Theo dự kiến, sẽ có khoảng 30.000 cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trên khán đài sân Olympic ở thủ đô Berlin với sức chứa 74.244 chỗ ngồi để cổ vũ cho “đội nhà”. Đó sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn dành cho thầy trò huấn luyện viên Guus Hiddink trong trận đấu vô cùng quan trọng với Đức, quyết định nhiều đến cục diện bảng A vòng loại EURO 2012.
Ngoài lực lượng cổ động viên đông đảo nói trên, đội quân của “phù thủy” Hiddink còn nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, người sẽ có mặt trên khán đài sân Olympic cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong nhiều năm qua, bà Merkel - được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới - luôn sát cánh cùng đội tuyển Đức ở những sự kiện quan trọng, như vòng chung kết EURO 2008 hay World Cup 2010. Mới đây, bà cũng đã có mặt ở cung điện Bellevue để cùng Tổng thống Đức Christian Wulff trao Huân chương công trạng - phần thưởng cao quý nhất của nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức - cho huấn luyện viên Joachim Loew, và trao lá nguyệt quế bằng bạc - phần thưởng mang ý nghĩa danh dự to lớn - cho các tuyển thủ Đức, những người đã trình diễn thứ bóng đá tấn công đầy mê hoặc ở World Cup 2010.
Thầy trò Guus Hiddink sẽ không cô đơn ở Berlin
Loew là nhân vật thể thao thứ sáu nhận được Huân chương công trạng, sau Max Schmeling (boxing, năm 1971), Franz Beckenbauer (bóng đá, 2006), Juergen Klinsmann (bóng đá, 2007), Heiner Brand (bóng ném, 2007) và Witail Klischko (boxing, 2010). Từ khi ra đời vào năm 1951 cho đến nay, Huân chương công trạng đã được nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức trao cho khoảng 210.000 cá nhân có thành tích đặc biệt trên mọi lĩnh vực. Sự động viên tinh thần kịp thời này sẽ giúp thầy trò huấn luyện viên Loew có thêm nghị lực trước cuộc chinh phạt của người Thổ, nay được dẫn dắt bởi “phù thủy” Hiddink, trong hoàn cảnh cơn bão chấn thương đã lấy đi của “Mannschaft” không ít trụ cột.
Thổ Nhĩ Kỳ phải làm khách của Đức, nhưng ở Berlin, thầy trò Hiddink sẽ không cảm thấy cô đơn khi mà lực lượng cổ động viên của họ đông đảo không kém đội chủ nhà, thậm chí còn cuồng nhiệt hơn. Nước Đức là nơi có cộng đồng người Thổ sống ở ngoại quốc lớn nhất, lên đến 2,36 triệu người, với 1,66 triệu người di cư sang đây từ những năm 1950 - 1960 và 0,7 triệu người thuộc thế hệ con, cháu sinh ra trên đất Đức. Người Thổ chiếm 30% tổng số dân nhập cư ở Đức, vốn lên đến 8 triệu người và tương đương với 10% dân số nước này. Berlin chính là nơi tập trung đông người Thổ ở Đức nhất, hình thành nên một quận gần như dành riêng cho họ, quận Kreuzberg, giống như quận 13 ở Paris (Pháp) hay quận Cam ở California (Mỹ) dành cho người gốc Việt.
Ở Đức hiện có khoảng 200.000 cầu thủ gốc Thổ ở mọi lứa tuổi và họ có hai lựa chọn, hoặc hướng đến việc khoác áo đội tuyển Đức, hoặc trở về cống hiến cho đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ. 24 tuyển thủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thi đấu từng sinh ra và lớn lên ở Đức, trong khi có 18 cầu thủ gốc Thổ đang khoác áo các đội tuyển của Đức, từ U-15 cho đến đội tuyển quốc gia. Hàng năm, Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ đều chi ra chừng nửa triệu euro và cử khoảng 25 chuyên gia săn lùng tài năng để đi khắp châu Âu nhằm thu thập thông tin về các cầu thủ gốc Thổ, qua đó mời gọi họ trở về phục vụ cho đội tuyển quê cha đất tổ. Trong quá khứ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ từng nổ ra những cuộc chiến nhằm giành giật các tài năng bóng đá, mà gần đây có trường hợp của tiền vệ Nuri Sahin (Dortmund) hay Mesut Oezil (Real Madrid).
Phải rời xa “chảo lửa” Istanbul nhưng thầy trò Hiddink sẽ không cảm thấy cô đơn và lạc lỏng ở Berlin, vì sân Olympic ở thủ đô nước Đức cũng gần như là “sân nhà” của Thổ Nhĩ Kỳ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)