Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

10 khoảnh khắc của bóng đá Anh mùa giải 2007-2008

Thứ Năm 29/05/2008 14:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Một mùa giải sôi động nữa lại đi qua với người hâm mộ trên đảo quốc sương mù cũng như những ai yêu mến bóng đá Anh trên toàn thế giới. Chắc hẳn, tất cả vẫn còn nhớ như in những ấn tượng, dấu ấn (cả vui lẫn buồn) đậm nét nhất. Xin gửi đến các bạn độc giả 10 khoảnh khắc của bóng đá Anh mùa giải 2007-2008.

1. Cú trượt ngã định mệnh của John Terry


Có lẽ phải rất lâu nữa người đội trưởng của Chelsea mới có thể quên được ký ức đau buồn trong một đêm mưa tại thủ đô Moscow của Nga. Trong thời khắc định mệnh đó, giấc mộng lần đầu tiên được làm bá chủ châu Âu của The Blues đã bị cuốn đi cùng những hạt mưa sau cú trượt ngã của John Terry. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ như in giây phút khó quên đó. Tỷ số luân lưu 11m đang là 4-4 và Terry thực hiện quả đá cuối cùng mà nếu thành công, Chelsea sẽ chính thức đăng quang. Đội bóng thành London đã rất rất gần và chắc chỉ còn cách chiếc cúp danh giá có vài cm. Terry tự tin bước đến, đánh lừa được Van der Sar nhưng anh đã mất trụ và dường như chính pha trượt ngã đó làm cho cú sút của Terry không còn giữ được sự chính xác và bóng đã đập trúng cột dọc rồi bay ra ngoài. Abramovich chết đứng trên khán đài, Grant gục đầu trên băng ghế huấn luyện còn các cầu thủ Chelsea đều lộ rõ sự chán chường đến cùng cực. Bóng ma của thất bại đã xuất hiện và được cụ thể hóa bằng pha đá không thành công của Anelka sau đó. Rõ ràng, Terry chính là người phải nhận trách nhiệm lớn nhất trong cú ngã lịch sử của Chelsea và những giọt nước mắt của anh như càng xát thêm muối vào nỗi đau. Chelsea đành giương mắt nhìn "kỳ phùng địch thủ" lập cú đúp trong tình cảnh trắng tay hoàn toàn trong mùa giải 2007-2008. Dĩ nhiên, Terry vẫn sẽ là đội trưởng và trụ cột của The Blues. Chỉ có một người bị đem ra "trảm": Avram Grant.

2. Chào tạm biệt Jose Mourinho


Mourinho, một con người "đặc biệt" với cá tính mạnh, sở hữu cái tôi cá nhân rất lớn, không ngán một ai và sẵn sàng gây chiến bằng những phát biểu cực "sốc". Nhưng trên hết là một tài năng không thể phủ nhận. Không có Mourinho thì còn lâu Chelsea mới đoạt được chiếc cúp vô địch Anh sau 50 năm chờ đợi mòn mỏi. Nhờ Mourinho, thế độc tôn do cặp đôi MU - Arsenal ở xứ sở sương mù mới bị phá vỡ và Chelsea leo lên trở thành một thế lực mới tại Premier League. Nhưng dù có như vậy, "người Bồ Đào Nha đặc biệt" vẫn không giành được cảm tình và sự tin tưởng tuyệt đối của ngài chủ tịch Roman Abramovich bởi Chelsea không giành được thành tích ở châu Âu cũng như thi đấu không theo kiểu "sexy football" như ý nguyện của tỷ phú người Nga. Và việc Mourinho ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian. Trận hòa 1-1 trên sân nhà trước Rosenborg chỉ là một cái cớ "hợp lý" cho sự kết thúc của triều đại Jose Mourinho tại Stamford Bridge. Tuy nhiên, đến giờ, nhiều người vẫn phải công nhận tầm ảnh hưởng của con người này tại Chelsea vẫn còn rất lớn từ các cầu thủ cho đến CĐV.

3. Steve McClaren và sự tích cái ô


Tại VCK Euro 2008 sắp tới, quê hương của túc cầu giáo sẽ phải ngậm ngùi theo dõi 16 ĐT tranh tài qua màn hình tivi. Mà thành tích không vượt qua vòng loại đáng xấu hổ đó gắn liền với cái tên Steve McClaren. Người đàn ông từng có thời gian làm trợ lý cho Sir Alex vĩ đại tại MU và HLV trưởng CLB Middlesbrough đã chứng tỏ sự non kém về tay nghề và bản lĩnh khi được bổ nhiệm thay Eriksson ở ĐT Tam sư. ĐT Anh vô cùng cực nhọc ở VL Euro 2008 và vào những thời điểm quyết định, Macca đã thất bại. Đó là trận thua ngược tại Moscow trong trận đối đầu trực tiếp với đối thủ Nga và đỉnh điểm là thất bại trước Croatia tại thánh địa Wembley trong lượt đấu cuối cùng. Chỉ cần hòa thôi là ĐT Anh sẽ chính thức có mặt tại Áo và Thụy Sĩ nhưng ngay cả mục tiêu nhỏ nhoi đó, McClaren cũng không thể dẫn dắt các học trò giành được.
 

