1. Premier League đang lấy lại pole trong cuộc đua hút ngôi sao trước La Liga.
Thứ nhất, tại sao lại gọi là "lấy lại"? Những năm gần đây, một loạt những cái tên lớn chuyển từ Premier League hoặc những giải đấu khác sang La Liga, mà cụ thể là 2 ông lớn của bóng đá nước này là Real Madrid và Barcelona. 2 cầu thủ đắt giá nhất thế giới, Cristiano Ronaldo và Gareth Bale đều thuộc quyền sở hữu của sân Santiago Bernabeu. Tiếp theo đó, Neymar cũng đã cập bến sân Nou Camp. Trong hè vừa qua, không thể nói rằng La Liga mất đi sức hút: họ tiếp tục thu về James Rodriguez, Luis Suarez và Mario Mandzukic là 3 bản hợp đồng lớn nhất chia đều cho 3 ông lớn Real, Barca và Atletico.
Diego Costa |
Tuy nhiên, năm nay La Liga chuyển nhượng không mạnh bằng Premier League. Họ bị chảy máu tài năng khá nhiều, mà tiêu biểu là trường hợp của Diego Costa (sang Chelsea), Alexis Sanchez (sang Arsenal) và Angel Di Maria (sang Manchester United). Cả 3 thương vụ đắt giá nhất sàn chuyển nhượng tại xứ sương mù đều đến từ Liga, và điều đó thể hiện rằng Premier League đang kéo lại được những tài năng lớn của bóng đá thế giới về phía mình, từ chính mảnh đất màu mỡ bên bờ Tây bán đảo Iberia (Di Maria đã "chen chân" được vào danh sách 5 cầu thủ đắt giá nhất thế giới, vốn chỉ bao gồm những cầu thủ thuộc La Liga). Thêm vào đó, không thể bỏ qua những Radamel Falcao hay Mario Balotelli.
Việc mang về những ngôi sao lớn của bóng đá thế giới không chỉ mang về lợi ích về mặt chuyên môn cho Premier League, mà bên cạnh đó còn gia tăng tính cạnh tranh của giải đấu này, tăng tính giải trí của các trận đấu và tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ phát triển nhờ được tiếp xúc với những đàn anh thuộc hàng "cộm cán". Premier League ngày càng giàu có và lớn mạnh. Với đà này, họ không chỉ lấy lại vị thế của những kẻ mua bán hàng đầu thế giới mà còn lấp đầy danh sách những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.
2. Đồng bảng Anh đang mất giả trên sàn chuyển nhượng cầu thủ.
Nói rộng ra, không chỉ giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ bị thổi phồng, mà mức lương của họ cũng đã được nhân lên gấp bội so với mức họ xứng đáng được hưởng. Radamel Falcao hưởng hơn 1 triệu bảng/ tháng cho 1 năm thi đấu nhẹ nhàng tại Old Trafford (không phải ra sân tại Champions League). Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ trong 2 năm đá cho M.U, tự Falcao có thể mua được cả đội bóng Burnley. Không chỉ có vậy, một cầu thủ hạng hai như Fabio Borini cũng được QPR và Sunderland chèo kéo với mức lương lên tới 90 ngàn bảng/ tuần. 90 ngàn bảng/ tuần là gần tương đương với mức cũ của... Di Maria ngày trước tại Real Madrid. Các đội bóng lớn có thể chịu được những mức chi phí trả lương này, nhưng nếu cứ chạy theo xu hướng, khả năng các đội bóng nhỏ sụp đổ về mặt tài chính là rất lớn, mà không đánh đổi lại được nhiều về chuyên môn. Borini đương nhiên không xứng với mức 90 ngàn bảng, và anh hẳn là không đóng góp được nhiều cho bất kì đội bóng nào sở hữu với tỉ suất ghi bàn chưa bao giờ đạt mức trung bình.
Nhìn tấm gương của Portsmouth hay trước đó là Leeds United thì rõ. Sự bùng nổ của TTCN đã giết chết đội bóng từng bán Rio Ferdinand cho Man Utd với giá 29 triệu bảng. Năm 2001, Leeds lọt vào bán kết Champions League. 13 năm sau, sau khi lặn ngụp hết các cấp thi đấu nhỏ tại Anh, người ta đang thấy Leeds chơi ở giải hạng Nhất (Championship).
