Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

10 bản hợp đồng hiệu quả nhất Premiership mùa giải 2006-2007

Thứ Sáu 11/05/2007 10:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Các CLB ở nước Anh đều phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ nhằm tăng cường lực lượng và họ đều hy vọng quyết định của mình là đúng đắn. Dưới đây là 10 cái tên do chuyên trang Bongda24h lựa chọn. Tất cả đều đã thể hiện được giá trị của mình, tương xứng với số tiền chuyển nhượng được bỏ ra.

1. Michael Carrick (Manchester United)

 

Carrick đã dần làm các CĐV Quỷ đỏ quên đi hình ảnh của Roy Keane dũng mãnh ngày nào. Cầu thủ này không chơi máu lửa, quyết liệt như một đấu sĩ giống người tiền nhiệm nhưng anh lại có đầu óc tổ chức chiến thuật tốt hơn. Thời gian đầu, Carrick chơi không tốt do áp lực từ bản hợp đồng trị giá đến 18 triệu bảng từ Tottenham cùng với kỳ vọng quá lớn về việc thay thế Keane ở MU. Nhưng rồi bằng tài năng của mình, tiền vệ này đã cải thiện phong độ qua từng trận và chinh phục được cảm tình của các CĐV.

Anh không phải là người hay nói và sẵn sàng chấp nhận "làm nền" cho sự tỏa sáng của Ronaldo hay Rooney. Carrick là người anh hùng thầm lặng, đóng góp âm thầm vào danh hiệu vô địch Premiership lần thứ 16 của MU. Mùa sau nếu Owen Hargreaves có về sân Old Trafford thì vị trí của Carrick cũng khó bị đe dọa bởi ý định của Ferguson là hình thành cặp bài trùng Hargreaves - Carrick ở khu vực trung tâm cho những mùa giải sắp tới.

2. Dimitar Berbatov (Tottenham)

 

Ngay ở trận thứ 2 thi đấu trong màu áo mới, Berbatov đã có bàn thắng đầu tiên cho Spurs ở Premiership. Nhưng từ đó, anh liên tục tịt ngòi ở các giải quốc nội dù ở đấu trường châu Âu anh vẫn nổ súng. Nhiều người đã hoài nghi về khoản têền 11 triệu bảng mà Martin Jol đã bỏ ra để có anh từ Bayer Leverkusen. Tuy nhiên, bằng khả năng của một tiền đạo có đẳng cấp, anh đã vượt qua mọi trở ngại và giờ đã là sự lựa chọn không thể thay thế trên hàng công của Tottenham. Không chỉ là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Tottenham trong mùa giải, Berbatov còn nhiều lần kiến tạo cơ hội cho đồng đội lập công. Tuy khá cao to, nhưng tiền đạo số 9 này lại chơi tương đối kỹ thuật và tốc độ.

Phong độ chói sáng của Berbatov đã thu hút được sự chú ý của nhiều đội bóng lớn đặc biệt là MU. Alex Ferguson không hề giấu diếm mong muốn lôi kéo tiếp một cầu thủ của Tottenham về MU. Nhưng anh mới đây đã tuyên bố không muốn rời khỏi sân White Hart Lane. Tuy nhiên, chưa có gì là đảm bảo bởi nếu MU sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn như vụ chuyển nhượng Carrick thì Tottenham chắc chắn sẽ phải suy nghĩ lại.

3. Obafemi Martins (Newcastle)

 

Từng khẳng định tài năng trong màu áo Inter Milan ở Serie A từ năm 20 tuổi và buộc phải rời khỏi CLB này do không thể có được một vị trí chính thức trong đội hình, nên Martins không gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định mình ở Premiership. Và đây có lẽ là môi trường phù hợp nhất với những phẩm chất của tiền đạo người Nigeria. Martins luôn gây khốn khổ cho các hậu vệ đối phương bằng tốc độ cực nhanh, khả năng càn lướt tốt và đặc biệt cực khỏe. Các hành động như kéo áo hay níu người dường như không có tác dụng với tiền đạo này vì anh sẽ gạt phăng đối thủ ra để lao về phía trước.

Trong hoàn cảnh, "Chích chòe" bị cơn khủng hoảng chấn thương trầm trọng thì Martins chính là "đầu tàu" đưa Newcastle vượt lên. Anh là chân sút số 1 của đội bóng và Newcastle dường như đã lãi to khi chỉ mất 10 triệu bảng để có được anh. Cho dù, CLB này mới có sự xáo trộn về HLV thì vị trí của Martins tại St James Park không có gì thay đổi. Mới 23 tuổi nên tiền đạo này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

4. Andrew Johnson (Everton)

Andrew Johnson (áo xanh) 

Tiền đạo có cái đầu trọc và bộ mặt khá "dữ dằn" này nổi lên từ CLB Crystal Palace và được coi là một tiền đạo hứa hẹn của bóng đá Anh. Johnson vẫn gắn bó với Crystal Palace dù CLB này bị xuống hạng vào năm 2005. Nhưng bước sang mùa giải này, anh đã không thể cưỡng lại sức hút của Premiership và lựa chọn Everton trong một loạt các đội bóng muốn có được chữ ký của anh, làm điểm đến tiếp theo. Với những gì đã từng thể hiện trong vài năm gần đây, Andrew Johnson đã không khó để đẩy "ma cũ", James Beattie lên băng ghế dự bị.

