Thứ Ba, 07/01/2025Mới nhất
Zalo

Rasmus Hojlund: Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu

Thứ Sáu 29/11/2024 12:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Sau chuỗi ngày dài gây thất vọng não nề, Rasmus Hojlund đã tỏa sáng rực rỡ với cú đúp bàn thắng cùng một kiến tạo, góp công vào thắng lợi 3-2 của Manchester United trước Bodo/Glimt, tại lượt trận thứ 5 Europa League 2024/25.

Trong trận đấu chính thức thứ hai từ khi tiếp quản ghế nóng tại Manchester United, huấn luyện viên Ruben Amorim vẫn sử dụng sơ đồ 3-4-2-1 ưa thích của mình. Tuy nhiên, so với trận hòa Ipswich Town 1-1 tại vòng 12 Premier League cuối tuần qua, Amorim đã thực hiện một số sự thay đổi nhân sự ở đội hình xuất phát.

Trong đó, người chơi cao nhất trên hàng công không phải Marcus Rashford mà là Rasmus Hojlund. Chân sút người Đan Mạch nhận sự hỗ trợ từ Alejandro Garnacho cùng Mason Mount ngay phía sau. Và rồi, cựu tiền đạo của Atalanta đã đáp lại sự tin tưởng của Amorim bằng màn trình diễn chói sáng.

Hojlund
 

Ngay phút đầu tiên, Hojlund gây sức ép khiến thủ thành Nikita Haikin phạm sai lầm, và dù không thể tung ra pha dứt điểm cuối cùng, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho Garnacho ập vào đệm bóng cận thành. “Quỷ đỏ” sau đó bất ngờ nhận hai gáo nước lạnh liên tiếp chỉ trong vòng 4 phút (từ 19 đến 23), song giữa tình thế khó khăn, Hojlund một lần nữa lên tiếng.

Tiền đạo 21 tuổi này đưa trận đấu về vạch xuất phát ở cuối hiệp 1. Từ quả treo bóng của Noussair Mazraoui, Hojlund khống chế bóng hoàn hảo bằng chân trái rồi dứt điểm tinh tế bằng chân phải, đưa bóng lượn bay về góc xa. Và rồi, đầu hiệp 2, anh băng cắt dứt điểm bén nhạy sau đường căng ngang của Manuel Ugarte, khiến cầu trường Old Trafford như muốn nổ tung vì sung sướng.

Ngoài cú đúp bàn thắng cùng một kiến tạo, chân sút mang áo số 9 chạm bóng 29 lần, tung ra 12/15 đường chuyền chính xác (tỉ lệ 80%), thực hiện 2 đường chuyền quyết định, tạo 2 cơ hội lớn, có 4/7 tình huống thắng tranh chấp tay đôi, và 1 cú tắc bóng.

Rasmus Hojlund Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu 1
 

Trong vai trò trung phong cắm, Rasmus Hojlund luôn có mặt kịp thời nơi vòng cấm để đón nhận những quả tạt hay các đường căng ngang từ đồng đội. Hojlund cũng rất hăng hái tham gia vào lối chơi tổng thể, tích cực pressing, và tranh cướp bóng quyết liệt.

Sự cơ động và linh hoạt của Rasmus Hojlund liên tục đặt hệ thống phòng ngự của Bodo/Glimt ở vào trạng thái báo động, dẫn tới nhiều tình huống phạm sai lầm. Hojlund tự tin cầm bóng đột phá dù bị cặp trung vệ Jostein Gundersen - Odin Bjortuft đeo bám sát sao, và anh cũng tạo ra sự kết nối tốt với Mason Mount cùng Alejandro Garnacho.

Ruben Amorim muốn xây dựng một tập thể chơi pressing tầm cao, ưu tiên kiểm soát bóng, chuyển đổi trạng thái nhanh, tấn công đa dạng, trong hệ thống 3-4-2-1 như thời cầm quân tại Sporting Lisbon. Không thể đòi hỏi những điều phi phàm đến ngay lập tức, nhưng những tín hiệu tích cực cũng đã dần xuất hiện.

