Ngay cả Alex Ferguson huyền thoại cũng không kiếm được nhiều như Jose Mourinho. Còn Guardiola, người hùng trẻ trung đã đưa Barcelona đến cú ăn ba ngoạn mục của mùa bóng trước cũng bỏ túi được may ra một khúc nhỏ trong khoản lương khổng lồ của ông. Nhưng ở mặt trận Cúp châu Âu này, tất cả đều nhìn rõ, rằng những gì ông đã lấy được từ két sắt nhà băng của Inter chỉ làm giàu cho chính ông mà không đem lại bất cứ điều gì cho đội bóng.
Mourinho chưa thể giúp Inter chơi tốt ở Champions League |
Ông đã yêu cầu tăng viện cho mỗi tuyến ít nhất một ngôi sao. Họ đã đến. Không Ibrahimovic đồng nghĩa với việc Inter sẽ phải chơi đồng đội hơn, nghĩa là không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân đóng vai người hùng nào. Một điều có thể chấp nhận được nếu tên của vị HLV được trả lương cao nhất thế giới có tên Mourinho và đội bóng ông dẫn dắt có tên Inter, đội bóng mạnh nhất Italia. Nhưng sự kiên nhẫn của các tifosi là có giới hạn. Sau 6 vòng đấu ở Serie A, Inter vẫn còn đứng thứ 3 trong BXH (bằng điểm và vị trí so với cùng kì mùa trước), và không còn biết chiến thắng ở Champions League. Cho tới trận thua Samp trên sân Marassi tối thứ bảy tuần trước, Mourinho vẫn luôn khẳng định rằng đội bóng của ông ra sân với một nửa đội hình là tân binh, và ông cần thời gian. Nhưng chính ở Genova, Mourinho đã chứng tỏ rằng, chính ông mới là vấn đề của đội bóng và hậu quả của trận thua ấy còn kéo dài đến tận trận hòa ở Kazan.
Nhưng trận thua Sampdoria trên thực tế bắt đầu từ trận thắng Napoli 3-1 ba ngày trước đó. Dẫn 2-0 chỉ sau 5 phút thi đấu và hoàn toàn kiềm chế được Napoli vùng lên là điều kiện lí tưởng để Mourinho tiến hành quay vòng một số vị trí chủ chốt. Nhưng ông chỉ thay mỗi Sneijder ở phút 45 (bằng Muntari), còn lại để Eto’o chơi đến phút 90 mới được thay bằng Mancini, trong khi Milito chơi cả trận. Hệ quả rõ ràng: Eto’o mệt mỏi trong trận thua Samp và hầu như mất dạng trong trận hòa Rubin Kazan, Milito kiệt sức trên sân Marassi và do đó không thể ra sân trên đất Nga, khiến bộ đôi sát thủ của Inter mất hoàn toàn cơ hội lập công trong một trận đấu mà Inter phải thắng.
Trong cùng một đêm, 2 đội bóng Ý thi đấu với 2 bộ mặt khác nhau, và những người cầm quân của họ cũng bước ra từ trận đấu với trạng thái khác nhau. Mourinho cáu bẳn với Balotelli và tìm cách bao biện cho trận hòa thất vọng. Nói, nói và nói. Còn Prandelli chỉ nói rất ít, chủ yếu là cười. Trong một đêm, “Người đặc biệt” không phải là Mourinho, mà là ông, người có một viên ngọc không có biệt danh rất kêu là SuperMario (Balotelli), mà chỉ là Jo-Jo (Jovetic), chàng trai cũng chưa đầy tuổi 20...
Lại “chết” vì 4-3-3 Trong bối cảnh Sneijder không thể ra sân, Mourinho đã bố trí sơ đồ 4-3-3 cho trận đấu trên đất Nga, với Mancini đá chính ở cánh trái. Dây là lần hiếm hoi cầu thủ người Brazil ra sân từ đầu và trong 60 phút trên sân, anh này chơi cực tệ. Ấn tượng của mùa trước đã tràn về ngay tức khắc trong trí của những nhà bình luận: mùa trước, Mourinho cũng tung ra đội hình mạnh nhất cho Serie A và chỉ bố trí đội hình yếu hơn cho Champions League. Cụ thể hơn, ở Serie A, ông phải quay lại sơ đồ 4-3-1-2 theo kiểu của HLV tiền nhiệm Mancini nhưng trong hầu hết các trận đấu vòng bảng Champions, vị HLV người BĐN luôn chơi với sơ đồ 4-3-3 với Mancini và Quaresma đá cánh vốn đã thất bại chỏng gọng trong các thử nghiệm ở Serie A. Kết quả nhãn tiền: Inter chơi như một cỗ xe tăng trên đất Italia, nhưng chỉ là một chiếc xe cút kít ở Cúp châu Âu. Ở trận gặp Rubin, khi vắng Sneijder, sơ đồ ấy một lần nữa được sử dụng và Inter tiếp tục không thắng, trước một đối thủ chơi tốt hơn nhiều. Ngay cả trước khi Balotelli bị đuổi ở phút 60, Inter vẫn vẫn chìm trong khó khăn và thành thực trả lời phỏng vấn sau trận đấu, Mourinho bảo một tỉ số hòa là tích cực. Phải, tích cực và may mắn cho một đội bóng mà HLV của họ đã phạm quá nhiều sai lầm trong một thời gian ngắn, đồng thời điều hành đội một cách kì quặc. Dẫn chứng: không hiểu vì lẽ gì, mà trên băng ghế dự bị của Inter trận ấy, Mourinho bố trí đến...2 thủ môn dự bị (Toldo, Orlandoni). Tại sao điều kì cục này xảy ra?
|
(Theo Thể Thao Văn Hóa)