Đoán đội vô địch, trúng thưởng lớn
 
EU [Tên đội] gửi 8581

Ví dụ: EU DUC gửi 8581
Thông tin chi tiết,

4. "Đấng cứu thế" Kevin Keegan trở lại


Sam Allardyce, HLV đã tạo dựng được tên tuổi tại Premiership qua những gì thể hiện ở Bolton, đã quyết định chấp nhận một thử thách mới khi nhận lời làm HLV Newcastle. Big Sam tới St James Park với biết bao kỳ vọng nhưng rốt cục, lại chỉ gây ra sự chán nản. Newcastle càng chơi càng đuối còn Sam Allardyce đã hiểu ra mình không hợp với đội bóng này. Tháng 1 năm 2008, Big Sam bị sa thải và người lên thay là một gương mặt quen thuộc, Kevin Keegan. Cựu danh thủ từng đoạt "Quả bóng châu Âu" đã có quãng thời gian huấn luyện rất thành công và đưa Newcastle thành một "thế lực" đối chọi với MU trong những năm 1996, 1997. BLĐ trông chờ Keegan sẽ vực dậy được "Chích chòe" và giúp đội bóng trở lại thời kỳ huy hoàng xưa kia. Keegan đã phải gặp không ít khó khăn nhưng dần dần, ông đã để lại được dấu ấn của mình. Newcastle khép lại mùa giải 2007-2008 một cách khá êm đẹp và hứa hẹn sẽ bùng nổ ở mùa giải sau.

5. Tuyệt tác của Cristiano Ronaldo


Ronaldo đã có mùa giải không thể tin nổi ngay cả với chính bản thân anh. Tiền vệ người Bồ Đào Nha đã góp công lớn vào thành tích giành cú đúp của Manchester United. Ngoài vai trò chuyền bóng và kiến tạo quen thuộc, Ro7 còn hoàn thành tốt một chức trách khác: ghi bàn thắng. Ronaldo đã giành thêm hàng loạt giải thưởng cá nhân khác như Cầu thủ xuất sắc nhất Premiership nhưng đáng kể nhất là "Vua phá lưới Premier League" và cả "Chiếc giày vàng châu Âu", một thành tích mà rất hiếm tiền vệ giành được. Không ít bàn thắng của anh đến từ các quả sút phạt trực tiếp mà tiêu biểu nhất có lẽ là tác phẩm được tạo ra ở trận đấu gặp Portsmouth vào ngày 31/01/2008 ở giải Ngoại hạng. Vẫn là cú sút mu lai má quen thuộc nhưng bóng đã đi theo một đường vòng cung tuyệt hảo và lượn vào góc cao trước sự bất lực hoàn toàn của David James. Tuyệt tác này về sau còn được báo giới tung hô trong một thời gian khá dài và Ronaldo thì coi đó là bàn thắng đẹp nhất anh từng ghi trong sự nghiệp.

6. Chấn thương kinh hoàng của Eduardo


Bên cạnh những giây phút lắng đọng, đáng nhớ thì bóng đá Anh cũng phải chứng kiến không ít ấn tượng "kinh hoàng" (hiểu theo đúng nghĩa đen của từ này) mà chấn thương của tiền đạo chơi cho Arsenal, Eduardo da Silva là dẫn chứng sống động nhất. Ngày 23/2/2008, ở trận đấu gặp Birmingham, hậu vệ Martin Taylor đã có cú vào bóng "trên mức thô bạo" với chân sút người Croatia gốc Brazil và chân của Eduardo đã gần như bị gãy ra. Nếu không có sơ cứu kịp thời của bác sĩ thì nhiều khả năng, Eduardo sẽ phải chấm dứt sự nghiệp. Nhưng quãng thời gian nghỉ thi đấu dự tính kéo dài gần 1 năm cũng đủ để nói lên mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nhiều tờ báo ở nước Anh đã dùng những từ rất mạnh mẽ như "kinh hoàng", "khiếp đảm" để diễn tả về tình huống này trong khi một số đài truyền hình không cho chiếu lại cảnh quay đó vì quá "rùng rợn". Một số CĐV quá khích của Arsenal còn đòi "xử" Taylor để trả thù cho Eduardo. Dù rằng, Martin Taylor và cả CLB Birmingham tỏ ra ăn năn (Taylor đã vài lần đến thăm "nạn nhân" trong bệnh viện) nhưng khó bù lại được những gì Eduardo và Arsenal đã mất. Sau này, "đồ tể" của Birmingham cũng chỉ bị treo giò có 3 trận bởi theo FA, đó không phải là một lỗi cố tình.