Manchester United lên bóng, chuyển hướng tấn công có ý đồ hơn, chứ không manh mún tự phát như trước, và chủ động pressing cường độ cao ở một số thời điểm. Trong cách chơi này, các tiền đạo cũng phải liên tục gây sức ép lên hàng thủ đối phương, tranh đoạt bóng quyết liệt, và Rasmus Hojlund đang cho thấy mình hoàn toàn có thể phù hợp với các yêu cầu mà Amorim đề ra.

Rasmus Hojlund Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu 2
 

Mùa trước, Hojlund đóng góp 16 bàn sau 43 trận. Con số ấy không tồi, đối với một chân sút mới chớm đôi mươi, và chỉ chân ướt chân ráo làm quen môi trường mới. Tuy vậy, sự kỳ vọng của những người yêu mến “Qủy đỏ” đặt vào anh lớn lao hơn rất nhiều, và chừng đó chưa thể khiến họ thỏa mãn.

Mùa giải năm nay, Rasmus Hojlund cũng khởi đầu rất chật vật, tiếp tục thể hiện bộ mặt ủ dột, và hứng chịu hằng hà sa số chỉ trích từ dư luận. Nhiều trận đấu, tiền đạo này như cái bóng vật vờ, lạc lõng trên sân, và đánh mất sự thính nhạy trước khung thành.

Từ khi đặt chân đến Old Trafford, Ruben Amorim đã liên tục có những buổi gặp mặt, động viên và tận tình chỉ bảo Rasmus Hojlund. Ông cố gắng tái tạo năng lượng chiến đấu, kích hoạt lại sự thăng hoa nơi tiền đạo người Đan Mạch, và muốn biến anh trở thành một “sát thủ vòng cấm” đúng nghĩa như Viktor Gyokeres tại Sporting Lisbon.

Sau hơn 1 tháng, kể từ pha lập công vào lưới Brentford ở vòng 8 Premier League, Rasmus Hojlund mới ghi bàn trở lại cho Manchester United. Cựu tiền đạo Atalanta trải qua chuỗi ngày dài đói khát bàn thắng, và cú đúp vào lưới Bodo/Glimt thắp sáng lên những tia hy vọng về một cuộc hồi sinh, đảo ngược tình thế trong tương lai, dưới kỷ nguyên Ruben Amorim.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những yếu tố giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch Asean Cup 2024

Những yếu tố giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch Asean Cup 2024

Những yếu tố giúp ĐT Việt Nam lên ngôi vô địch Asean Cup 2024

Một nhà vô địch giải đấu thì cần rất nhiều yếu tố, và ĐTVN đã có cho mình những gì tốt nhất để có thể lên ngôi vô địch Đông Nam Á một lần nữa sau 6 năm. Mọi thứ đang còn ở phía trước, nhưng chúng ta đã có những ngày đầu năm 2025 đầy hứng khởi sau chiến thắng tuyệt vời đêm qua.

Chung kết lượt về ASEAN Cup 2024: Thái Lan vs Việt Nam - Cúp về đất Việt!

Chung kết lượt về ASEAN Cup 2024: Thái Lan vs Việt Nam - Cúp về đất Việt!

Chung kết lượt về ASEAN Cup 2024: Thái Lan vs Việt Nam - Cúp về đất Việt!

Có một chút nuối tiếc khi đội tuyển quốc gia Việt Nam để cho Thái Lan rút ngắn được tỷ số 1-2 sau pha đánh đầu của Chalermsak Aukkee. Nhưng hai bàn thắng trước đó của Nguyễn Xuân Son đã giúp cho đoàn quân của HLV Kim Sang Sik có được lợi thế trước trận tái đấu trên chảo lửa Rajamangala.

Xem thêm
top-arrow
X