Chẳng có gì ngạc nhiên nếu bây giờ, trong những câu chuyện vào sáng sớm ở Roma, người ta hào hứng nói đến chuyện AS Roma đang trở lại với cuộc đua tay đôi với Inter trên cả mặt trận Serie A lẫn Cúp Italia (các romanista đã hẹn gặp các interista trong trận CK), như những năm đã qua, dưới thời lãng mạn của Spalletti. Và những người Roma yêu cuồng nhiệt đội bóng mang tên thủ đô ấy cũng đôi khi tỏ ra khó tính một cách lịch sự khi ai đó vô tình đụng chạm đến tình yêu (ích kỉ, dĩ nhiên) của họ. Người viết bài này đã bị nhắc khéo khi đang giở cuốn sách kỉ niệm 110 năm ra đời của Milan (một thanh niên trông rất trí thức đến bên, bảo: “Ở Roma thì tốt nhất là không nên đọc những thứ này”), và đã từng bị một nhân viên siêu thị “trách yêu” vì quên không gỡ một phù hiệu Juventus đeo trên ve áo vét sau lần đến trại Vinovo của Juve (hắn bảo: “Nếu không muốn bị lườm nguýt, huýt sáo hay bị đánh, cậu nên tháo nó ra”).
Tình cảm ấy không có gì khó hiểu, bởi người Roma đã chìm vào một trạng thái gần như hôn mê vì thất vọng sau những thất bại lúc đầu mùa khiến Spalletti ra đi, vì sự bất trắc cho tương lai trước những khả năng Roma sẽ đổi chủ, vì sự căm hận trước việc gia đình Sensi đã để đội bóng rơi tự do. Với Ranieri, một người Roma chính gốc, những chiến thắng ập tới như một cơn lốc trong suốt 3 tháng, gạt sang bên những nỗi thất vọng, buồn bực và cả tức giận ấy một thời gian. Không ai biết quá trình hạnh phúc và lâng lâng này này sẽ kéo dài bao lâu, và chỉ cần một hai trận thua là rắc rối lại bắt đầu và có thể những tình cảm tiêu cực kia sẽ trở lại, nhưng người ta tin rằng, những hạt giống của chiến thắng và niềm lạc quan đã được gieo lại trên mảnh ruộng Roma vẫn còn khô cằn vì khủng hoảng tài chính và những hạn chế về mặt kĩ thuật của một đội ngũ đã kiệt quệ. Ranieri nhìn ra những vấn đề của Roma ngay khi đến Olimpico: không phải chuyên môn là cản trở lớn nhất của Roma, mà là sự thiếu niềm tin của các cầu thủ vào chính họ, sự bất trắc đối với tương lai của CLB và bản thân mình, khiến niềm khao khát chiến đấu và chiến thắng đã trở nên khô hạn đi. Ông bảo: “Chúng ta cần phải chiến đấu, cần phải tin vào chính mình và khát khao chiến thắng bằng mọi giá. Bóng chỉ ngừng lăn khi nào trọng tài thổi còi kết trận”.
Ông không sai, và người bác sĩ tâm lí đem đến cho Roma những liều thuốc tinh thần bằng sự giản dị và nghị lực của mình. Kèm theo đó là những liều thuốc khác về chuyên môn, bắt đầu từ việc bịt chặt các lỗ rò ở hàng thủ, củng cố hàng tiền vệ và có thể chiến thắng và ghi bàn mà không cần Totti. Chiến thuật để chiến thắng và đem đến sự lãng mạn của Spalletti là 4-2-3-1. Còn Ranieri? Các sơ đồ chỉ giống như những cái đinh để vị HLV người Roma treo các bức tranh của mình. Việc khôi phục lại niềm tin chiến thắng và ý chí thi đấu mãnh liệt chính là chìa khóa cho mọi thắng lợi. Và dĩ nhiên, sự tỏa sáng của các cá nhân trên bè nổi của tinh thần tập thể, mà nhiều trong số những cá nhân đó đã chìm vào khủng hoảng phong độ trong một thời gian dài. Họ có tên Cassetti, Pizarro, Taddei, Juan, Perrotta và Riise. Roma thắng trận đầu tiên dưới tay Ranieri ở Siena, bằng bàn thắng ở phút chót của Riise và thắng trận gần nhất, cũng trước Siena, bằng bàn mở tỉ số của chính Riise. Những bàn thắng ở phút cuối, dấu hiệu quan trọng của ý chí chiến đấu quật cường, là hình ảnh tiêu biểu của Roma Ranieri. Đội bóng màu bã trầu đã ghi 8 bàn theo cách ấy mùa này, ở Serie A, đem lại những trận hòa trước Palermo và Catania, các thắng lợi trong thế khó khăn trước Parma, Napoli, Bologna, Atalanta và Siena (Serie A), CSKA Sofia, Fulham và Basel (Europa League).
