Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

14 bản hợp đồng kỷ lục Premier League: Khi "bom xịt" lên ngôi

Thứ Năm 29/12/2016 13:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Kỳ chuyển nhượng hè 2016 chứng kiến sự điên rồ của Premier League với 14 câu lạc bộ phá kỷ lục. Nhưng câu hỏi về sự hiệu quả vẫn còn đó khi những bản hợp đồng kỷ lục gần như chưa chứng tỏ được giá trị tương xứng với số tiền các đội bóng bỏ ra.

 
Khi kỳ chuyển nhượng hè 2016 khép lại, số tiền các câu lạc bộ tại Premier League bỏ ra để chiêu mộ cầu thủ đạt ngưỡng 1 tỷ bảng. Đáng chú ý là 14 trong tổng số 20 câu lạc bộ tham gia "phiên chợ hè" đều có những bản hợp đồng phá kỷ lục chuyển nhượng của đội. Thậm chí, Leicester ba lần phá kỷ lục chỉ trong vài tháng hè ngắn ngủi.
 
Pogba cho rang Man Utd cu nhu the dang bi nguyen rua.
Pogba chưa xứng với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới mà Man Utd chi ra.

Điều đáng ngạc nhiên là những đội bóng thuộc diện "ông lớn" tuy chi nhiều tiền nhưng chỉ Man Utd, Man City và Tottenham xác lập đỉnh mới. Còn lại toàn là những CLB thuộc hàng "hạng trung" như Crystal Palace, Leicester, West Ham, Southampton, Swansea, Bournemouth, Sunderland, West Brom, Watford, Hull và Burnley.
 
Nguyên nhân dẫn tới việc các đội bóng chiếu dưới bất ngờ "bạo chi" trong mùa hè 2016 là bởi chức vô địch như trong truyện cổ tích của Leicester chỉ cách đó vài tháng. Do vậy, nhiều "ông nhỏ" đều muốn thử một lần đánh cược với hy vọng biết đâu sẽ lặp lại kỳ tích như thầy trò Ranieri.
 
Không bảo chứng cho thành công
 
Leicester là một trong những câu lạc bộ chịu chi nhất trong mùa hè 2016 khi ba lần phá kỷ lục chuyển nhượng với Nampalys Mendy (Nice - 13 triệu bảng), Ahmed Musa (CSKA Moskva - 16,6 triệu), Islam Slimani (Sporting Lisbon - 29 triệu). Hiệu quả của cả ba bản hợp đồng này tính đến thời điểm hiện tại đều rất thấp. Mendy chưa qua được cái bóng của Kante, bộ đôi tiền đạo Slimani và Musa chỉ ghi tổng cộng 6 bàn tại Premier League.
 
Bản hợp đồng Paul Pogba của Man Utd tuy chưa đến mức độ bị đánh giá thất bại nhưng rõ ràng chưa xứng đáng với cái giá kỷ lục thế giới 89 triệu bảng. Tương tự thế, John Stones - hậu vệ người Anh đắt giá nhất trong lịch sử - cũng thi đấu không tốt tại Man City và thường xuyên mắc sai lầm sơ đẳng.  Điểm chung là Man Utd và Man City đều thi đấu trồi sụt dựa trên sự lên xuống thất thường của Pogba và John Stones.
 
Leicester
Leicester ba lần phá kỷ lục chuyển nhượng trong mùa hè 2016 nhưng vẫn thi đấu tệ hại.

Nhìn lại một loạt bản hợp đồng kỷ lục khác ngoài Jeff Henrick, Didier N'Dong và Ryan Mason phần nào thể hiện được mình, thì những cái tên như như Isaac Success, Nacer Chadli, Jordon Ibe, Borja Baston, Sofiane Boufal, Andre Ayew, Christian Benteke, Moussa Sissoko đến thời điểm hiện tại đều bị đánh giá thất bại.
 
Nhìn vào thành tích chung của cả đội, Chelsea, Liverpool cùng Arsenal là những đội bóng không thiết lập kỷ lục chuyển nhượng đều góp mặt trong top 4, thậm chí là chiếm hai ngôi đầu bảng xếp hạng. Tất cả là nhờ vào việc mua bán có mục đích rõ ràng. Chelsea chắc chắn hơn nhờ Kante, Liverpool thăng hoa cùng Sadio Mane và Arsenal bớt mong manh với Mustafi.
 
Ba đội bóng còn lại không tạo kỷ lục trong mùa hè 2016 là Everton, Stoke và Middlesbrough đều có thứ hạng tạm chấp nhận được. Đội đứng thấp nhất trong nhóm không tạo kỷ lục chuyển nhượng là tân binh Middlesbrough có vị trí 14. Điều đó cho thấy tiền bạc không hẳn mang lại sự thành công mà cần một chiến lược mua sắm khôn ngoan.
 
Chuyển nhượng mùa đông còn chưa bắt đầu nhưng ngay từ lúc này, một loạt câu lạc bộ bắt đầu rục rịch lên kế hoạch mua sắm. Liệu các câu lạc bộ tại Premier League có còn "ham" tạo ra những kỷ lục với bom tấn xịt?
 
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam) 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X