Thứ Bảy, 14/09/2024Mới nhất
Zalo

Trận Juve-Roma còn 3 ngày: Ngày Ranieri trở lại mái nhà xưa

Thứ Tư 20/01/2010 14:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Từ Juve đến Juve, đó là một Ranieri ở tư thế khác. Từ Juve đến Juve, đó là Roma cũng ở một địa vị khác.

Số phận thật kì lạ và không ai có thể đoán nổi điều gì có thể sẽ xảy đến sau khi một sự kiện nào đó xảy ra. Tháng 1/2008, Ranieri bắt đầu hứng chịu những làn sóng ngầm đầu tiên từ BLĐ Juve khi họ gây sức ép buộc ông phải đầu hàng, nhằm nhường chỗ cho người cũ Lippi trở lại. Lippi chọn đội Thiên thanh thay vì đội áo trắng-đen và Ranieri tiếp tục dẫn dắt đội cho đến tháng 5/2009, khi Juve tụt dốc trong một cuộc khủng hoảng kì lạ nhất từ trước đến nay: những người lãnh đạo Juve quá nóng vội với mục tiêu đoạt Scudetto càng sớm càng tốt tìm mọi cách để loại bỏ Ranieri, coi ông như một sự đầu tư sai lầm cho Juve. Cuộc sa thải ấy nằm trong những toan tính nhằm biến “kế hoạch Lippi” trở thành tâm điểm của một chiến dịch tái thiết mạnh mẽ để hướng Juve đến những đỉnh cao quá khứ. Nỗi ám ảnh Lippi ấy đã giết chết Ranieri, đang đốt cháy Ferrara, đưa con thuyền Juve vào sương mù và đâm vào tảng băng của sự mù quáng, nóng vội và đốt cháy giai đoạn, muốn đưa Juve lên ngang tầm Inter càng nhanh càng tốt.

Ranieri sẽ đối diện với quá khứ của ông vào cuối tuần này


Bây giờ, Ranieri, con người gốc Roma, bằng sự kiên nhẫn, kinh nghiệm và cả sự khắc khổ, đã thành công trong việc đưa đội bóng nơi chôn rau cắt rốn của ông trở lại đỉnh cao và đấy là một điều khẳng định rõ ràng vào một sự thật mà hiện tại những người lãnh đạo Juve vừa nhận ra: sa thải ông chính là một trong những cách nhanh nhất để đào mồ chôn cất những hy vọng hồi sinh của Juve. Juve Ferrara vật vã trong một cơn bạo bệnh kéo dài mà suốt mấy tháng qua, khiến nó kém Juve mùa trước của Ranieri 10 điểm, mùa trước nữa 7 điểm. 50 triệu euro được chi vào thị trường chuyển nhượng, rất nhiều kì vọng được đặt lên vai Ferrara và những tân binh đắt giá đều đã trở thành những nỗi thất vọng đau đớn và điều ấy càng trở nên dai dẳng hơn nếu so sánh với Roma Ranieri bây giờ. Hai bàn thắng của Diego và cú xông pha chốt hạ của Felipe Melo chính là đỉnh cao chói lọi nhất của Juve ở mùa bóng này, mở ra biết bao giấc mơ, những ảo tưởng và biết bao những lời ngợi ca cho Ferrara, cũng là điểm thấp nhất của Roma khi thất bại ấy đã khiến Spalletti ra đi, dọn đường cho Ranieri xuất hiện. Lúc ấy, Roma đứng cuối bảng BXH, không được điểm nào sau 2 trận đấu, chìm trong một cuộc khủng hoảng bất tận và không có tiền để tăng cường lực lượng, trong khi Juve đang đứng đầu bảng với 6 điểm, với những nụ cười của Diego.

