Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

5 điểm bất ngờ mà Man Utd "cống hiến" mùa này

Thứ Năm 09/10/2014 16:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Dù mới đá có 7 trận mùa này, Man Utd đã đưa người ta qua quá nhiều cung bậc cảm xúc. Thua Leicester, rồi thắng Everton, De Gea trở thành một trong những thủ thành xuất sắc nhất thế giới, rồi Rooney nhận 3 trận treo giò...

Bên cạnh những sự kiện ấy, đội quân của Louis Van Gaal còn mang tới cho người hâm mộ những bất ngờ mà trước mùa giải ít ai nghĩ tới.

1. Thủ lĩnh Angel Di Maria

falcao di maria
Falcao và Di Maria tỏ ra rất ăn ý

Người ta bàn luận rất nhiều về việc ai sẽ là đầu tàu của Manchester United trong mùa giải năm nay. Van Persie, Rooney, Fletcher, Carrick hay thậm chí là cả Cleverley... Có những tranh cãi lớn xung quanh chiếc băng đội trưởng tại Old Trafford. Thế nhưng rồi thủ lĩnh cả về chuyên môn và tinh thần lại là một tân binh, gia nhập Nhà hát của Những Giấc mơ từ vòng 3 Premier League và đương nhiên là không đeo băng đội trưởng trên tay như Rooney.

Ai cũng biết Di Maria giỏi thế nào: anh chính là nhân tố chính mang Real Madrid đến với Decima mùa trước; thậm chí mức độ đóng góp của Thiên thần chẳng thua gì Ronaldo. Những pha đi bóng tốc độ, khả năng tạo đột biến xuất chúng của Di Maria là không cần bàn cãi. Thế nhưng không ai nghĩ rằng anh lại hoà nhập với Man Utd nhanh đến mức ấy. Chưa có cầu thủ nào đến từ Argentina nào toả sáng thực sự ở môi trường Premier League nặng về thể lực, từ Veron, Heinze cho tới một Tevez được coi là tạm thành công. Cả Thierry Henry hay Dennis Bergkamp, những ngôi sao ngoại quốc vĩ đại nhất Premier League cũng phải mất nhiều thời gian để thích ứng. 

Thế nhưng, Di Maria ghi bàn rất thoải mái, kiến tạo cho các đồng đội một cách cực kì ăn ý và không ngán ngại trong những pha tranh chấp tay đôi. Sự chăm chỉ và hiệu suất của Di Maria là tốt hơn thời ở Real Madrid rất nhiều khi anh không phải chia sẻ kép chính cho Ronaldo hay Bale: 3 bàn thắng và 3 đường kiến tạo chỉ trong 4 trận đã cho thấy tốc độ, sự gan lì và tính trực diện của tiền vệ người Argentina hoàn toàn có khả năng thống lĩnh Premier League.

2. Chim mồi Falcao

Chân sút người Colombia cập bến Old Trafford với tư cách là một trong những con "rắn săn mồi" lợi hại nhất thế giới. Thế nên, không ai nghĩ rằng dấu ấn mà Falcao để lại trong những trận đấu đầu tiên cho Quỷ Đỏ lại là... những đường chuyền. Thực tế trên sân thể hiện rằng Falcao không giống như những gì người ta trông chờ: có những lúc các tình huống khống chế bước một hoặc nhiều tình huống dứt điểm cận thành của anh thể hiện rõ ràng sự thiếu tinh tế, không sắc sảo. Tuy nhiên, đó chỉ là lúc Falcao chưa thể ghi bàn. Pha lập công đầu tiên của tiền đạo người Colombia là vào lưới Everton, một đội bóng cực kì nguy hiểm: một pha ra chân cực kì bản năng, thể hiện chính xác giá trị của anh.

Một mảng khác mà Falcao để lại ấn tượng là cách anh đóng góp vào lối chơi chung. Chân sút này đã "bơm" cho Van Persie 2 bàn thắng, bên cạnh một loạt những tình huống luân chuyển bóng cực kì chính xác tạo cơ hội cho các đồng đội. Falcao tỏ ra ăn ý một cách đáng ngạc nhiên với Angel Di Maria bởi khả năng đi bóng tương đối uyển chuyển. Tuy nhiên, trong tương lai anh cần tập trung nhiều hơn vào khâu ghi bàn để cân bằng giữa việc đóng góp và gây đột biến.

