"Tôi hỏi và anh ấy ra dấu trả lời. Eddie Colman... chết, Duncan Edward... anh ta lắc đầu,... David Pegg... chàng trai đó nhìn tôi và không nói gì" - Sir Bobby Charlton.
Ngày 5/4/2016,
Manchester United tổ chức lễ tri ân Sir Bobby Charlton, một biểu tượng cho sự kiên cường không đầu hàng số phận của câu lạc bộ. Mười năm, Charlton từ một chàng trai bẽn lẽn, thích đùa trước thảm họa đường băng Munich trở thành người đàn ông trầm lặng, là người thủ lĩnh đưa Man Utd tới đỉnh vinh quang với chiếc cúp vô địch Châu Âu năm 1968.
|
Ngày 6/2/1958 mãi mãi là ngày đen tối nhất trong lịch sử Man Utd. |
Cho đến giờ, chiếc đồng hồ chỉ đúng khoảnh khắc 3 giờ 4 phút chiều vẫn nằm lặng yên trong phòng truyền thống của Man Utd, như báo hiệu thời khắc đen tối nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Ngày 6/2/1958, chiếc máy bay trượt bánh trên phi trường Munich đã chở theo 23 con người về với Chúa, trong ấy có 8 cầu thủ thuộc thế hệ "Busby Babes".
Roger Byrne (28 tuổi), Eddie Colman (21), Mark Jones (24), David Pegg (22), Tommy Taylor (26), Geoff Bent (25), Liam Whelan (22) và Duncan Edwards (21) lên thiên đường với Chúa cùng thư ký câu lạc bộ Walter Crickmer, huấn luyện viên Tom Curry và Bert Whalley.
Sir Matt Busby từng nhận xét "tôi có thể ngồi chơi 10 năm mà xem họ thi đấu". Thế hệ Busby Babes khi ấy vang danh tại xứ sở sương mù cùng châu Âu. Nếu họ không lên thiên đường thành lập một đội bóng mới, có lẽ phòng truyền thống của Man Utd sẽ có thêm nhiều hơn những danh hiệu, thay vì một chiếc đồng hồ ngừng chạy đặt ở một trong những vị trí trang trọng nhất.
Cứ đến ngày này, trang chủ của Manchester United sẽ nhắc lại như một trong những thời khắc đáng nhớ nhất của câu lạc bộ. Tại sao lại đáng nhớ? Sẽ có nhiều người nói lẽ ra phải là đáng quên. Nhưng với các manucians chân chính, đó phải là ngày đáng nhớ.
Manchester United phải đấu tranh rất nhiều với Liên đoàn bóng đá Anh để trở thành câu lạc bộ đầu tiên của xứ sở sương mù dự cúp châu Âu. Stanley Rous - gã chủ tịch "địa phủ" - là người phải chịu trách nhiệm gián tiếp về chiếc máy bay rơi tại đường băng tuyết phủ ở Munich.
Và sau thảm kịch đó, Man Utd đứng lên làm lại tất cả từ đống tro tàn. Bobby Charlton nỗ lực gấp đôi trong những buổi tập để nắm giữ kỷ lục chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất cho câu lạc bộ trong suốt nửa thế kỷ. Man Utd giành chiếc cúp vô địch Châu Âu năm 1968, tròn 10 năm sau thảm họa.
|
Sir Bobby Charlton là biểu tượng cho sự vươn lên từ đống tro tàn của Man Utd. |
"Chúng tôi hiểu rằng mình phải tự đứng dậy. Vụ tai nạn đó khiến chúng tôi có thêm gánh nặng trên vai. Chúng tôi phải hoàn thành giấc mơ của cả đội, của những người đã bỏ dở giấc mơ để về với Chúa, rằng Manchester United phải vô địch châu Âu" - Sir Bobby Charlton sau hàng chục năm đằng đẵng im lặng mới lên tiếng về thảm kịch vào năm 2014, về những giấc mơ dang dở, về sự nuối tiếc, về nỗi đau, mất mát và cả sự kiên cường của những con người đã đi dạo một vòng qua cửa thiên đường.
Ngày mà M.U thắng nhờ hai bàn thắng của Sheringham và Solskjaer trong trận chung kết Champions League năm 1999, cũng là ngày kỷ niệm 5 năm ngày mất của Sir Matt Busby. Sau trận đấu đó, hàng ngàn người đã tới đặt hoa dưới tượng đài của ông, trước sân Old Trafford để gửi lời cảm ơn đến người cha tận tụy ấy, để tưởng nhớ một thế hệ mang tên "Busby Babes" với giấc mơ một lần nữa được thực hiện.
Trước cái ngày không bao giờ quên ấy, Man Utd đánh bại
Leicester với tỉ số 3-0 như một món quà gửi tặng những người đã ra đi, những người sống và chết vì bóng đá. Ngày hôm nay, những vòng hoa sẽ được đặt trước Old Trafford để tưởng nhớ về "những đóa hoa thành Manchester".
"Sống thật hùng, và cái chết thật bi
Ôi bất hạnh, ôi nghiệt thay định mệnh
Những cầu thủ với tài năng thiên phú
Những bông hoa kiêu hãnh Manchester"
We will never forget (Trang chủ Manchester United đặt dòng chữ này trong ngày 6/2 hàng năm).
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)