5 tháng sau ngày ấy, thế giới của những con người ấy và những đội bóng ấy đảo ngược. Ferrara và Juve chìm xuống đáy sâu của thất vọng cùng với những nhịp chân vô hồn của Diego và Melo, Ranieri trở thành đấng cứu thế của đội bóng thủ đô khi đưa Roma lên vị trí dự Champions và thứ bảy này, có lẽ sẽ đóng vai của một người tốt mà lòng nhân đạo của ông không thể thắng nổi sự trớ trêu của số phận. Ferrara đã tự ví mình như Rocky, tay đấm bốc nổi tiếng trong bộ phim đầu tiên của serie về Rambo và nếu như Rocky Ferrara đang hươ cả hai tay để chuẩn bị đỡ một đòn knock-out chí tử thì tay thiện xạ tóc bạc Ranieri chỉ cần giương súng bắn một phát đạn là tất cả sẽ nhanh chóng kết thúc. Bóng ma của Hiddink vẫn lởn vởn. Khi BLĐ của một đội bóng cứ liên tục nhắc đi nhắc lại rằng HLV của họ “an toàn”, có nghĩa là chiếc ghế của người HLV ấy đang lung lay dữ dội hơn bao giờ hết. Nhưng dù sao Ferrara vẫn còn hạnh phúc, vì cảm thấy luôn được bảo vệ, khi ít ra những người lãnh đạo của Juve cũng đã chịu chung trách nhiệm thất bại với anh. Còn Ranieri? Trong 2 năm qua, bao giờ ông cũng là người cô đơn nhất sau mỗi thất bại. Nhưng ông cũng như Ferrara đều chia sẻ một cảm giác chung: trước khi bị lủng lẳng trên thòng lọng, họ đã đứng trên đoạn đầu đài một thời gian rất dài. Ranieri đã có cảm giác ấy ở Juve, và thậm chí ngay ở Roma mùa bóng này, trong tháng 10/2009, khi Roma thua liền 3 trận trước Roma, Livorno và Udinese, để rồi chỉ còn cách khu vực xuống hạng có 2 điểm. Thế rồi 10 trận liên tiếp kể từ đó Roma bất bại (7 thắng, 3 hòa) và leo lên vị trí hiện tại. Trong cùng thời gian ấy, Juve đã thua đến 6 trận, để rồi từ chỗ hơn Roma 10 điểm đến chỗ kém họ 2 điểm và có nguy cơ mất suất dự Champions.

Juve đã xử Ranieri và bây giờ Ranieri sẽ cho phát súng ân huệ với đội bóng cũ trong một cuộc trả nợ? Vị HLV già có lẽ không đến nỗi giang hồ và thù hận đến thế, nhưng đánh bại Juve cũng là cách để loại hẳn đội bóng bạc nghĩa ấy khỏi cuộc đua giành suất dự Champions. Còn cơ hội nào tốt hơn thế này nữa chăng?

 

Hai thế giới đối lập

Roma

0 Khi Ranieri tiếp quản Roma, đội bóng đang đứng cuối bảng sau 2 thất bại liên tiếp (trong đó có trận thua chính Juve 1-3), không giành được 1 điểm nào và cũng không chi một đồng nào để tăng cường lực lượng.

9 Không Totti (và cả De Rossi), không sao. Trong 4 trận liền không Totti, Roma ghi được 9 bàn thắng. Lần gần nhất Roma không ghi bàn là trận hòa Sampdoria 0-0 hôm 13/12/2009.

15 Roma đã thắng 15/25 trận dưới tay Ranieri, trong đó có 10 trận ở Serie A, 4 ở Europa League và 1 ở Cúp Italia. Trên sân nhà, Roma đã thắng 6 trận liên tiếp.

Juventus

7 Hệt như mùa bóng thảm họa 1998/99 khiến Lippi mất chức ở vòng đấu thứ 20, Juve mùa này cũng đã thua 7/20 trận đã đấu. Mùa ấy, Juve đang đứng thứ 9, kém đội đầu bảng Fiorentina 15 điểm, bây giờ, họ đứng thứ 5, kém Inter đầu bảng 13 điểm. Trong 10 trận gần nhất ở Serie A, Champions và Cúp Italia, số trận thua của Juve là 7.

12 Trong 10 trận đầu giải, Juve giành được 21 điểm, trong khi 10 trận sau, họ chỉ giành thêm 12 điểm. Trong 7 trận gần nhất, Juve chơi như một đội sắp xuống hạng, chỉ giành được 7 điểm. Chỉ Udinese (5 điểm), Atalanta (4) và Samp (3) là có thành tích tồi hơn.

26 Kể từ khi Serie A tính 3 điểm/trận thắng vào mùa 1994/95, chưa bao giờ Juve thủng lưới nhiều đến thế sau 20 trận như mùa này, 26 bàn (1,3 bàn/trận). Cùng kì mùa trước, Juve chỉ để thua 14 bàn, trong khi mùa 2007/08 là 17 bàn.


(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland: Ít tham gia vào lối chơi chung, nhưng có quan trọng khi vẫn ghi bàn đều?

Erling Haaland: Ít tham gia vào lối chơi chung, nhưng có quan trọng khi vẫn ghi bàn đều?

Erling Haaland: Ít tham gia vào lối chơi chung, nhưng có quan trọng khi vẫn ghi bàn đều?

Một thống kê đáng kinh ngạc đã xuất hiện sau chiến thắng mở màn Premier League của Manchester City trước Chelsea: Erling Haaland trở thành cầu thủ đầu tiên chỉ hoàn thành… 3 đường chuyền trong suốt 90 phút thi đấu dưới thời Pep Guardiola – HLV đề cao triết lý kiểm soát bóng. Bạn không đọc nhầm đâu, chỉ 3 đường chuyền.

Xem thêm
top-arrow
X