Serie A đang hấp dẫn trở lại? Nếu sự hấp dẫn được đo bằng số lượng người hâm mộ đến xem các trận đấu, thì câu trả lời là “Không hề”. Ngược lại, Serie A mùa giải này tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm lượng khán giả đến sân. Người hâm mộ, thay vì nhảy nhót hay ngồi ngáp dài trên các khán đài, thì làm điều đó trước màn hình tivi.
Vào năm 1960, nguyên chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia Ottorino Barassi đã viết rằng, “môn thể thao này có thể bị rơi vào nguy hiểm bởi công nghệ phi thường hiện nay: truyền hình”. Đó là lúc mà thế giới mới bắt đầu biết đến tivi màu và công nghệ truyền hình trực tiếp. Nửa thế kỷ sau, lời tiên tri của Barassi đang trở thành hiện thực. Đây là một thách thức lớn với các nhà quản lý bóng đá Italia, nhức nhối không kém gì nạn bạo lực sân cỏ hay sự xuống cấp của các khán đài.Sân Juventus Arena
Theo thống kê từ đầu mùa, tỷ lệ khán giả trung bình đến sân ở Serie A (tính trên tổng sức chứa của các khán đài) chỉ đạt 61%, tiếp tục là mức thấp nhất trong số 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. Ở Ligue 1 (Pháp), khán giả lấp kín 69% số chỗ ngồi, ở Liga (Tây Ban Nha) là 73%, ở Bundesliga (Đức) là 88% và ở Premier League (Anh) là 92%. Đó là hệ quả rõ ràng của việc số lượng người hâm mộ đặt vé xem dài hạn ở các đội bóng ngày càng sụt giảm. Mùa này, 20 đội bóng Serie A chỉ bán được tổng cộng 282.233 vé, giảm 6702 vé so với mùa trước (288.935) và ít hơn con số của mùa 2008-09 (354.659) tới 72.426 vé, tương đương với 20,4%.
Nhưng trong khi số thuê bao vé cả mùa giảm 20% thì số lượng người đăng ký xem Serie A qua truyền hình trả tiền lại tăng đột biến, lên tới 69% so với năm 2008 (xấp xỉ 6 triệu thuê bao truyền hình năm 2011 so với 3,5 triệu năm 2008). Tại vòng đấu gần nhất, lần đầu tiên trong lịch sử số lượt thuê bao theo dõi trực tiếp qua truyền hình ở Italia vượt qua mốc 10 triệu, trong đó có hơn 4 triệu xem trận Juventus-Milan và hơn 3 triệu theo dõi trận Inter-Napoli. Trước đó ít ngày, các tỷ phú truyền thông Robert Murdoc (hãng Sky, vừa vượt mốc 5 triệu khách thuê bao) và Silvio Berlusconi (hãng Mediaset) đã đặt bút ký hợp đồng mua bản quyền truyền hình trực tiếp Serie A giai đoạn 2012-2015 với số tiền xấp xỉ 2,5 tỷ euro.
Trong cuộc chiến với các khán đài, truyền hình đang thắng lớn và sẽ tiếp tục thắng lớn chừng nào các nhà quản lý bóng đá Italia có những chính sách đối phó thích hợp. Chỉ bỏ ra vài chục euro mỗi tháng, người hâm mộ có thể xem bất cứ trận nào họ thích, xem đi xem lại các tình huống chính và nếu cảm thấy chán, họ chỉ cần bấm một cái nút. Ngoài ra, còn có các dịch vụ hấp dẫn như chiếu lại bàn thắng ở các trận cùng giờ, ý kiến các chuyên gia, phỏng vấn, thống kê… Thêm nữa là các công nghệ hiện đại như HD (độ phân giải cao), 3D (hình ảnh 3 chiều) trên những màn hình siêu nét siêu lớn và công nghệ âm thanh vòm. Tất cả tạo ra một bầu không khí bóng đá hoàn hảo ngay trong phòng khách mỗi nhà, hơn đứt cảnh phải đứng ngồi chênh vênh trên các khán đài xập xệ với nguy cơ bị “tẩn” luôn rình rập.
Nhưng người ta sẽ khắc phục tình trạng này thế nào, khi chính các đội bóng cũng luôn muốn kiếm được nhiều tiền bản quyền truyền hình hơn nữa, qua đó coi như chấp nhận mất lượng người hâm mộ đến sân và gián tiếp tước dần lợi thế khán giả nhà? Nếu có một ngày bóng đá chỉ được chơi dưới sự chứng kiến của những chiếc ghế phủ bụi, thì ngày đó bóng đá thực sự đã chết. Mà truyền hình thì đang đưa ngày ấy đến gần, gần lắm rồi…
Con số 88,5 Juventus Arena của Juventus là sân bóng có tỷ lệ khán giả trung bình trên tổng sức chứa cao nhất Serie A từ đầu mùa, với 88,5%. Sân Artemio Franchi MP của Siena xếp nhì với 77,2%. San Paolo của Napoli kế tiếp với 76,1%. 52,2 Các trận sân nhà của Milan tại San Siro chỉ có trung bình 52,2% số ghế được sử dụng, tỷ lệ thấp thứ 8 trong số 20 đội Serie A. Inter, dẫu đang khủng hoảng, vẫn còn đạt tỷ lệ 70,1%, cao thứ 7 trong số 20 đội. 20,7 Sân Bentegodi của Chievo là sân bóng vắng vẻ nhất với chỉ 20,7% lượng khán giả đến xem, dù sức chứa của nó cũng chỉ là 39.000 người. Khá hơn chút ít là Via del Mare, sân nhà của Lecce, với 22,9%. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)