3. Các đội bóng mất dần chất "homegrown".
Chất homegrown ở đây có thể hiểu là trong đội hình của bất kì đội bóng nào cũng nên có cầu thủ bản xứ, và ai nào xây dựng được một đội bóng mạnh trên nền tảng các cầu thủ Anh (hoặc chí ít là vương quốc Anh) thì rất đáng trân trọng. 2 đội bóng vùng Merseyside, Liverpool và Everton, đang là những người làm tốt nhất điều này. Hiếm khi nào người ta thấy cầu thủ Anh đang làm chủ Liverpool đến thế: Sturridge đã sẵn sàng thay thế Suarez, Sterling nổi lên như một nhạc trưởng trẻ tuổi với năng khiếu chơi bóng bẩm sinh, Jordan Henderson cầm trịch tuyến giữa thay cho Steven Gerrard, người lùi về đá sâu như một tiền vệ phòng ngự trong 2 năm trở lại đây. Với Everton, những tài năng trẻ cây nhà lá vườn đến từ khắp nơi trong vương quốc Anh (Anh, Bắc Ireland, xứ Wales) đang là trụ cột đội hình của họ. Coleman, Barkley, Barry, McCarthy, Baines, Jagielka... đều có thể là những minh chứng tốt nhất cho luận điểm này.
Liverpool đang sống dựa vào chất Anh |
Thế nhưng 2 đội làm tốt không có nghĩa là các đội khác cũng làm tốt. Ander Herrera, Radamel Falcao, Angel Di Maria, Daley Blind, Luke Shaw, Marcos Rojo, 6 bản hợp đồng mới của Man Utd thì chỉ có một người là người Anh, và cầu thủ này được dự đoán sớm muộn cũng mất vị trí vào tay Marcos Rojo. Trong đội hình "phục hưng" của Man Utd, Carrick và Fletcher gần như chắc chắn sẽ bị loại; còn những Ashley Young, Jonny Evans, Smalling, Phil Jones hay thậm chí kể cả Rooney cũng cần phải xem lại tầm ảnh hưởng hạn chế của mình với đội bóng. Chelsea đang phủ kín mặt báo bằng số điểm đến từ những màn trình diễn thuyết phục của Diego Costa, Fabregas, Matic và Hazard. Không ai trong số họ là người Anh. Gary Neville nói rằng hầu hết các đội bóng Anh đang sở hữu tới 8 hay 9 vị trí trong đội hình là những người đến từ các quốc gia khác, và mỗi đội bóng lại tạo thành một "tập thể hợp chủng", và điều này hẳn nhiên sẽ kéo bóng đá Anh đi xuống. Bóng đá luôn luôn có quy luật đào thải, và việc "mất gốc" sẽ khiến nhiều đội bóng phải lao đao vì sự thiếu trung thành của các cầu thủ.
4. Premier League là mồ chôn tài năng trẻ.
Những cầu thủ dù chỉ là hạng 2 nhưng đã từng thuộc loại rất rất tiềm năng như Fabio Borini, Jack Rodwell, Wilfried Zaha hay Scott Sinclair cách đây 1 hay 2 năm đều muốn sớm khẳng định bản thân bằng cách gia nhập những đội bóng lớn và cạnh tranh một vị trí chính thức. Thời gian trôi qua, họ hiểu ra một điều rằng thế giới của các CLB đại gia không dành cho mình. Những trường hợp đạt được tới mức lọt vào đội Một như Sterling tại Liverpool, Wilshere tại Arsenal hay Barkley tại Everton hiện giờ không chỉ hiếm, mà còn hầu hết dựa vào "đào tạo cây nhà lá vườn", tức là đội bóng đào tạo người trẻ để dùng chứ không phải để bán. Khi đào tạo người trẻ để bán, các đội bóng hưởng lợi từ những mức phí chuyển nhượng ngất ngưởng, còn sự nghiệp của những cầu thủ trẻ thì thật đáng tiếc, đi xuống một cách thảm hại.
