Nếu Ferguson rời Old Trafford sau mùa giải 2001-2002, như ông tuyên bố nghỉ hưu trước đó, HLV người Scotland vẫn sẽ được nhớ đến như một trong những chiến lược gia vĩ đại nhất từng dẫn dắt M.U, nhưng việc ông tiếp tục hành trình của mình giúp Ferguson không chỉ sánh ngang với người tiền bối Sir Matt Busby, mà đang trên đường trở thành HLV vĩ đại nhất trong cả lịch sử giải Ngoại hạng Anh.
>>> 25 năm mối tình MU - Ferguson (Kỳ 3): Thế hệ vàng và cú ăn ba lịch sử
>>> 25 năm mối tình M.U - Ferguson (Kỳ 2): Eric Cantona, vị thần của Old Trafford
>>> 25 năm mối tình MU - Ferguson: Cuộc gặp gỡ định mệnh (Kì 1)
Xét cho cùng, những năm tháng từ sau cú ăn ba cho tới khi gia đình tỉ phú người Mỹ Glazer tiếp quản lại CLB vào năm 2005, dù M.U giành thêm được 2 chức vô địch Premier League và một Cúp FA, đó vẫn được coi là những ngày khó khăn nhất với Ferugson, thậm chí còn gian nan hơn cả khởi đầu 6 mùa giải không danh hiệu. Lúc ông chân ướt chân ráo rời Aberdeen vào năm 1986, Ferguson còn là một HLV trẻ tuổi và M.U cũng đang trong quá trình tái thiết sau một giai đoạn dài sa sút, với kỳ vọng không cao và sức ép cũng vừa phải.
Còn giờ đây, sau cú ăn ba, sau những trục trặc trong phòng thay đồ với Jaap Stam, và đặc biệt là vụ "chiếc giày bay", dẫn đến sự ra đi của David Beckham, nhiều người đã đặt dấu hỏi phải chăng Ferguson, sau 16 năm tại vị, không còn minh mẫn nữa và phải chăng M.U cần một làn gió mới. Quá trình chuyển tiếp diễn ra không dễ dàng, bởi lẽ bất cứ điều gì mà đội bóng áo đỏ và Ferguson làm được cũng sẽ bị mang ra so sánh với thế hệ vàng 1999 và cú ăn ba huyền thoại.Chiếc giày bay khiến Beckham ra đi
Tuy nhiên, với tất cả phẩm chất của một người Glasgow không bao giờ khuất phục, với sự kiên định đến ngoan cố, lòng tin tưởng chắc chắn ở con đường phía trước và khát khao chiến thắng không bao giờ nguội, Sir Alex lại một lần nữa lái con tàu M.U vượt qua sóng gió, vững vàng chuẩn bị cho những cuộc chinh phục tiếp theo.
Có lẽ không gì nói thay cho tinh thần đó tốt hơn cuộc lội ngược dòng vào cuối mùa giải 2001-2002. Cho tới tháng 12/2001, sau một chuỗi trận tệ hại với 6 trận thua trong 7 trận, M.U rớt xuống thứ 9 trên bảng xếp hạng Premier League, kém đội đầu bảng Liverpool 11 điểm, và đã chơi nhiều hơn một trận. Nhiều người đã vội vàng tin rằng M.U sẽ lần đầu tiên sau gần một thập kỷ không được dự cúp châu Âu, chứ đừng nói là cạnh tranh ngôi vô địch.
Nhưng Ferguson không dễ buông xuôi. Ông đã suýt xoay chuyển được tình thế với chuỗi 8 trận thắng liên tiếp giúp M.U leo lên dẫn đầu bảng và khơi lại hy vọng đăng quang. Mùa đó, M.U chỉ về thứ 3 ở trong nước, nhường chức vô địch cho Arsenal. Cộng thêm việc bị loại khỏi bán kết Champions League trước Bayer Leverkusen đã khiến Ferguson hiểu rằng cách làm cũ không còn tốt nữa, ông cần phải thay đổi, bởi lẽ đó là lần đầu tiên kể từ năm 1989, M.U của ông kết thúc mùa bóng mà không phải là đội vô địch hay á quân ở một giải đấu lớn.
