Roberto Calderoli, Bộ trưởng Bộ Cải cách thuộc chính phủ Berlusconi, cho rằng đồng tiền đang khiến các cầu thủ ở Serie A trở nên hư hỏng. Điều đó không sai, khi các CLB chỉ biết nghĩ đến lợi ích bản thân mà không hề quan tâm đến nhiều vấn đề khác, trong đó có lợi ích quốc gia.
Ở Italia, Calcio không chỉ là một môn thể thao và có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Với người Italia, Calcio thực tế được xem như một nét văn hóa, tác động đến rất nhiều vấn đề trong xã hội. Thế nên, khi Serie A rơi vào cuộc đình công, người dân Italia đã tỏ thái độ thất vọng cùng cực. Sau gần 15 năm (kể từ tháng 3/1996), đình công ở Serie A khiến nhiều hoạt động bị ảnh hưởng.
Tommasi, Chủ tịch AIC (Hiệp hội cầu thủ Italia), từng được nhiều người yêu mến khi còn thi đấu, giờ đây phải chịu không ít chỉ trích từ các tifosi. Kể từ ngày Tommasi trở thành chủ tịch AIC, tổ chức đại diện cho các cầu thủ Italia như mạnh mẽ hơn và luôn đối chọi với Lega Serie A và các CLB. Tommasi là người giật dây cho cuộc đình công thứ 3 trong lịch sử Serie A (lần đầu năm 1969).Toni, cầu thủ bị thất sủng ở Juventus
Các cầu thủ đã đúng khi yêu cầu được tôn trọng, nhưng chính họ lại “quên” rằng mình cũng đang hưởng thụ quá nhiều từ CLB. Cụ thể, các CLB đang phải gò lưng để trả lương và thuế thu nhập cho cầu thủ.
Khi ký kết hợp đồng, các cầu thủ ngôi sao luôn buộc CLB phải trả thuế thay cho mình. Có mức lương lên đến 9 triệu euro, cao nhất Serie A, nhưng Ibra không cần biết cái gì gọi là thuế thu nhập, vì khoản ấy (lên đến 4 triệu euro mỗi mùa bóng) đã được Milan trả giúp. Phải gánh quỹ lương hàng năm và thuế thu nhập nặng oằn vai, các đội bóng Italia (vốn đã không có thu nhập gì khác từ các trận sân nhà ngoài tiền bán vé) luôn rất vất vả để thu đủ bù chi, chứ khó lòng dám nghĩ đến lợi nhuận.
Tháng trước, Chính phủ Italia đã kêu gọi mức hỗ trợ 5-10% thu nhập từ những người có thu nhập cao trên khắp đất nước, nhằm mục tiêu thoát khỏi khủng hoảng nợ công. Gần như 100% số cầu thủ đang chơi bóng ở Serie A đều phải nộp khoản này, trong đó lương "khủng" như Ibrahimovic sẽ phải nộp 446.250 euro/năm, nhưng phần lớn đều sẽ chỉ phải đóng góp từ vài nghìn đến vài chục nghìn euro, những con số không lớn. Thế mà, việc tranh cãi ai sẽ trả khoản này, đội bóng hay cầu thủ, cũng là một nguyên nhân đẩy mâu thuẫn giữa AIC với Lega lên cao hơn một nấc trong cuộc đàm phán thỏa thuận hiện vẫn chưa được giải quyết. Ban đầu, AIC đã kiên quyết yêu cầu các CLB phải trả nốt khoản này.
Đó là một điều đáng xấu hổ. Các cầu thủ nhận lương cao, nhưng cứ luôn miệng nói về “nhân quyền”, mà thực tế không ngoài chữ tiền. Hết đình công rồi lại đòi CLB phải gánh luôn khoản phát sinh chỉ tương đương vài tuần lương, rõ ràng tự trọng của cầu thủ là khá thấp.