Jack Rodwell đã phải chạy khỏi Man City để cứu vãn sự nghiệp của mình |
Jack Rodwell đã không thể phát triển thêm được gì tại Man City, thậm chí còn "rước" thêm chấn thương vào người. Borini chìm nổi tại Liverpool và vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu trong bối cảnh những cái tên khác cũng chơi tiền đạo đang đá quá hay tại Anfield. Zaha sang Man Utd với tư cách là bản hợp đồng cuối cùng của Sir Alex, nhưng rồi bản thân anh cũng tắt ngấm, không cạnh tranh nổi với cả những cái tên rất thiếu năng lực như Valencia hay Young. Scott Sinclair được người ta nhớ đến nhiều hơn vì cô bồ nóng bỏng Helen Flanagan hơn là những màn trình diễn trên sân cỏ. Họ không tiến bộ, dù có gốc rất tốt, dẫn đến việc khi đến tầm tuổi phát triển mạnh mẽ, họ cũng chỉ tương đương như các cầu thủ khác chăm chỉ trau dồi trong những tập thể nhỏ.
5. Chelsea sẽ vô địch nhờ buôn bán hợp lý?
Man Utd mua bán không hợp lý, điều này là rõ ràng. Họ cần tiền vệ trung tâm, và đã mua tới 2 người đá được ở vị trí này là Daley Blind và Ander Herrera, nhưng người mà họ thực sự muốn là một máy quét đa năng như Arturo Vidal hay Kevin Strootman. Điều đó đồng nghĩa với việc dù đã ném cả đống tiền vào chuyển nhượng nhưng Man Utd vẫn mua không thông minh và lấp đầy được những chỗ còn thiếu; có chỗ thì lại quá thừa như hành lang cánh trái. Manchester City nổi lên như đối trọng duy nhất với Chelsea, nhưng bản thân họ cũng đầu tư chẳng mấy đúng đắn. Họ mua về hầu hết là những cầu thủ đều thuộc dạng quay vòng hoặc dự bị (Frank Lampard, Willy Caballero, Bacary Sagna, Bruno Zuculini). Người có khả năng đá chính duy nhất là Eliaquim Mangala thì vẫn vật lộn mãi với chấn thương mà chưa thể ra mắt. Lực lượng năm nay của Man City chỉ dày hơn, chứ không hề mạnh hơn năm ngoái. Còn Arsenal, họ mua Danny Welbeck, Calum Chambers, David Ospina hay Mathieu Debuchy, những người có vẻ thích hợp cho cuộc đua vào top 4, còn Alexis Sanchez lại quá quen với đá tiền đạo phải trong sơ đồ 4-3-3 của Barcelona nên vẫn cần rất nhiều thời gian thích nghi. Năm nay nhiều khả năng lại là một năm "vứt đi" của Arsenal tại Premier League.
Arsenal và Barcelona có tiếc khi nhìn Fabregas tỏa sáng ở Chelsea? |
Chỉ có Chelsea là mua bán hợp lý. Nhưng bản hợp đồng của họ, mà tiêu biểu nhất là Fabregas, Diego Costa và "người cũ mà mới" Thibaut Courtois, đã đều đóng góp được rất lớn vào ngôi đầu bảng của The Blues vào thời điểm hiện tại. Năm ngoái, Mourinho nói rằng Chelsea chưa đủ sức vô địch Premier League, và họ suýt vô địch. Năm nay, Mourinho nói Chelsea vô địch được rồi, điều đó cũng có nghĩa là Chelsea sẽ vô địch nếu không có đột biến quá lớn. Nếu họ cứ chơi như những vòng đầu, toan tính, hiệu quả mà không kém phần đẹp mắt, quyến rũ, Chelsea xứng đáng lên ngôi. Với hàng ngũ cựu binh vừa vào độ chín và tân binh thích nghi cực nhanh chóng, những gì mà Chelsea bỏ ra để mua ngôi vô địch là xứng đáng tới từng xu. Thêm vào đó, với việc bán đi một số người thừa nhưng được giá (David Luiz và Romelu Lukaku là ví dụ tiêu biểu), đồng thời cho mượn tới 26 cầu thủ thuộc đội hình Một và dự bị, Chelsea thậm chí còn có lãi khi mua bán.
Buôn bán có lãi và vô địch, năm nay sẽ là năm của Jose Mourinho.
Thành Nguyễn