Một đại gia tầm cỡ như AC Milan cũng rất tích cực mượn cầu thủ |
Chẳng ở đâu người ta mượn cầu thủ nhiều và dễ dàng như ở xứ mỳ ống. Trong khi các giải đấu uy tín khác như Premier League hay Liga có những quy định khá khắt khe về công tác chuyển nhượng, thì ở Serie A, ngăn cấm duy nhất chỉ là mua hơn 1 cầu thủ ngoài EU từ nước ngoài (còn trong nội bộ calcio thì “vô tư”). Các đội bóng muốn mượn bao nhiêu cầu thủ thì mượn, kể cả là toàn bộ đội hình 25 người. Hình thức đồng sở hữu, thứ “đặc sản” của mercato Italia ra đời từ cách đây một thập niên, cũng được “thả cửa” như thế. Do đó, chẳng có gì khó hiểu khi càng ngày người ta càng ưa chuộng hai loại hình chuyển nhượng rẻ tiền này, đặc biệt là ở các đội bóng ít tiềm năng tài chính.
Mượn hay đồng sở hữu có ba lợi thế lớn. Thứ nhất, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền tối đa là bằng 50% giá trị thực của một cầu thủ là các đội bóng đã có thể sử dụng cầu thủ đó trong một khoảng thời gian nhất định. Thứ hai, đây là cách thức giảm thiểu rủi ro rất hữu hiệu, bởi nếu cầu thủ được đưa về đá không tốt hay suốt ngày tập tễnh, việc trả anh ta lại cho đội chủ sở hữu dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm cách bán anh ta (mà chắc chắn lỗ). Thứ ba, với các đội bóng nhỏ, không dễ gì họ mua được các tài năng trẻ, nhưng mượn thì luôn dễ dàng. Thậm chí, nếu được các đội “đại gia” gửi gắm cầu thủ trẻ nhằm mục đích tích lũy kinh nghiệm, họ sẽ không phải trả bất cứ đồng nào, kể cả lương, mà vẫn có được một sự bổ sung có giá trị.
Nhưng nhược điểm của hai hình thức này là các cầu thủ được đem cho mượn hay bán nửa quyền sở hữu đều không phải dạng nổi bật hoặc còn non kinh nghiệm, tiềm ẩn nguy cơ thất bại cao. Chính vì thế mà các đội bóng có xu hướng cứ mượn càng nhiều càng tốt nhằm đề phòng các trường hợp cầu thủ này thất bại thì dùng cầu thủ khác, thành ra ở đâu cũng chỉ thấy mượn và mượn trong sự hoài nghi. Đấy là lý do khiến cứ sau mỗi mùa giải, lượng cầu thủ được giao dịch theo dạng mượn lại tăng lên và lan rộng với tốc độ ghê gớm, mà chưa bao giờ rõ nét hơn như ở mùa giải này.
Nếu như trước đây chỉ có những đội hạng trung trở xuống mới phải mượn cầu thủ, thì mùa này, ngay cả hai đại gia của bóng đá Italia là Juventus và Milan cũng phải áp dụng hình thức “nhà nghèo” này để tăng cường lực lượng. Juventus mượn Pepe của Udinese, mượn Motta cũng của Udinese, trong khi đòi quyền sử dụng tiền vệ Lanzafame, vốn được chung sở hữu với Palermo. Milan mượn Amelia của Genoa và trong ngày hôm qua, cũng hoàn tất một hợp đồng mượn người khác từ đội bóng xứ Liguria này: tiền vệ Kevin Boateng. Thậm chí, Genoa còn mua Boateng về chỉ để đem cho Milan mượn.
Liệu có phải thực sự nguyên nhân nằm ở khủng hoảng kinh tế và nỗi lo ngại về luật fair-play tài chính UEFA sắp sửa áp dụng, hay là hội chứng “con chim bị thương sợ cành cây cong” sau khi Juve và Milan đã gặp quá nhiều đắng cay từ các thương vụ đình đám như Amauri, Diego, Melo, Huntelaar?
Cho mượn và đồng sở hữu |