3. Người vô hình Adnan Januzaj

Adnan januzaj
Adnan Januzaj không hợp với sơ đồ của Van Gaal

Với màn trình diễn tốt cho Man Utd dưới thời David Moyes năm ngoái, cộng thêm với việc được ra mắt ĐT Bỉ tại World Cup 2014, Adnan Januzaj được kì vọng sẽ có nhiều trận đấu hơn, cũng như trở thành một trụ cột của Quỷ Đỏ trong năm nay. Tuy nhiên, tài năng trẻ sinh năm 1995 không thể thích nghi được với sơ đồ của Louis Van Gaal. Chính Bông Tulip thép cũng thừa nhận Januzaj hợp hơn với vai trò chạy cánh trong sơ đồ 4-3-3. Khi Man Utd chơi với sơ đồ 3-5-2, vị trí của Januzaj sẽ được đảm nhiệm tốt hơn bởi Juan Mata hoặc đội trưởng Wayne Rooney. Chính vì thế, tài năng người Bỉ chỉ được ngồi dự bị trong phần lớn thời gian của giai đoạn đầu mùa giải.

Thực ra Januzaj vừa có thể chơi dạt biên, vừa đá được hộ công; tuy nhiên với sự góp mặt thêm của Angel Di Maria, cơ hội góp mặt cho Januzaj trở về con số 0. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một tình trạng tạm thời: hiện tại Januzaj vẫn được Van Gaal coi là một "bài tẩy" mỗi khi Man Utd rơi vào thế bế tắc. Hat-trick vào lưới U21 Sunderland trong trận đấu với đội dự bị vẫn cho thấy rằng người kế thừa Ryan Giggs đủ khả năng để góp mặt trong các trận đấu của Quỷ Đỏ. Việc anh phải ngồi dự bị chỉ cho thấy rằng lúc này Man Utd đang có hàng công vô cùng đáng sợ, hơn thời của David Moyes rất nhiều. Thậm chí, có thể chưa đến lúc Van Gaal sử dụng Januzaj để "ém" - với khả năng đào tạo trẻ giỏi bậc nhất thế giới, HLV người Hà Lan sẽ không uổng phí một tài năng như cầu thủ 19 tuổi. 

4. Gã trai mãi không lớn Jonny Evans

Jonny Evans
Jonny Evans mắc lỗi trực tiếp dẫn tới trận thua đội hạng dưới MK Dons

Trong 2 mùa vừa qua, Evans nổi lên như một dấu hiệu tích cực để người ta tin tưởng vào tương lai của hàng thủ xuất chúng tại Old Trafford. Khi đạt phong độ cao nhất, Evans là một chốt chặn chắc chắn, chuyền tốt bằng cả hai chân; nhìn chung là khá tuyệt vời. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy lời chỉ trích của Roy Keane dành cho Evans là rất xác đáng. Huyền thoại Man Utd cho rằng đáng ra Evans giờ này đã phải trở thành một trong những trung vệ bậc nhất thế giới, chứ không chỉ thường thường bậc trung, mãi không lớn như thế này. Thậm chí, Keane còn chỉ trích luôn cả Phil Jones và Chris Smalling. 

Người ta có thể biện hộ rằng Evans dính chấn thương trong thời gian gần đây nên không duy trì được phong độ cao nhất. Tuy vậy, sự thiếu tập trung cực kì đáng trách của trung vệ 26 tuổi, nhất là trong trận gặp đội hạng dưới MK Dons, đã khiến Man Utd nhận những kết quả vô cùng kém cỏi (thua 0-4 trước đối thủ nói trên). Cầu thủ người Bắc Ireland vẫn rất thiếu tự tin trong những pha xử lý, dù thể hiện được sự chăm chỉ cần cù của mình. Đây là một vấn đề lớn mà Van Gaal phải đối mặt, trong bối cảnh hàng thủ chính là tuyến yếu nhất tại Old Trafford lúc này. Nếu như Evans thực sự trưởng thành, Man Utd sẽ là đối trọng cho ngôi vô địch; thế nhưng chính vì sự yếu kém của anh, mà M.U lọt tới top 4 cũng đã được coi là thành công.

5. Những quyết định thay đổi nhân sự không hiệu quả của Van Gaal

Một trong những đặc điểm làm nên thương hiệu của Van Gaal chính là khả năng xoay chuyển tình thế bằng những sự thay đổi người. World Cup vừa qua đã minh chứng rõ điều đó, khi ông một tay đưa tập thể Hà Lan non trẻ vào tới Bán kết bằng những thay đổi nhân sự hoàn hảo.

Thế nhưng, chính việc thay đổi người sai lầm của Van Gaal đã khiến cho Man Utd thua Leicester theo cách cực sốc tại Premier League. Ông không thể đưa ra sự thay đổi nào giúp các học trò ngăn chặn việc đối thủ liên tục ghi bàn trong hiệp 2. Ở trận đấu trước đó, Bông Tulip thép để Januzaj chơi ở khu trung lộ như một tiền vệ trung tâm. Trước West Ham, dù Falcao đã chơi cực tốt (chỉ thiếu chút thời gian để có thêm bàn thắng), nhưng anh lại bị rút ra trong khi Van Persie tỏ ra cực kì chậm chạp. Có những câu hỏi được đặt ra về khả năng cầm quân của Van Gaal, tuy nhiên điều này chúng ta còn cần một thời gian dài mới có thể kiểm chứng.

Thành Nguyễn 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X