Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

7 thay đổi lớn nhất của bóng đá Anh năm 2007

Thứ Sáu 28/12/2007 16:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá Anh sắp khép lại năm 2007 với đầy ắp những sự kiện, kỷ niệm, niềm vui và cả những giọt nước mắt. Hãy cùng điểm lại những thay đổi lớn nhất của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này trong 365 ngày đã qua, trước khi kỳ vọng một năm mới sổi nổi, hấp dẫn và kịch tính!

1. Sự trưởng thành vượt bậc của "Các pháo thủ" trẻ tuổi

Araenal thành công với một lực lượng có độ tuổi trung bình thấp nhất nước Anh

Bước sang năm 2007, không ai tưởng tượng nổi Arsenal lại có thể cạnh tranh sòng phẳng với 3 "ông lớn" còn lại của trong cuộc đua khốc liệt đến chức Vô địch giải Ngoại hạng Anh. Đơn giản bởi không những chẳng tăng cường thêm bất kỳ cái tên đáng chú ý nào cho "bằng bạn bằng bè", The Gunners còn để ngôi sao lớn nhất của mình - Thierry Henry - chuyển tới Barcelona khi mùa giải 06/07 kết thúc.

Song mọi chuyện đã diễn ra theo chiều ngược lại. Chính sự ra đi của chân sút người Pháp mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của cả một lứa cầu thủ trẻ tài năng của Arsene Wenger. Họ không còn phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân, lối chơi của The Gunners trở nên đa dạng và mềm mại khi các cầu thủ được chơi tự do hơn thay vì phải tập trung phục vụ Henry. Nó cũng giống như việc MU chơi khởi sắc hơn sau khi Ruud van Nistelrooy chuyển sang Real Madrid.

Cuộc đua "song mã" quyết liệt cùng MU trong những ngày cuối của năm 2007 ở 2 vị trí dẫn đầu Premiership rõ ràng là kết quả rất đáng tự hào của "Các pháo thủ" trẻ tuổi thành London. Không dừng lại ở đó, chắc chắn họ sẽ còn trưởng thành và thành công hơn nữa trong năm 2008!

2. Thành công không đủ giữ chiếc ghế của Mourinho

Jose Mourinho vẫn phải ra đi dù đem về thành công không nhỏ cho Chelsea

Đây là năm đánh dấu mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Roman Abramovich và Jose Mourinho đi vào thời kỳ không thể cứu vãn. Họ đã gần như không nhìn mặt nhau kể từ đầu năm. Roman từ chối chi thêm tiền để tăng cường hàng thủ trong tháng 1. Tương lai của Jose bị đặt dấu hỏi lớn vào mùa hè. Và đến tháng 9, "người đặc biệt" chính thức rời Stamford Bridge.

Một hiện tượng hoàn toàn mới đã xuất hiện trong làng bóng đá Anh, mà người ta tạm gọi là "Thành công thôi chưa đủ!".

Trong 3 năm dẫn dắt The Blues, hai chức VĐ Premiership cùng 1 Cúp FA và 2 Cúp Carling vẫn không đủ để Mourinho làm hài lòng tỷ phú người Nga, mà ngược lại, Abramovich cho rằng lối chơi của Chelsea vẫn còn xa mới sánh được sự hào nhoáng của Arsenal và Manchester United.

Mourinho buộc phải ra đi vì điều mà ông chủ này cần là ngoài danh hiệu, The Blues còn phải gây ấn tượng bởi một thứ bóng đá cởi mở, đẹp mắt và giàu bàn thắng. Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này, người hâm mộ vẫn chưa nhìn thấy điều đó dưới thời Avram Grant!

3. Tottenham bật khỏi vị trí "chỉ sau Top 4"

Berbatov và Tottenham bất ngờ sa sút

Tăng cường đáng kể về mặt lực lượng với Younes Kaboul, Gareth Bale, Kevin Boateng và đặc biệt là bản hợp đồng trị giá 16,5 triệu bảng Darren Bent, Tottenham được người ta kỳ vọng vào một cuộc lật đổ ngoạn mục ở nhóm dẫn đầu sau 2 năm liên họ chỉ chịu về đích sau 4 "ông lớn".

Tuy nhiên, mọi chuyện đã diễn ra ngược lại, thậm chí còn rất tồi tệ đối với Spurs khi họ chìm trong cảnh vật lộn ở cuối BXH ở nửa đầu mùa giải 07/08. Tất cả bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ ở thượng tầng đội bóng, dẫn tới sự ra đi "không kèn, không trống" của Martin Jol và người kế nhiệm là cựu HLV tài năng của Sevilla, Juande Ramos.

Giờ đây, ngay cả một suất dự Cúp UEFA cũng là nhiệm vụ vô cùng khó đối với Tottenham khi họ bị Everton, Portsmouth, Aston Villa bỏ xa tới hơn 10 điểm, chứ chưa nói đến tham vọng chen chân vào Top 4...

