(Bongda24h) - Cùng với xu hướng chung trên khắp châu Âu, kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa qua ở nước Anh diễn ra khá ảm đạm nhưng vẫn có thể kể ra không ít thương vụ "ầm ĩ". Dưới đây là 10 bản hợp đồng "hời nhất" theo đánh giá của tờ The Sun, dựa trên tài năng của từng cầu thủ và số tiền các CLB phải bỏ ra.
1. Robbie Keane (cho mượn, từ Tottenham tới Celtic)
Không ai dám phủ nhận tài năng của Keane. Chỉ có điều anh không thể có được vị trí thường xuyên trong đội hình Tottenham do sự toả sáng rực rỡ của Defoe và sự có măt của "Sếu vườn" Peter Crouch dù mang trên vai chiếc băng đội trưởng danh giá. Thêm nữa, với cái bản tính "thích xê dịch" khó thay đổi của mình (Keane thay CLB như thay áo), tiền đạo người Ai Len khó lòng chấp nhận cảnh làm bạn với băng ghế dự bị nên anh quyết định ra đi trong tháng 1 với đích đến là CLB của Scotland, Celtic. Đây là bản hợp đồng "tốt cho tất cả các bên". Keane chắc chắn được ra sân nhiều hơn, Celtic chỉ phải chịu trách nhiệm trả lương (không mất phí chuyển nhượng) mà lại có thêm một sự bổ sung đáng giá cho đội hình trong tình cảnh đang bị Rangers bỏ xa tới 10 điểm ở giải quốc nội còn Tottenham hy vọng Keane sẽ chơi tốt trong quãng thời gian cho mượn để có ngày trở về White Hart Lane.
Đánh giá của The Sun: Khả năng (8/10), Cơ hội thành công (10/10), Lợi ích kinh tế (9/10). Tổng: 27/30
2. Victor Moses (2,5 triệu bảng, từ Crystal Palace tới Wigan)
Đánh giá: Khả năng (7/10), Cơ hội thành công (8/10), Lợi ích kinh tế (8/10). Tổng: 25/30
3. Robinho (cho mượn, từ Man City tới Santos)
Giống như trường hợp của Keane, tài năng của Robinho thì có thừa nhưng anh không sao phát huy được ở "gã nhà giàu" thành Manchester. Để cứu vãn sự nghiệp và nhằm bảo vệ một suất ở ĐTQG Brazil tham dự VCK World Cup 2010, Robinho quyết định trở về khoác áo đội bóng quê hương Santos, nơi anh đã khởi nghiệp "quần đùi áo số", theo bản hợp đồng cho mượn kéo dài đến hết mùa giải. Dĩ nhiên, môi trường bóng đá ở Brazil đã quá phù hợp và thân quen với Robinho. Đổi lại, Santos cũng phải chi vào đây không ít tiền để trả lương cho Robinho dù tiền đạo này chấp nhận giảm lương chỉ còn bằng 1/3 so với mức hiện tại ở Man City (khoảng 160.000 bảng/1 tuần) nhưng với đội bóng của Brazil không giàu tiền của, số đó cũng là khủng khiếp rồi.
Đánh giá: Khả năng (9/10), Cơ hội thành công (10/10), Lợi ích kinh tế (5/10). Tổng: 24/30
4. Mido (cho mượn, từ Middlesbrough tới West Ham)
Chỉ vì muốn quay trở lại thi đấu ở Premier League mà "chú ngựa bất kham" Mido chấp nhận đầu quân cho West Ham trong nửa cuối của mùa giải với mức lương cực sốc: 1.000 bảng/1 tuần, khoản thu nhập thậm chí không bằng nổi những cầu thủ trẻ thuộc đội dự bị của những CLB khác trong khi tài năng của Mido không đến nỗi "thấp kém" đến vậy. Việc Mido không thể trở thành ngôi sao của Premier League, phần nhiều là do tính khí thất thường của cầu thủ này. Dù cho Mido lại gây thất vọng ở West Ham thì HLV Zola cũng chẳng lấy gì làm buồn bởi chi phí bỏ ra là quá rẻ mạt.
Đánh giá: Khả năng (7/10), Cơ hội thành công (6/10), Lợi ích kinh tế (10/10). Tổng: 23/30
5. Chris Smalling (10 triệu bảng, từ Fulham tới MU)
Xét về tiền bạc, đây là bản hợp đồng đắt giá nhất Premier League trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay nhưng hiệu quả thì chưa ai có thể nói trước được. Chỉ biết rằng chiến lược gia lão luyện Alex Ferguson không phải là "gà mờ" khi chịu bỏ ra đến 10 triệu bảng cho một hậu vệ mới ngoài 20 tuổi nếu anh chàng đó không thật sự có tài và nhiều triển vọng. Smalling được nhắm đến như là người kế nhiệm Rio Ferdinand trong tương lai ở MU. Dĩ nhiên vẫn cần thời gian để kiểm nghiệm sự chính xác của Sir Alex nhưng vị HLV người Scotland không mấy khi mắc sai lầm khi đánh giá các tài năng trẻ.
