To cao, lực lưỡng, mạnh mẽ, nhưng sự nghiệp của Phil Jones bị “gặm nhấm” bởi liên tục những chấn thương khi khoác áo M.U. Từ một tài năng trẻ sáng giá của nước Anh, cầu thủ sinh năm 1992 đang dần chững lại, quanh quẩn trong một chu kỳ thiếu định hướng và tính ổn định. Song có vẻ anh không phải người duy nhất gắn liền với “số 4 đen tối”.
Chiếc áo số 4
Ở đâu không biết, nhưng ở M.U, số 4 là con số không mang đến điềm lành. Trong quan niệm dân gian Á Đông, số 4 là “số tử”, và nó dường như lại ứng nghiệm ở tận Old Trafford xứ sở sương mù, nơi sự trùng hợp đầy xui xẻo quanh con số này đã được thời gian kiểm chứng.
Bản hợp đồng kỷ lục Juan Veron vẫn mãi là một thương vụ đáng quên trong sự nghiệp Sir Alex. Tài năng có thừa, danh tiếng vang dội, nhưng thay vì trở thành một huyền thoại Quỷ đỏ, cầu thủ người Arghentina đã có những năm tháng chẳng sáng sủa chút nào với M.U. Anh không thể hòa nhập với lối chơi của đội bóng nói riêng và giải đấu nói chung, để rồi bị đào thải như một quy luật tất yếu. “Phù thủy nhỏ” với tố chất nghệ sĩ được nhiều chuyên gia đánh giá cực kỳ cao đã không thể mang tới phép màu nào cho M.U, nơi anh lựa chọn chiếc áo số 4.
Vẫn là một người Arghentina, Gabriel Heinze có 3 năm khoác áo Quỷ đỏ. Tuy có tầm ảnh hưởng đáng kể ở đội tuyển quốc gia, khoác áo cả Real sau đó, nhưng khó có thể nói Heinze đáp ứng được kỳ vọng nơi hành lang trái của M.U. Là một hậu vệ biên, Heinze có đủ tố chất kỹ thuật cũng như thể lực, song những chấn thương có khi kéo dài cả mùa đã không cho phép anh giữ được một vị trí trong đội hình. Không thể phát triển lâu dài và mang đến sự an tâm, Heinze bị thay thế bởi sự sung mãn của Patrice Evra, người vẫn còn thi đấu đến bây giờ và mang băng đội trưởng của M.U, với chiếc áo số 3, không phải số 4.
Số 4 gần đây nhất và có lẽ cũng để lại nhiều tiếc nuối nhất, đó là Owen Hargreaves. Không phải nói gì nhiều, anh là một trong những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất thế giới khi ở đỉnh cao phong độ. Khả năng càn quét, đánh chặn, đọc tình huống, khả năng chuyền bóng, cú đá phạt đẹp như vẽ vào lưới Arsenal, cái băng đeo ở cổ tay và mái tóc quăn lãng tử, các fan M.U chắc hẳn không dễ gì quên anh được. Tiếc cho Hargreaves và cho cả bóng đá Anh, những chấn thương tồi tệ kéo dài bất tuyệt đã đẩy anh lên giường bệnh, đi khỏi M.U, và từ bỏ luôn cả bóng đá. Không người M.U nào trách anh ngay cả khi anh đến với “kẻ tử thù” Man City, nhưng “lời nguyền số 4” đã không cho chàng tiền vệ điển trai này thêm cơ hội nào nữa, bất chấp nỗ lực tập luyện để phục hồi mà anh thể hiện.
Sự gian khổ của Phil Jones
Phil Jones không gây chú ý quá nhiều khi chuyển tới M.U từ Blackburn. Tuy nhiên, với chiều cao lý tưởng 1m80, khổ người cao lớn mà vẫn gọn gàng, cộng thêm sức trẻ cũng như những hứa hẹn từ con mắt nhìn người của Sir Alex, Jones vẫn khiến người ta có chút kỳ vọng. Cái mác “tài năng trẻ” báo chí dành cho anh cũng không ảnh hưởng lắm đến những gì Jones thể hiện. Cho tới lúc này, anh vẫn là một cầu thủ “ít gây thất vọng” trong số rất nhiều các cá nhân có vấn đề của M.U mấy mùa trở lại đây.
Vấn đề của Phil Jones có hai mảng lớn: chấn thương và vị trí thi đấu. Xuất thân là trung vệ và mong muốn “đóng đinh” ở đó, song ở một nơi cần sự tháo vát, sẵn sàng xoay xở như M.U, Jones không có nhiều cơ hội. Dĩ nhiên anh không thể tranh chỗ với Vidic và Ferdinand khi hai người này còn chơi tốt, về sau thì sự ổn định của Evans lại nhận được tin tưởng nhiều hơn. Mặt khác, khi “bị phát hiện” là người giỏi tranh chấp và đeo bám, Jones liên tục bị trưng dụng ở khu vực giữa sân.
Quả nhiên anh giúp tuyến giữa M.U gia tăng chất thép, song đó vẫn chỉ là giải pháp cực chẳng đã trong bối cảnh Quỷ đỏ chẳng kiếm nổi một ngôi sao đúng nghĩa cho vị trí này, sau Paul Scholes. Jones gây ấn tượng trong một vài trận đấu với việc khóa chặt mũi nhọn của đối phương, song đòi hỏi ở anh tính sáng tạo, hỗ trợ tấn công thì lại không ổn. Khi phải đá hậu vệ cánh thì Jones cũng chỉ đá ở mức vừa đủ, dốc lên dốc xuống mà thôi. Những quả tạt của Jones là khá cầu may, anh không thể đột phá, bật nhả như Rafael hay Evra – những người “chuyên nghiệp”.
Đến mùa giải này, Phil Jones vẫn chơi “lang thang” như thế. Người ta bắt đầu nghĩ tới John O’Shea – một cầu thủ đa năng đá đâu cũng được nhưng không bao giờ là ngôi sao ở Old Trafford. Kể ra, John hoàn toàn có khả năng khẳng định được một vị trí cố định với nỗ lực của riêng mình, nhưng anh lại không ra sân thường xuyên nổi để làm điều đó, chấn thương đang dần trở thành ác mộng của cầu thủ mới 21 tuổi này.
Lần bất tỉnh trước Stoke ở trận đấu mới đây chỉ là thêm một tai nạn nữa trong chặng đường đầy “đau đớn” của Jones từ khi về Old Trafford. Vẻ ngoài lực lưỡng và lối chơi đầy sức mạnh của anh tương phản với sự nhạy cảm chấn thương, đã rất rất nhiều lần Jones được ngợi khen và rồi ngay sau đó “nằm bệt” cả tháng, đôi khi vài tháng trời.
Có lẽ sẽ không có chuyện vì mê tín mà Jones thay đổi số áo, cái anh cần làm là thay đổi cách đá cho khôn ngoan hơn. Nhưng dẫu sao, chiếc áo số 4 của M.U vẫn thật đáng sợ. Sau Jones ắt hẳn người kế tiếp sẽ phải cân nhắc ít nhiều trước khi sờ đến nó.
Theo Bongda