Cầu thủ này là một mẫu tiền đạo Anh điển hình: mạnh mẽ, quyết đoán và chơi không chiến tốt. Sự thi đấu xuất sắc cùng những bàn thắng của Johnson đã giúp Everton có được 1 suất tham dự cúp UEFA, một thành tích mà mùa giải năm ngoái đội quân của David Moyes đã không thể làm được. Và Johnson  chính là người anh hùng của chiến tích ấy.

5. Nicolas Anelka (Bolton)

Anelka (phải)

Nói về Anelka là phải nhắc đến đặc điểm nổi bật nhất của cầu thủ này: có tài nhưng bất trị. Rong ruổi hết từ nơi này đến nơi khác và không chỗ nào Anelka trụ được quá lâu. Không phải vì anh không có tài mà là không một HLV nào có thể chịu đựng được quá lâu tính khí của anh chàng này. Anelka từng chơi cho Arsenal, Liverpool, Manchester City ở Anh rồi cả Real Madrid ở Tây Ban Nha và những CLB hạng trung bình như PSG (Pháp), Fenerbahce (Thổ Nhĩ Kỳ). Mùa giải này, anh cập bến Bolton, nơi tập hợp của những "hàng thải", hết "đát" từ những đội bóng khác.

Nhiều người đã nghi ngờ không biết Anelka có làm nên được trò trống gì ở Bolton nhưng HLV Sam Allardyce luôn là người rất giỏi trong việc khơi dậy tinh thần và lòng khát khao ở những cầu thủ tưởng như hết thời này. Anelka cũng không phải ngoại lệ. Tiền đạo này đã chơi rất ấn tượng trong mùa giải này và là chân sút nổ súng đều đặn cho Bolton. Thậm chí anh đã được gọi trở lại ĐT Pháp sau thời gian vắng bóng. Nhưng khả năng ở lại sân Reebok của Anelka vẫn không có gì chắc chắn nhất là khi Big Sam đã ra đi.

6. Benedict McCarthy (Blackburn)

 

Tiền đạo người Nam Phi rất xứng đáng là cầu thủ xuất sắc nhất của Blackburn trong mùa giải này. Chuyển đến nước Anh từ CLB Porto, McCarthy thích nghi ngay với không khí bóng đá ở đây. Anh đã làm lu mờ hoàn toàn hình ảnh của Craig Bellamy trong tâm trí các fan hâm mộ Rovers. Tính cho đến vòng 37, tiền đạo này đã ghi được 16 bàn và đứng thứ 3 ở Premiership sau Drogba, Ronaldo. Phong độ ổn định của McCarthy đã khiến HLV Mark Hughes an tâm khi mà các tiền đạo khác của đội bóng này chơi không tốt.

Những gì mà McCarthy mang lại cho Blackburn lớn hơn rất nhiều khoản tiền 2 triệu bảng mà đội bóng này đã bỏ ra. Chỉ tiếc mình anh chưa đủ để mang về một thành tích tốt hơn cho Blackburn. Hiện đang có khá nhiều những CLB ở Premiership quan tâm đến McCarthy nhưng HLV Mark Hughes mới tuyên bố cầu thủ này là tài sản lớn nhất của đội bóng và ông sẽ không để học trò của mình ra đi với mức phí rẻ mạt. Đúng là một thương vụ thành công mỹ mãn của vị thuyền trưởng người xứ Wales.

7. Jonathan Woodgate (Middlesbrough)

 

Chôn vùi sự nghiệp ở Real Madrid nhưng Woodgate đã thực sự hồi sinh khi trở về Premiership. Thi đấu cho Boro với trọng trách thay thế vị trí trung vệ mà chính HLV đương nhiệm Gareth Southgate để lại. Và anh đã đáp ứng được sự kỳ vọng của Ban huấn luyện. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cản phá các tiền đạo đối phương, mà với tố chất chỉ huy, Woodgate còn trở thành thủ lĩnh của Middlesbrough. Anh đã góp phần biến Boro thành địch thủ cực kỳ khó chịu cho các đội bóng lớn. Hãy hỏi MU, Chelsea, Arsenal và cả Liverpool xem họ đã phải vất vả thế nào khi đối đầu với đội quân của HLV Southgate dưới sự chỉ huy của đội trưởng Woodgate.