Đầu tiên là hợp đồng kỷ lục của nước Anh, trung vệ 24 tuổi Rio Ferdinand từ Leeds với giá 30 triệu bảng. Sau đó là viên trợ lý người BĐN Carlos Queiroz. M.U giành danh hiệu thứ 8 của họ ở Premier League trong cuộc đua cực kỳ kịch tính. Khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là mùa giải kết thúc, họ kém Arsenal 8 điểm, nhưng vẫn đuổi kịp đối thủ với 10 chiến thắng trong 11 trận cuối cùng, ở mùa giải mà Ferguson mô tả là đáng hài lòng nhất với ông từ trước đến nay. Đó cũng không phải là lần đầu chiến lược gia người Scotland cho thấy ông là một bậc thầy tâm lý, khi những lời bóng gió và cuộc đấu võ mồm giữa ông và đồng nghiệp người Pháp Arsene Wenger đã mang đến cho M.U lợi thế cực kỳ lớn về mặt tinh thần.
Sau khi đã cho thấy ông hoàn toàn trên cơ so với Wenger, từ năm 2004, Ferguson phải đối mặt với một đối thủ khó chịu hơn nhiều: Chelsea với tiềm lực tài chính khủng khiếp của Abramovich và ngôi sao mới nổi trong làng HLV, "Người đặc biệt" Jose Mourinho. Như tiên liệu được những khó khăn trước mắt, Ferguson đã lần lượt đưa về hai cầu thủ sau này sẽ trở thành những huyền thoại mới của Old Trafford và là những người quan trọng nhất trong cuộc đua tranh của họ với một Chelsea cự phú, Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney. Tháng 1/2005, đến lượt Nemanja Vidic và Patrick Evra có mặt ở Old Trafford, sau khi chính M.U cũng đã đổi chủ, vào tay gia đình Glazer. Một thời kỳ mới mở ra với đội bóng áo đỏ, và với chính Ferguson.
Hủy bỏ kế hoạch nghỉ hưu Ngay sau mùa giải huy hoàng 1998-1999, Sir Alex Ferguson đã lên kế hoạch nghỉ hưu, và ông đã thực sự công bố quyết định đó vào năm 2001, để rồi lại đổi ý vì lời khuyên của bà vợ Cathy, sự ủng hộ của ba cậu con trai và quan trọng nhất, những thách thức mới đủ để làm bầu máu nóng của ông lại sôi sục vì khát khao vinh quang. M.U bắt đầu những mùa giải ngay sau cú ăn ba huyền thoại với tư cách kẻ thống trị không thể tranh cãi ở Premier League, cả về sức mạnh trên sân cỏ lẫn khả năng tài chính. Thành công ở ba giải đấu quan trọng mùa trước đó giúp Ferguson có một ngân sách rủng rỉnh để gần như mua bất cứ cầu thủ nào mà ông thích. Rất nhiều trong số những hợp đồng lớn và gây tranh cãi nhất của M.U diễn ra trong giai đoạn này, bao gồm tiền đạo người Hà Lan Ruud van Nistelrooy, 18 triệu bảng từ PSV Eindhoven, kỷ lục của Premier League khi đó; thủ thành người Pháp Fabien Barthez, 7,8 triệu bảng từ Monaco, kỷ lục cho số tiền một CLB Anh bỏ ra cho thủ môn, rồi thêm một kỷ lục nữa, Juan Sebastian Veron, tiền vệ kiến tạo người Argentina đến từ Lazio với giá 28 triệu bảng. Chi tiêu mạnh tay mang về hai chức vô địch Premier League nữa, và Ferguson đã mãn nguyện đến mức ông định về hưu, nhưng rồi ban lãnh đạo M.U loay hoay mãi mà không tìm được người thay thế. Họ cố gắng thuyết phục nhân vật quan trọng nhất trong đội bóng ở lại, Ferguson tham khảo ý kiến gia đình và cân nhắc những gì đang xảy ra, bao gồm hai trận thua ở tứ kết Champions League trước Real Madrid và Bayern Munich, khiến ông muốn nếm trải lại một lần nữa cảm giác đăng quang ở đấu trường châu lục. Và ông đã ở lại. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)