Cầu thủ đòi nhân quyền, nhưng chính họ đang “chơi xấu” CLB. Amauri là một ví dụ. Cầu thủ này từ chối sang Marseille đêm 31/8 vừa qua. Nỗ lực đàm phán với Juve để đẩy Amauri sang Trabzonspor cũng không có nhiều tia sáng (Thổ Nhĩ Kỳ được mở cửa chuyển nhượng đến hết ngày 5/9). Amauri từ chối mọi đề nghị và không hợp tác với kế hoạch của Juve, vì ở đó, anh nhận lương đến 3,8 triệu euro mỗi năm.
Quyền lợi của cầu thủ ở Serie A ngày một lớn, và giờ họ công khai chống lại CLB, vốn là đơn vị sử dụng lao động. Các cầu thủ muốn CLB nhân nhượng thì chính họ cũng phải biết điều và tôn trọng luật (lao động). Nếu không, cuộc chiến “nhân quyền” khó mà dừng lại.
1 Tổng mức lương mà 20 CLB Serie A phải trả cho các cầu thủ trong mùa giải 2011-12 vào khoảng 1 tỷ euro. 2,3 Các CLB ở những giải đấu chuyên nghiệp của Italia hiện đang nợ 2,3 tỷ euro, một phần vì gồng mình trả lương và thuế thu nhập. 1,7 Doanh thu trước thuế của các CLB Serie A, tính theo mùa giải gần nhất, là 1,7 tỷ euro. 9 Ibrahimovic là cầu thủ nhận lương cao nhất Serie A, lên đến 9 triệu euro (mức thuế phải nộp là 446.250 euro). Tiếng nói từ CLB Cuộc đình công khiến các CLB thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Thế nên, họ buộc phải đưa ra tiếng nói riêng mình. Fiorentina đi đầu khi quyết định đề xuất việc trừ lương mỗi ngày do không thi đấu, và họ đã áp dụng. Gilardino, người nhận lương cao nhất Fio, bị trừ 5.500 euro/ngày. Những cầu thủ khác cũng phải chấp nhận điều này (Boruc 2.000; Pasqual 2.400; Gamberini 2.400; Behrami 2.300; Montolivo 2.800…). Các CLB khác đang cân nhắc việc này, và gần như họ sẽ chấp nhận theo bước Fio. Các nhà kinh tế và xã hội học Italia hoàn toàn ủng hộ cách làm của Della Valle với những cầu thủ Fio. Thực tế, ở Tây Ban Nha, Valencia cũng từng khấu trừ lương cầu thủ khi La Liga bị đình công vòng đầu tiên. Tifosi Atalanta phản ứng Sau khi AIC công bố chính thức việc đình công, Atalanta và Inter đã lên kế hoạch tổ chức trận giao hữu, nhằm giữ sự ổn định về phong độ và thể lực. Tuy nhiên, trận giao hữu này đã bị các tifosi Atalanta phản ứng dữ dội (Inter sau đó đã đá với Chievo và thua 2-3). Người hâm mộ ở Bergamo đã lấy hình ảnh của Gabriele Sandri (một tifoso của Lazio bị giết bởi một "viên đạn lạc" từ súng của cảnh sát trên đường đến Milano xem trận Inter - Lazio ở Serie A cách đây 4 năm) để chỉ trích các cầu thủ hai đội, cũng như những người đã tham gia vụ đình công. “Khi Gabriele chết, họ đã đòi thi đấu để đề cao tinh thần cao thượng, dù chúng tôi muốn dừng các trận đấu. Vậy mà giờ đây họ sẵn sàng từ bỏ các trận đấu chỉ vì đồng tiền của cá nhân”. Trong sự kiện giới ultra nổi loạn nhằm phản đối cái chết của Sandri hồi tháng 11/2007, chính các tifosi của Atalanta là những người có phản ứng tiêu cực nhất (phá tường kính, đánh nhau, đập các ghế ngồi trên sân nhà Atleti Azurri d'Italia), khiến trận đấu với Milan bị hủy bỏ. |