Có thể nói Middlesbrough là đội có thành tích rất tốt khi đối mặt với 4 "ông lớn" của bóng đá Anh nhất là trên sân nhà Riverside. Tại đây, Boro chỉ chịu thua sát nút MU do kém may mắn hơn. Còn lại họ đã cầm hòa Arsenal, Liverpool và đánh bại Chelsea. Và Woodgate chính là "vị tướng" chỉ huy những trận đánh "oanh liệt" ấy. Chính vì thế, nên HLV Southgate đã quyết định bỏ ra 7 triệu bảng để chính thức có được trung vệ này từ Real. Một cái giá xem chừng vẫn còn rẻ chán.

8.  Tomas Rosicky (Arsenal)

 

Arsenal đã có được cầu thủ có biệt danh là "Tiểu Mozart" này với cái giá rẻ mạt, 7 triệu bảng từ CLB Borussia Dortmund. Nguyên nhân là do đội bóng nước Đức lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính và buộc phải bán tháo những cầu thủ tài năng của mình. Nói là rẻ bởi vì trong vài năm gần đây, Rosicky đã được coi là một trong những tiền vệ xuất sắc của bóng đá châu Âu và Dortmund đã phải mất tới 18 triệu bảng để có được anh từ Sparta Praha. Và đúng là Arsenal đã "lãi to" từ thương vụ này.

Tư duy chiến thuật cùng những cú sút xa là những điểm mạnh nhất của tiền vệ này. Tuy chơi không quá nổi bật nhưng Rosicky mang lại cho Wenger những sự đột biến về lối chơi khi cần thiết. Có thể khẳng định, hiện tại ở Arsenal, cầu thủ người Séc là tiền vệ có kỹ thuật thuộc vào loại tốt nhất. Nếu không có những chấn thương thì sự đóng góp của Rosicky cho Pháo thủ sẽ còn nhiều hơn nữa. Các CĐV Arsenal đang hy vọng tiền vệ này sẽ chơi với phong độ cao nhất ở mùa giải tới để giúp đội bóng trở lại đỉnh cao sau những năm bị Chelsea và MU "đè nén".

9. Nwankwo Kanu (Portsmouth)

 

Những ai từng cho rằng tiền đạo người Nigeria này đã hết thời đều phải suy nghĩ lại sau khi chứng kiến Kanu thể hiện ở mùa giải 2006-2007. HLV Redknapp không mất một xu nào để có được Kanu từ West Brom nhưng giá trị của anh với đội bóng lại rất lớn. Kanu chính là tiêu biểu cho sự trỗi dậy của Portsmouth trong mùa giải này. Năm ngoái, đội bóng này còn trầy trật ở nhóm cuối bảng thì năm nay đã lọt vào nửa trên của bảng xếp hạng.

Kanu chính là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất của Pompey. Tuy nhiên thể lực suy giảm là một yếu tố khiến anh không thể đóng góp được nhiều hơn cho đội bóng để nâng cao thành tích. Dù sao với những đội bóng có tiềm lực và khả năng trung bình như Portsmouth thì một cầu thủ như Kanu vẫn là một tài sản đáng quý.

10. Henrik Larsson (Manchester United)

 

Đây có lẽ sẽ là cái tên khá bất ngờ với nhiều người vì anh chỉ xuất hiện ở Premiership đúng 3 tháng. Tuy nhiên với màn trình diễn ngắn ngủi nhưng khá ấn tượng trong màu áo MU đã đủ để Larsson trở thành bản hợp đồng có giá trị của mùa giải. Ferguson quả thật rất tinh tường khi chọn được một cầu thủ tuy tuổi đã cao nhưng kỹ năng săn bàn vẫn rất nhạy bén. Với kinh nghiệm dày dạn của mình, Larsson đã nhanh chóng hòa nhập với các đồng đội mới.

Ngoài những bàn thắng ghi cho MU (3 bàn), Larsson còn mang lại sự hỗ trợ và phối hợp nhịp nhàng với Rooney, Ronaldo hay Ryan Giggs. Anh chơi thuyết phục đến mức, MU liên tục bày tỏ mong muốn gia hạn hợp đồng cho mượn với Larsson nhưng anh nhất quyết từ chối để trở về Thụy Điển. Dù sao đó cũng là một sự lựa chọn hợp lý bởi ra đi khi đang ở trên đỉnh cao là điều bất kỳ một cầu thủ đã luống tuổi nào cũng muốn làm. Chỉ tiếc là nếu Larsson ở lại thêm vài tháng nữa thì anh đã có thể bổ sung cho mình thêm một danh hiệu nữa, chiếc cúp vô địch Premiership.

  • Thúy Nga

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X