4. Fergie bắt tay xây dựng "Thế hệ vàng thứ 3"

Manchester United đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng

Sau thành công của mùa giải 06/07 với chức VĐ Premiership đầu tiên sau 4 năm, Alex Ferguson đã mạnh tay thực hiện 4 bản hợp đồng nặng ký để mang về Owen Hargreaves, Nani, Anderson và Carlos Tevez. Ngoài tài năng, điểm chung của họ còn là sự trẻ trung bởi cầu thủ "già" nhất Hargreaves cũng chỉ vừa bước sang tuổi 26.

Điều này đồng nghĩa họ cùng với Rooney, Ronaldo, Vidic, Ferdinand và Ben Foster hoàn toàn có thể cống hiến cho Quỷ đỏ trong một thập kỷ sắp tới, một kế hoạch được vạch ra rất rõ ràng của Fergie mà không những đảm bảo thành công cho riêng mình, chắc chắn ông còn để lại khoản thừa kế quý giá cho người kế nhiệm trong vài năm tới.

Một "thế hệ vàng thứ 3" tại Old Trafford đang được rất nhiều người nhắc đến, thậm chí họ còn tin chắc lứa cầu thủ này sẽ thành công hơn cả thời của Eric Cantona, Mark Hughes, McAlister cũng như David Beckham, Scholes, Giggs, anh em nhà Neville!

5. Một Man City hoàn toàn khác dưới thời Eriksson

Manchester City đổi thay kể từ khi Eriksson lên nắm quyền

So với 11 cầu thủ chính thức mà Stuart Pearce đưa ra sân trong ngày 1/1/2007, Man City hiện tại chỉ còn đúng Richard Dunne và Micah Richards giữ được vị trí. Đó là sự thay đổi quá lớn mà không đâu khác, bắt nguồn từ sự có mặt của Chủ tịch Thaksin Shinawatra và HLV Sven-Goran Eriksson.

Cuộc cách mạng triệt để đã được thực hiện và ngay cả "người hùng" Joey Barton cũng không nằm ngoài danh sách đào thải trong cuộc "thay máu" của HLV người Thụy Điển. Một "Man xanh" hoàn toàn khác - gắn liền với những cái tên như Elano, Martin Petrov, Bianchi. Tư duy chiến thuật Pearce cũng bị dỡ bỏ, thay bằng sơ đồ 4-3-2-1 mang đậm dấu ấn của sự thực dụng và hiệu quả.

Chính những thay đổi mang tính toàn diện đó đã biến Man City trở thành một trong những bất ngờ lớn nhất của nửa đầu mùa giải 07/08 - nơi họ vẫn đang vững vàng đứng cạnh "tứ đại gia" ở nhóm đầu giải Ngoại hạng Anh!

6. Hai lần "thay ngựa" và 1 vòng lẩn quẩn tại Bolton

Bolton chưa tìm lại được chính mình

Khởi đầu năm 2007 với những lợi thế và khí thế hừng hực trong cuộc đua giành vé dự Cúp châu Âu nhưng rốt cuộc, Bolton lại đang phải khép lại năm 2007 khá thất vọng trong cuộc vật lộn để giành quyền trụ hạng. Một sự thay đổi quá lớn về mặt vị thế mà không đâu khác, nó bắt nguồn từ sự bất ổn trên băng ghế chỉ đạo của The Trotters.

Màn "tháo chạy" vụng về sang Newcastle của Sam Allardyce hồi mùa hè có lẽ đã được lên kế hoạch từ rất lâu và đủ giải thích tại sao trong 17 vòng đấu cuối của Premiership mùa giải 06/07, Bolton chỉ giành nổi vỏn vẹn 4 trận thắng trước những đối thủ làng nhàng Watford, Fulham, Sheff Utd và Wigan, để rồi mất vé dự Cúp UEFA.

Quyết tâm cải tổ lối chơi của người kế nhiệm Sammy Lee đã sớm bộc lộ sai lầm ngay ở những vòng đầu tiên mùa giải 07/08, khi Bolton chìm sâu xuống cuối BXH. Gary Megson lên nắm quyền và The Trotters hiện tại lại đang "hồi sinh", thoát khỏi khu vực "cầm đèn đỏ" bằng chính lối chơi chắc chắn, khó chịu vốn là đặc trưng dưới thời Big Sam!

7. Alan Curbishley thuyết phục CĐV West Ham


Được bổ nhiệm vào ngày 13/12/06 và trải qua những trận đấu đầu tiên vô cùng khó khăn - đặc biệt là thất bại tới 0-6 trước Reading ngay ngày đầu tiên của năm mới, nhưng Alan Curbishley đã từng bước đặt dấu ấn của mình tại West Ham và cuối cùng tạo nên một điều thần kỳ khi giúp đội bóng này trụ hạng thành công. 

Thành tích phòng ngự tốt nhất trong lịch sử của The Hammers hiện tại là do một tay ông gây dựng lên khi mua về Lucas Neill, Matthew Upson cùng với việc đặt niềm tin đúng chỗ vào các cầu thủ trẻ như Danny Gabiddon, George McCartney và Robert Green.

Có thể màn khởi đầu mùa giải 07/08 của đội chủ sân Upton Park chưa thực sự ấn tượng, một phần vì họ gặp quá nhiều những chấn thương trên hàng tấn công, song so với "đống đổ nát" mà Alan Pardew để lại, Alan Curbishley xứng đáng với sự tin tưởng tuyệt đối!

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X