Với việc mua bộ đôi Milan với giá khủng, PSG chính thức gia nhập đội quân những "“nouveau riche”. Vậy “nouveau riche” rốt cuộc là gì?
1.Từ chuyện PSG đang khiến châu Âu xôn xao với những lời gạ gẫm mua bán mà cái giá đi kèm khiến người nghe choáng váng, chợt nhớ ra rằng trong tiếng Anh, từ “nhà giàu mới nổi” lại được mượn từ… tiếng Pháp, “nouveau riche”.
Trong tiếng Pháp, “nouveau” là “mới” còn “riche” là “giàu”. Nhưng sau khi được mượn sang tiếng Anh hồi đầu thế kỷ 19 và được quốc tế hóa, từ ấy không đơn giản chỉ còn nói về những người mới giàu lên nữa. Ngay trong từ điển Oxford, bộ từ điển tiếng Anh chuẩn mực nhất, cũng ghi rõ cách dùng của từ nouveau riche: “thường được nhìn nhận là những người thích phô trương hoặc không có gu thẩm mỹ”. Nó được sử dụng theo một nghĩa có phần mỉa mai.PSG tham vọng trở lại làm bá chủ châu Âu
Tất nhiên PSG là một “nouveau riche”. Sau khi vung tay quá trán ở khoảng giữa thập kỷ 90, có được chút hào quang cùng chiếc Cúp C2 năm 1996, họ thua lỗ nặng nề và trở về với kiếp tầm thường hơn một thập kỷ sau đó. Nhưng mọi chuyện thay đổi hơn 1 năm trước, khi Quỹ đầu tư của chính phủ Qatar (QIA) mua lại CLB.
Chẳng ai biết QIA có bao nhiêu tiền, chỉ biết là rất nhiều. Người ta đồn rằng quỹ ấy không chỉ đầu tư cho chính phủ Qatar, mà còn là công cụ đầu tư riêng của các Hoàng thân xứ này. Và nếu thế thật thì nó có thể nắm giữ cả nghìn tỷ USD.
2.PSG đi mua người theo một kiểu rất “nouveau riche”. Nghĩa là thích thì phải mua bằng mọi giá, và cái việc tuyển mộ nhân sự ấy không chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết thực, mà phải ưu tiên mục đích quảng cáo sự giàu có của bản thân.
HLV Kombourare là trường hợp hiếm hoi của lịch sử bóng đá Pháp, và có lẽ cũng là của các giải VĐQG châu Âu bị sa thải giữa mùa khi đang dẫn đầu BXH. Carlo Ancelotti được bổ nhiệm. Và ai cũng thông cảm cho quyết định ấy. “Bạn không thể trách các ông chủ nếu họ muốn có một ngôi sao trên ghế chỉ đạo” – tờ France Football viết. Ancelotti thì rõ là nổi tiếng hơn Kombourare.
Những tay “mới giàu” hiểu rằng ngay cái việc chi ra một số tiền lớn đã đủ để người ta phải nhớ đến. Vài năm trước, thời iPhone mới nổi, trên kho ứng dụng của nó có một phần mềm mang tên “I’m rich” (Tôi giàu). Một phần mềm vô cùng “vớ vẩn”: nó chỉ làm được mỗi một việc là hiện ra một viên kim cương trên màn hình.
Nhưng nó được bán với giá 1.000 USD/lượt tải. Có nó trong điện thoại, nghĩa là tôi giàu. Nhiệm vụ đơn giản là thông báo như thế. Vậy mà nó bán được hàng nghìn bản, mang về cho nhà sản xuất cả triệu USD.
3.PSG làm người ta nhớ đến Man City và Chelsea, những hình mẫu “nouveau riche” tiêu biểu của bóng đá thế kỷ 21. Điểm giống nhau là họ cùng giàu, và họ đều đã thành công trong việc quảng bá sự giàu có của mình bằng những hợp đồng “bom tấn”. PSG đã có một nửa thanh thế của một đội bóng lớn.
Nhưng nửa còn lại thì phải xét xem những hợp đồng ấy có phát huy hiệu quả hay không. Chelsea và Man City đã có được những thắng lợi trên mặt trận bóng đá nhờ tiền bạc. Còn PSG có nhiều khó khăn hơn: Ligue 1 là môi trường rất khó thu hút các ngôi sao hàng đầu thế giới.
Mùa trước, với hơn 100 triệu euro ném ra thị trường (chẳng kém Man City là bao), mang về Pastore, Motta, Alex, Maxwell, PSG vẫn không thể có ngôi vô địch nước Pháp. Mùa này, họ lại quyết tâm chi tiếp.
Số tiền khổng lồ ấy liệu có thực sự mua nổi một đội hình đủ sức cạnh tranh ở tầm châu Âu, hay chỉ đơn giản như phần mềm “I’m rich” - thông báo cho người ta biết rằng họ giàu, và chỉ thế mà thôi?
(Theo báo Bóng Đá)