Trang web Tuttomercatoweb vừa chính thức công bố bản đánh giá về độ tuổi trung bình cũng như chất lượng của các CLB Serie A.
Một điều đáng buồn là giải đấu từng được coi là hấp dẫn nhất hành tinh trong những năm 80 và 90 ở thế kỷ trước đang sa sút thảm hại và “già” nhất châu Âu.
Milan già nhất
Tuttomercatoweb đã so sánh Serie A với các giải đấu hàng đầu khác của châu Âu là Premier League, La Liga, Bundesliga và Ligue 1 thông qua Hiệp hội cầu thủ Italia và Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế có trụ sở ở Rome. Trong số 98 đội bóng được đem ra so sánh, AC Milan là đội bóng già nhất với độ tuổi cầu thủ trung bình lên đến 29,62 (trong khi chỉ số trung bình của các đội bóng khác dao động từ 26,85 đến 27,54). Các đội bóng xếp sau Milan lần lượt là Chievo, Roma, Juventus và Inter. Việc các đội bóng ở Serie A bị “lão hóa” là điều đương nhiên bởi trong nhiều năm qua, công tác đào tạo bóng đá trẻ của người Italia bị xao lãng.
AC Milan đang là đội bóng có tuổi đời trung bình cao nhất Serie A |
Kể từ sau chức vô địch U21 năm 2000, Italia chỉ thêm một lần lên đỉnh năm 2004. Còn từ đó đến nay, thành tích tốt nhất của họ cũng chỉ là vào đến bán kết năm 2009. Rõ ràng đã có sự sa sút trầm trọng trong đào tạo trẻ và đây là một phần nguyên nhân khiến bóng đá Italia ngày một xuống cấp. Nên nhớ ĐT Đức xếp thứ 3 World Cup 2010 với nòng cốt gồm rất nhiều cầu thủ mà chỉ 1 năm trước vừa vô địch U21 châu Âu như Oezil, Neuer, Boateng, Khedira… Nói cách khác, hiện tại bóng đá Italia đang u ám và tương lai của Calcio cũng hết sức mịt mù.
Sính hàng ngoại
Có một xu hướng rất đáng buồn là các CLB lớn ở Italia chỉ thích ăn xổi, không chịu tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ. Đã lâu rồi Serie A không sản sinh được tài năng nào nổi bật, dù chỉ tầm cỡ Cassano. Để đến nỗi Montolivo dù sinh năm 1985 vẫn được đánh giá là dạng tiềm năng, trong khi ở Premiership và La Liga, độ tuổi này đã bị coi là… già. Chưa hết, ngay cả khi phát hiện được “ngọc quý”, các đội bóng Serie A cũng không biết làm sao để phát triển tài năng, mà trường hợp của Paloschi (bị Milan đẩy đi) và Giovinco (bị Juventus vùi dập) là hai trong số rất nhiều sự lãng phí khủng khiếp.
Trong khi đó, do chất lượng ở Serie A giảm sút nên chỉ những ngôi sao đã già, sắp hết thời mới chịu đến đây. Mùa giải vừa qua, Inter giành chức vô địch Champions League nhưng trong đội hình thi đấu của họ chủ yếu là các cầu thủ ngoại (chiếm 92,2%). Ở châu Âu, tỷ lệ của Nerazzurri chỉ xếp sau Arsenal (93,3%). Trong số 98 đội bóng có tên trong đợt khảo sát của Tuttomercatoweb, chỉ có Athletic Bilbao là đội bóng không có cầu thủ ngoại. Brazil vẫn là quốc gia xuất khẩu cầu thủ sang 5 giải đấu hàng đầu châu Âu nhiều nhất với 163 cầu thủ (mùa trước, con số này là 139), tiếp theo là Argentina (tăng từ 103 lên 120 cầu thủ) và đứng thứ 3 là Pháp (106).
(Theo báo Bóng Đá)