(Bongda24h) – Thuận mua, vừa bán; hầu hết các thương vụ đang lâm vào cảnh bế tắc đều đã được hoàn tất trong ngày cuối cùng của TTCN mùa hè năm 2012. Sự thuận lợi bất ngờ ấy cho chúng ta thấy điều gì trong cách mua bán cầu thủ của các đội bóng trong thời buổi kinh tế khó khăn này?
Nhắc đến ngày cuối cùng của TTCN 2012, người ta phải nhắc đến Manchester City đầu tiên. 24 tiếng, 5 bản hợp đồng mới là một con số không tưởng: Scott Sinclair, Maicon, Nastasic, Richard Wright và Javi Garcia đều đã cập bến Etihad. Liếc qua thì có vẻ như chẳng có gì để suy nghĩ nhiều, nhưng nếu để ý kĩ thì cả 5 cái tên này đều không phải là mục tiêu dài hạn của đại gia thành Manchester. Scott Sinclair là cái tên được Man City theo đuổi lâu nhất, nhưng thời gian thỏa thuận cũng chỉ rơi vào 1 tháng hay 1 tháng rưỡi. Với Javi Garcia và Maicon, họ mất 1 tuần để có được chữ kí của hai cái tên này. Thậm chí còn chẳng có bất kì thông tin nào về việc đội chủ sân Etihad có ý định theo đuổi 2 cái tên Richard Wright và Nastasic trước đây. Để tô điểm thêm cho thành công của đội bóng lắm tiền nhiều của này, họ đã đẩy được Adebayor và Santa Cruz đi. Vết gợn duy nhất là những mục tiêu chuyển nhượng lâu dài của họ như De Rossi hay Javi Martinez đều đã thất bại hoàn toàn.
Berbatov, cựu tiền đạo của MU đã chính thức cập bến Fulham. Trước đó, đã có hàng trăm tin đồn cho hay rằng anh sẽ sang Milan, Galatasaray hay trở về Tottenham… Thế nhưng đùng một cái, Berbatov cập bến đội bóng chủ sân Craven Cottage sau khi Fulham để mất Dembele và Dempsey vào tay Tottenham. Vụ thuận mua vừa bán của tiền đạo người Bulgaria với đội bóng thành London chỉ diễn ra trong vài ngày. Một trường hợp khác, Bryan Oviedo, trước đây có liên hệ với Manchester United thì bất ngờ đổi hướng và hiện đang khoác áo... Everton.
Để liệt kê các thương vụ diễn ra trong ngày hôm qua thì có kể đến… ngày mai cũng không thể hết được, nhưng có thể tóm lại một điều rằng tất cả các thương vụ diễn ra trong ngày hôm qua đều là những thương vụ diễn ra rất nhanh chóng, không tạo quá nhiều tin đồn rắc rối như việc Van Persie sang MU hay Lucas Moura sang PSG. Còn những thương vụ tạo ra nhiều sóng gió hậu trường như Edin Dzeko, Carlos Tevez hay Gonzalo Higuain, đều đã đóng băng hoàn toàn.
Qua đó, thấy được một điều rằng càng dùng dằng bao nhiêu thì càng khó thành công bấy nhiêu, nhất là trong việc chuyển nhượng cầu thủ trên thị trường năm nay. Các đội bóng thành công trong việc săn được mục tiêu của mình là các đội bóng ra giá không cao hơn các đội khác cũng theo đuổi cùng một cầu thủ, thậm chí mức giá đưa ra là thấp hơn (như trường hợp của Berbatov hay Gaston Ramirez). Nhưng điểm khác là những CLB này đưa ra mức giá đúng thời điểm: gần cuối TTCN. Những đội bóng tỏ ra quá săn đón các cầu thủ vào những ngày đầu khi TTCN mở cửa đều không có được cái tên mình mong muốn dù họ thể hiện quyết tâm cao hơn rất nhiều. Điều đó thể hiện các đội bóng chủ quản thực sự muốn bán những cầu thủ chất lượng của mình, với một mức giá vừa phải (vì ai cũng hiểu hiện tại kinh tế rất khó khăn) nhưng cố tình làm giá trong suốt cả một mùa hè để có được một cái giá cao hơn, được đồng nào hay đồng ấy và những CLB thành công là Arsenal (với van Persie), Internacional (với Oscar) hay Sao Paolo (với Lucas Moura), Tottenham (với Luka Modric). Số đội bóng thành công trong việc “nâng giá” cầu thủ của mình lên là hoàn toàn không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít.
Ít bom tấn không phải là vì Luật Tài chính Công bằng mà là do các đội bóng không tìm được tiếng nói chung
Điều rút ra từ sự thật này là đã có ít CLB bạo chi hơn trên TTCN. Cái tên làm mưa làm gió duy nhất hè này là PSG, nếu so với năm ngoái, thời điểm có những Man City, Malaga hay Real Madrid cùng những thương vụ hào phóng không tưởng, thì chỉ 1 cái tên PSG là quá ít. Bom tấn hè này cũng chẳng nhiều: Van Persie, Ibra, Thiago Silva và... hết. Đừng nói rằng các đội bóng đang chi ít hơn vì sợ luật Tài chính công bằng, đơn giản là vì họ thấy cái giá mà đối tác đưa ra là quá chát đến mức không thể chấp nhận được. Man City vẫn có thể bỏ ra 40 triệu bảng để nâng cấp đội hình đấy thôi, sợ luật mà bỏ ra ngần ấy tiền?
Với thực tế như vậy, có thể kết luận là giá trị cầu thủ đúng là đang bị đẩy lên, nhưng thực tế là được đẩy lên không nhiều với tốc độ thấp. Đứng trên góc nhìn kinh tế, những cái giá lên tới 30 hay 40 triệu bảng mà chúng ta đang được nhìn thấy được tạo nên bởi lạm phát nói chung: các mặt hàng mua bán khác đều lên giá, tất nhiên cầu thủ bóng đá cũng vậy. TTCN đã trở nên công bằng hơn rất nhiều chứ không bị lũng loạn bởi các đại gia hét bao nhiêu trả bấy nhiêu nữa.
Luật Tài chính công bằng chưa đi vào hoạt động, nhưng có lẽ là cũng... chẳng cần thiết. Bởi lẽ với tình hình kinh tế như hiện tại, PSG cũng chỉ mạnh tay được 2 mùa là cùng, Man City thì bây giờ mua bán chẳng khác các đội khác là mấy, Real chỉ có một mình Modric để bổ sung vào đội hình. Đây mới là công bằng, chứ không phải cái luật được tạo ra bởi các nhà lãnh đạo FIFA. Cái luật ấy nên đổi tên thành Luật Cân bằng thu chi thì hơn. Mà thu chi thế nào là việc của mỗi doanh nghiệp, lãi thì họ hưởng, lỗ thì họ chịu, các nhà lãnh đạo cấp cao hơn cũng chẳng cần bận tâm. Với kinh tế hiện tại, chi nhiều hơn thu là tất nhiên. Luật Tài chính công bằng đã nằm ở trên giấy từ cách đây... 2 năm, từ đó đến nay thực tế đã thay đổi quá nhiều rồi.
Vì thế... Xem lại và bỏ luật được chưa, Platini?
- Thành Nguyễn