7. Điều kỳ diệu Fulham


Hai năm liên tiếp, Premier League được chứng kiến những cuộc đào thoát vĩ đại. Mùa giải trước là Wigan còn năm nay là Fulham. Liên tục phải nằm trong nhóm cuối bảng với nguy cơ tụt hạng luôn hiển hiện trên đầu nhưng Fulham đã có màn về đích thành công. Tất cả bắt đầu từ trận lội ngược dòng không tưởng trên sân của Manchester City. Bị đội chủ nhà dẫn trước đến 2-0 cho đến tận phút 70, tuy nhiên chỉ với quãng thời gian còn lại, Hodgson và các học trò đã 3 lần làm thủng lưới đối phương, mang về 3 điểm cực kỳ quý giá. Nếu thất bại ở trận đó, Fulham cầm chắc suất xuống hạng. Chiến thắng không chỉ giúp họ nuôi hy vọng mà còn tiếp thêm tự tin và động lực cho 2 vòng đấu còn lại. Tiếp đó, Fulham đánh bại Birmingham trong trận chung kết ngược và chính thức ở lại giải Ngoại hạng thêm một năm khi xuất sắc vượt qua chủ nhà Portsmouth, một hiện tượng của mùa giải 2007-2008 (cũng chính là đội giành cúp FA) tại vòng cuối cùng. Quả thực, Fulham đã làm được điều kỳ diệu vì trước đó không nhiều người dám tin, họ có thể đủ sức trụ lại Premier League.

8. Câu chuyện cổ tích Barnsley


Giải đấu lâu đời nhất thế giới, cúp FA mùa giải 2007-2008 đã chứng kiến quá nhiều bất ngờ. Kể từ năm 1995, đội đăng quang không nằm trong nhóm "tứ đại gia". Cardiff City, một đội bóng thuộc ... xứ Wales (chứ không phải Anh) và đang chơi ở giải hạng Nhất có mặt ở trận chung kết dẫn đến một kịch bản khá trớ trêu: nếu chẳng may Cardiff giành cúp FA (may mà không xảy ra) thì không hiểu, họ có được tham dự cúp UEFA hay không. Nhưng trên tất cả, là câu chuyện cổ tích thời hiện đại mà đội bóng bé nhỏ Barnsley đã viết nên. Barnsley chỉ là CLB thuộc diện "làng nhàng" ở giải hạng Nhất (kém Cardiff), gồm toàn những cầu thủ vô danh. Và không ai có thể ngờ được, "chàng David" Barnsley bằng tinh thần thi đấu quên mình đã hạ gục 2 "gã khổng lồ" Liverpool và Chelsea mà chỉ tính mỗi tiền lương dành cho dàn sao của 2 đội bóng trong 1 tháng cũng đã vượt trội so với tổng giá trị của toàn bộ đội hình Barnsley.

9. Chia tay Martin Jol


HLV người Hà Lan từng có quãng thời gian 3 năm khá thành công ở White Hart Lane trong đó đáng kể nhất là thành tích giúp đội bóng thành London giành một suất dự cúp UEFA mùa giải 2007-2008. Nhưng ông đã phải ra đi trong cay đắng, nhường chỗ cho Juande Ramos vào ngày 25 tháng 10 năm 2007. Vẫn với một đội hình như thế và lại được bổ sung thêm một vài tân binh có chất lượng, tuy nhiên không hiểu sao Spurs khởi đầu mùa giải rất tồi tệ, thậm chí còn rơi xuống nhóm cuối bảng. Thêm nữa, Martin Jol lại có mối quan hệ không mấy êm đẹp với Dimitar Berbatov, ngôi sao "bất khả xâm phạm" ở Tottenham cùng ban lãnh đạo CLB. Và thất bại trên sân nhà trước Getafe ở cúp UEFA đã là "một giọt nước làm tràn ly". Kết cục, Martin Jol bị sa thải và phải thất nghiệp đến gần 1 năm. Mùa giải sau (2008-2009), Jol đã nhận lời làm HLV trưởng CLB Hamburg của Đức.

10. Arsenal loại AC Milan ở Champions League


Milan đang là đội ĐKVĐ trong khi Arsenal chưa bao giờ được đánh giá quá cao ở đấu trường châu Âu. Hai đội gặp nhau ở vòng 1/8 Champions League 2007/2008 và hầu hết mọi người đều cho rằng lợi thế nghiêng về Rossoneri nhất là khi "Pháo thủ" không còn duy trì được phong độ cao như hồi đầu mùa còn Milan chỉ còn duy nhất mục tiêu Champions League để mà phấn đấu. Lượt đi, hai đội hòa không bàn thắng tại Emirates và không ai dám nghĩ, đoàn quân trẻ của Arsene Wenger lại chơi ấn tượng đến vậy trên San Siro. Họ vây hãm khung thành đội chủ nhà từ đầu đến cuối, tạo ra vô số cơ hội và xứng đáng giành chiến thắng dù có muộn màng. Phút 84, Cesc Fabregas thực hiện một siêu phẩm từ rất xa, hạ gục Kalac. Bàn thắng vào những phút bù giờ của Adebayor chỉ là chiếc đinh chốt đóng vào cỗ quan tài đưa tiễn AC Milan. Arsenal đã có trận đấu có thể coi là hay nhất tại châu Âu trong vài năm trở lại đây và hùng dũng bước vào tứ kết. Chỉ tiếc, họ đã thất bại trong cuộc nội chiến với Liverpool và thêm một lần lỡ hẹn với Champions League.

  • Bảo Vân

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X