Hoa mắt vì tiqui-taca
Argentina của Maradona có lẽ cũng đã định tới Vicente Calderon để nhảy điệu tango mê đắm của nước họ. Trận gặp TBN, một trong hai đội bóng xuất sắc nhất thế giới vào thời điểm hiện tại (đội còn lại tất nhiên là Brazil), là một cơ hội không thể tốt hơn để người Argentina chứng tỏ rằng những trận đấu nhọc nhằn ở vòng loại World Cup 2010 vừa qua không thể khiến họ đánh mất những phẩm chất của một đội bóng lớn. Thế nhưng, ngay sau những giây đầu tiên, bất kỳ ai có chút đầu óc thực tế đều nhận ra rằng đó là một suy nghĩ quá viển vông. Cho rằng có thể ngăn TBN chơi bóng đã là một sai lầm lớn khủng khiếp. Nhưng còn khủng khiếp hơn nữa, thậm chí là tự sát, khi cho rằng có thể “chơi bóng” một cách sòng phẳng cùng TBN.
ĐT Argentina dưới thời của Maradona đã đánh mất bản sắc tango của mình |
TBN, với dàn cầu thủ chất lượng cao và quan trọng là hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc, nhanh chóng dồn Argentina về phần sân nhà với những pha di chuyển và phối hợp chính xác và nhuẫn nhuyễn như hoạt động của một chiếc đồng hồ. Từ đôi chân ma thuật của Xavi, Iniesta, Silva hay Villa, những tiếng tíc (tiqui) tắc (taca) của những pha phối hợp 1 chạm cứ vang lên một cách dìu dặt như thể muốn ru các cầu thủ đối phương vào giấc ngủ. Đó là “nghệ thuật thôi miên”, và đỉnh cao của nó chính là bàn mở tỉ số của Xabi Alonso. Những pha đập tường liên tục giữa Iniesta với Xavi, với Capdevila rồi với Villa đã khiến hàng thủ Argentina như ngơ như ngẩn, và đến khi họ choàng tỉnh thì bóng đã nằm gọn trong mành lưới của thủ thành Romero rồi.
Sự nhuần nhuyễn và chính xác ấy, Argentina có lẽ còn lâu lắm mới đạt tới được, dù họ không thiếu những con người đủ khả năng chơi bóng như đội ngũ TBN hiện tại. Mà chừng nào Maradona còn ngồi trên băng ghế huấn luyện, chừng ấy giấc mơ về một Argentina biết nhảy tango có lẽ vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Ở thời điểm hiện tại, đội bóng từng hai lần vô địch thế giới gần như chỉ còn biết trông đợi vào sự tỏa sáng của các cá nhân. Như trong trận đấu với TBN, tất cả những pha lên bóng hiếm hoi của albiceleste đều xuất phát từ nỗ lực cá nhân của Messi, Di Maria và Higuain. Bộ ba ấy đã có một số pha phối hợp khá tốt, nhưng không ai tin rằng trong đó có dấu ấn của người từng được cho là mang “Bàn tay của Chúa”.
Người đẹp và ác thú
Khi còn chơi bóng ở TBN trong màu áo Barca, Maradona từng là nạn nhân của một trong những cú tắc bóng độc địa nhất thế giới từ Goikoetxea, người được cho là “tín đồ” trung thành của triết lý “cách nhanh nhất để ngăn một cầu thủ đối phương chơi bóng là hạ gục anh ta”. Trong giờ nghỉ giữa hiệp, Maradona có lẽ đã chợt nhớ lại kỷ niệm hãi hùng ấy, để rồi sang hiệp 2, đã chỉ đạo các học trò chơi theo đúng cái cách Goikoetxea từng chơi với ông. Được sự “trợ giúp” của trọng tài Allan Kelly, những pha vào bóng ác ý từ Gago hay Heinze khiến các học trò của Del Bosque “xanh mặt”. Người đá chính thì xin ra sớm, còn người vào thay thì vứt hết tiqui-taca sang một bên, chỉ lo giữ cho chân cẳng lành lặn để còn về CLB kiếm tiền.
Sự đời, ác giả ác báo. Argentina đã được hưởng lợi quá nhiều từ những quyết định của trọng tài Kelly, từ việc không rút thẻ đỏ với cầu thủ Argentina nào, từ chối của TBN 2 quả penalty mười mươi, cho tới việc tặng cho Argentina một quả phạt đền mà nhờ đó Messi ghi được bàn gỡ 1-1. Nhưng rốt cuộc, họ vẫn phải “chết” vì một quyết định của trọng tài. Khi trận đấu chỉ còn 5 phút, khi Maradona đã nghĩ tới việc ra về cùng một trận hòa, hậu vệ Demichelis lại lúng túng để bóng chạm tay trong vòng cấm để Kelly có dịp “chuộc lỗi” với các cầu thủ chủ nhà. Từ chấm 11m, Xabi Alonso đã không phạm phải một sai lầm nào. Cái cách anh nã đại bác tung nóc lưới Argentina như thể là để trêu điên Maradona. Sau cùng, “bóng đá” vẫn sống!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)