thủ có tỉ lệ chuyền bóng chính xác cao nhất Premier League mùa trước (chỉ tính với những người chơi ít nhất 20 trận trở lên), chỉ có năm cầu thủ Anh là Steven Gerrard (86%), Wayne Rooney (80,1%), Raheem Sterling (81,7), Curtis Davies (78,9) và Daniel Sturridge (79,3).
Ba trong số đó là các tiền vệ công hoặc tiền đạo (Rooney, Sterling, Sturridge), Davies là một trung vệ, và chỉ có Gerrard là tiền vệ giữ nhịp. Sau Paul Scholes, Gerrard có lẽ là tiền vệ người Anh phân phối bóng tốt nhất, đặc biệt là những quả chuyền dài và mở biên.
Nhưng Gerrard đã 34 tuổi và mới từ giã Tam sư. Ở trận gần nhất tại Premier League, Liverpool thắng Tottenham 3-0, Gerrard cũng có một số đường chuyền thiếu chính xác đáng ngạc nhiên, ngay cả ở cự ly sở trường là những quả mở biên tầm xa.
David Winner, phóng viên nổi tiếng của tờ Telegraph, từng nhận xét: “Người Anh đã lạc đường trong 60 năm. Chúng tôi yêu các chiến binh như (cựu tuyển thủ Anh) Terry Butcher, Stuart Pearce và Tony Adams. Thứ văn hóa này bắt nguồn từ truyền thống của người Anh và chúng tôi chưa bao giờ đánh mất nó”.
3. Bóng đá ở Vương quốc Anh bắt nguồn từ các trò chơi được tổ chức ở những lễ hội náo nhiệt thời Trung cổ, và “có testosterone lễ hội” (lời David Winner), như môn bóng bầu dục, được khai sinh cùng thời với bóng đá.
Winner phân tích: “Hình mẫu lý tưởng của người Anh là người lính, đến giờ vẫn vậy. Các tờ báo lá cải đều mô tả các cầu thủ như người lính, vì thế, các phẩm chất được khen ngợi trong bóng đá Anh là sự dũng cảm, nhiệt tình, vâng lời, chăm chỉ, hơn là kỹ thuật, sáng tạo và cảm hứng, không phải những phẩm chất đặc trưng của người lính”.
Thứ văn hóa ấy giải thích tại sao bóng đá Anh khó sản sinh ra những cầu thủ khéo léo, có kỹ thuật tốt. Cầu thủ nhí của Anh cũng được đào tạo trên những sân đấu của người lớn, thay vì phát triển kỹ năng và cảm giác bóng trên những sân có kích thước đúng chuẩn. Nếu các CLB Anh chơi bóng như các đội TBN, kiểm soát và chuyền bóng qua lại, các khán đài sẽ gầm lên: “Mau đưa bóng lên phía trên đi”.
Cho đến giờ, hình ảnh tiêu biểu mà bóng đá Anh vẫn lấy làm kim chỉ nam là cái đầu quấn băng đầy máu của Terry Butcher ở vòng loại World Cup 1990, hội tụ sự máu lửa, hết mình của một chiến binh. Đó là điều khiến bóng đá Anh được ưa thích, nhưng mặt trái của nó là hình ảnh những tiền vệ người Anh mắm môi mắm lợi chuyền bóng… lên khán đài một cách vô duyên.
Đó là điều không thể thay đổi trong ngày một ngày hai, và thậm chí sẽ khiến người Anh phải mất nhiều thế hệ để loại bỏ ADN James Milner khỏi huyết quản của mình.
Theo Thể Thao Văn Hoá