Đánh giá: Khả năng (8/10), Cơ hội thành công (7/10), Lợi ích kinh tế (7/10). Tổng: 22/30
6. Maxi Rodriguez (CNTD, từ Atletico Madrid tới Liverpool)
Sự túng quẫn về khả năng tài chính của Liverpool buộc Rafa Benitez phải thay đổi chính sách chuyển nhượng của mình khi hướng sự tập trung vào những cầu thủ có đẳng cấp, có kinh nghiệm, có tài năng nhưng giá rẻ hoặc miễn phí thì càng tốt. Maxi là một cầu thủ như vậy. Tuy thời kỳ đẹp nhất trong sự nghiệp đã đi qua nhưng Maxi vẫn được đánh giá khá cao, thậm chí vẫn có tên trong danh sách ĐTQG Argentina của Diego Maradona. Vấn đề chỉ là số lượng cầu thủ đến từ xứ sở Tango thành công ở Premier League chỉ đếm trên đầu ngón tay và hy vọng Maxi là một trong số đó.
Đánh giá: Khả năng (8/10), Cơ hội thành công (6/10), Lợi ích kinh tế (8/10). Tổng: 22/30
7. Adam Johnson (7 triệu bảng, từ Middlesbrough tới Man City)
Johnson là trụ cột của đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhất, Middlesbrough. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên được triệu tập vào ĐT U-21 Anh, minh chứng cho tài năng của tiền vệ này. Triển vọng Johnson trở thành một cầu thủ lớn trong tương lai là rất sáng sủa một khi được trao cơ hội ở đội bóng mới Man City. Nhưng ngày đó có đến hay không thì chưa ai dám chắc vì với dàn cầu thủ hùng hậu mà Man City đang có và sẽ có, cơ hội để một cầu thủ trẻ như Johnson được ra sân thường xuyên là rất nhỏ.
Đánh giá: Khả năng (7/10), Cơ hội thành công (6/10), Lợi ích kinh tế (7/10). Tổng: 20/30
8. Patrick Vieira (cho mượn, từ Inter Milan tới Man City)
Không ít kẻ "độc mồm" đã cho rằng Vieira tới Man City chẳng qua là vì tiền bởi chỉ có duy nhất đội bóng thành Manchester mới đáp ứng nổi yêu cầu khủng khiếp về lương bổng của tiền vệ người Pháp mặc dù Vieira đã là "con người của dĩ vãng" và lại liên tục bị chấn thương hành hạ. Nhưng Roberto Mancini vẫn trông chờ cậu học trò cũ của mình sẽ đóng góp cho Man City nhờ vào kinh nghiệm thi đấu dồi dào và khát khao được có tên trong danh sách ĐT Pháp tham dự VCK World Cup 2010.
Đánh giá: Khả năng (7/10), Cơ hội thành công (8/10), Lợi ích kinh tế (4/10). Tổng: 19/30
9. Stefano Okaka Chuka (cho mượn, từ Roma tới Fulham)
Fulham coi tiền đạo trẻ mới 20 tuổi người Italia là giải pháp tạm thời cho hàng tiền đạo vốn mỏng mà lại thường xuyên bị ảnh hưởng do chấn thương. Còn Roma cũng muốn Okaka Chuka tích luỹ thêm kinh nghiệm. Là mẫu tiền đạo có thể hình, khoẻ, dũng mãnh, Okaka Chuka khá phù hợp với bóng đá Anh. Quả là Fulham đã có sự lựa chọn khá khôn ngoan
Đánh giá: Khả năng (6/10), Cơ hội thành công (6/10), Lợi ích kinh tế (6/10). Tổng: 18/30
10. Sol Campbell (CNTD, từ "thất nghiệp" tới Arsenal)
Trung vệ người Anh trở về "mái nhà xưa" Arsenal trong tư thế của kẻ phải chịu cảnh thất nghiệp được gần nửa năm. Nhiều chuyên gia cho rằng Wenger chiêu mộ Campbell chẳng qua là vì tình nghĩa chứ không dính dáng gì đến chuyên môn. Với cái độ tuổi 35 và nhất là ở vị trí đòi hỏi yếu tố thể lực cao (trung vệ) thì Sol Campbell rất khó thành công, ngay cả ở một đội bóng nhỏ, nói gì đến đại gia tầm cỡ như Arsenal. Dù sao, Wenger cũng chỉ có 2 trung vệ đáng tin cậy là Gallas và Vermaelen nên việc có thêm "hàng miễn phí" như Campbell cũng không phải là quá tồi. Campbell và Silvestre sẽ là những "dự bị" bất đắc dĩ nếu một trong 2 trung vệ chủ lực vắng mặt.
Đánh giá: Khả năng (4/10), Cơ hội thành công (5/10), Lợi ích kinh tế (7/10)
Bảo Anh