Ranieri là người thực tế hơn nhiều các tifosi Roma. Ông không nói đến Scudetto hay cuộc đua tay đôi với Inter. Ông hiểu là ở Serie A, ngoại trừ Inter, tất cả các đối thủ cạnh tranh với họ đều có giới hạn và phong độ của họ theo chu kì, mà Milan thời gian qua là một ví dụ điển hình. Nhưng như người Roma vẫn nói, sống ngày nào mơ ngày ấy, không ai đánh thuế giấc mơ của các tifosi cũng như chính Ranieri. Giờ thì báo chí đang nhắc đến việc ông sắp kí một HĐ với Roma đến 2014. Trở lại nơi chôn rau cắt rốn sau những chuyến đi dài tha phương nửa đời người, quên đi những kỉ niệm buồn mới đây còn ám ảnh với Juve, là cuộc sống mới của “sor” (ngài) Ranieri...
0 Trong 28 trận dưới tay Ranieri, Roma chỉ có 3 trận họ không ghi bàn (với Basel, Livorno và Sampdoria). 9 Roma đặc biệt tỏ ra hiệu quả khi thi đấu trên sân nhà. Trong 10 trận dưới sự chỉ đạo của Ranieri, Roma thắng 9/10 trận (trong đó thắng 7/7 trận gần nhất). Trận thua duy nhất của họ dưới thời Ranieri là 0-1 trước Livorno (25/10/2009). Tính cả Cúp Italia và Europa League, Roma thắng 14/15 trận ở sân Olimpico. 12 Trong 12 trận đấu gần nhất ở Serie A từ tháng 11/2009 đến 1/2010, không đội nào nhiều điểm như Roma, 30 điểm (9 thắng, 3 hòa, trung bình 2,5 điểm/3 điểm tối đa (tiếp theo là Milan 25 điểm, Inter và Napoli 24, Palermo và Cagliari 19). Lần gần nhất Roma thất bại là 28/10/2009, 1-2 trên sân Udinese. 37 Roma là đội ghi bàn nhiều thứ 2 ở mùa này, với 37 bàn, chỉ sau Inter. Nhưng trong khi các bàn thắng này được chia đều cho 12 người (Totti 10 bàn, De Rossi 5, Perrotta 4, Vucinic và Riise 3, Brighi và Toni 2, Okaka, Cassetti, Menez, Mexes, Pizarro và Taddei 1) thì 23/36 bàn của Milan đến từ bộ ba Ronaldinho, Borriello, Pato, 21/45 bàn của Inter đến từ bộ đôi Milito-Eto’o.. 60 Dưới tay Ranieri, sau đúng 60 vòng đấu, kể từ ngày 18/5/2008, Roma trở lại vị trí thứ 2 trong BXH Serie A. Sau khi thua 2 trận đầu tiên, Roma đã qua 20 trận với Ranieri, thắng 12, hòa5 và chỉ thua 3 trận (từ vòng 8 đến vòng 10), sau đó là 12 trận liên tiếp không thua (9 thắng, 3 hòa). Nếu tính cả các Cúp, số trận không thua lên đến 17 (14 thắng, 3 hòa). |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)