Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

Pháp đè bẹp Faroe nhưng phải tranh vé vớt: “Cơn mưa” lừa dối?

Thứ Hai 12/10/2009 13:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Có quá khắt khe không khi mổ xẻ một chiến thắng “năm sao”, trong một trận cầu mà 4/5 bàn thắng đến từ các chân sút và hai trong số từng ấy pha lập công đến từ những pha phối hợp của cặp tiên đạo (ban đầu là Gignac - Anelka và sau đó là Anelka - Benzema)? Có khiên cưỡng quá không khi phê phán một đội tuyển đã cầm bóng với thời lượng lên đến gần 80%(!), tung ra đến bốn chục cú sút và năm trong số đó chuyển thành bàn thắng? Hai khẳng định trên đều đúng, nếu đó không phải là Pháp, một đội tuyển hàng đầu thế giới và luôn sống trong sức ép kinh khủng của một nền bóng đá không những ưa chuộng chiến thắng, mà còn phải là những màn trình diễn có bản sắc và phong thái đĩnh đạc của một ông lớn.

Pháp không để lại nhiều ấn tượng sau chiến thắng đậm trước đảo Faroe


Vấn đề cần phải được làm rõ hơn nữa, bởi đối thủ của họ chỉ là Faroe, cái rổ đựng trứng, chứ không hề nghĩ đến việc gây sát thương cho những đối thủ mình chạm trán. Các cầu thủ của đảo quốc bé nhỏ ấy có thể thua kém Pháp hoàn toàn về trình độ kỹ chiến thuật, nhưng để đứng bên nhau và siết thành một đội ngũ thực sự, họ chưa chắc đã kém hơn các học trò của Domenech. Andre-Pierre Gignac có thể dẫn bóng và ghi bàn ngay cả khi đứng trước anh là năm cầu thủ Faroe, hay Karim Benzema có thể một mình đột phá qua một rừng chân của đội khách để khởi xướng cho bàn thắng thứ tư lẫn khi tự mình ấn định tỉ số 5-0, nhưng khi các ngôi sao ấy có ý định hợp tác với nhau để làm nên những pha tấn công đường nét mạch lạc thực sự, họ không thể phá tan kết cấu phòng ngự của Faroe.

Câu hỏi được đặt ra: Vậy thì năm bàn thắng ấy có ý nghĩa gì, khi điều mà tất cả mong chờ ở Pháp không phải là những pha dắt bóng như đi dạo dựa trên trình độ kỹ thuật vốn đã được thừa nhận là vượt hơn Faroe gấp nhiều lần (nếu đối thủ không phải là Faroe, chuyện gì sẽ xảy ra?), mà là một tập thể thực sự tìm được tiếng nói chung, chơi bóng và chiến thắng với sự vượt trội về tư duy và cách tổ chức. Nếu đội khách lì lợm hơn một chút để không dễ dàng sụp đổ sau những nỗ lực khá tự phát của tiền đạo tuyển Pháp, “Les Bleus” có thể tìm bàn thắng kiểu gì với một lối đá chỉ dựa vào những quả tạt vu vơ và những cú đi bóng kiểu “cảm tử” ấy?

Thế nhưng dù sao, Domenech cũng đã tìm được vài thứ có ích cho ông lúc này. Đó là trận thắng lớn nhất ở vòng loại, điều có thể được đưa ra để xoa dịu dư luận sau những màn trình diễn đáng thất vọng gần đây. Đó là người hùng Gignac, người luôn giải tỏa thế bế tắc cho Pháp trước một đối thủ chỉ chăm chăm lập boong-ke trước khung gỗ như Faroe. Đó là Karim Benzema, người đã chứng tỏ rằng những lời phàn nàn của anh về việc có quá ít cơ hội ra sân đã có lời đáp thỏa đáng với bàn thắng ấn định tỉ số 5-0 và phong độ khá tốt. Hay đơn giản là việc các chân sút đã lên tiếng tới bốn lần chỉ trong một trận, để chứng tỏ cho những ai cho rằng hàng công tuyển Pháp hiện tại đang có vấn đề phải nghĩ lại !?

Thế nhưng, sự thật mãi vẫn là sự thật. Sự thật ấy là: Pháp đã đánh mất chiếc vé chính thức đến Nam Phi, và giờ, phải tìm đường đến Mũi Hảo vọng qua cửa hậu!

 

Gignac là người thứ tư...

...nằm trong danh sách những cầu thủ có “sứ mệnh” giải cứu Domenech. Không kể Chủ tịch FFF Jean-Pierre Escalettes, người chuyên lo chuyện “hậu trường” cho “Gã bảo thủ”, lần lượt Yoann Gourcuff, Franck Ribery, Thierry Henry và bây giờ là Gignac lên tiếng để cùng nhau đưa con thuyền “Les Bleus” trầy trật vượt qua những trận đấu nhọc nhằn ở vòng loại World Cup 2010 để đến với “bến bờ”... đá play-off nhằm tìm vé đi Nam Phi.

Gourcuff đã giải cứu ông thầy lần đầu tiên với pha lập công cân bằng tỉ số từ khoảng cách lên đến 40m trong trận hòa Romania 2-2 ở lượt trận vòng loại thứ ba (trước đó, Pháp đã thua Áo 1-3, thắng Serbia 2-1 và nếu thua tiếp, chiếc ghế của Domenech khó mà toàn vẹn). Ribery đã ghi cả hai bàn thắng trong hai thắng lợi với cùng tỉ số 1-0 trước Lithuania. Thierry Henry thì giúp Pháp hòa hai trận 1-1 với Romania và Serbia trước khi chạm trán Faroe bằng hai pha lập công đơn giản. Khi hai người đầu tiên đều không có mặt vì chấn thương, còn Henry lại chơi vật vờ như một bóng ma, thì Gignac xuất hiện.

Bao nhiêu kỳ vọng đã từng được đặt lên đôi chân anh sau bàn thắng duy nhất giúp Pháp thắng Faroe 1-0 ở lượt đi (các chân sút lừng danh một thời của Pháp chọn Gignac là tiền đạo cắm trong sơ đồ 4-2-3-1, theo một cuộc phỏng vấn quy mô của tờ L`Equipe), để rồi anh đem đến nỗi thất vọng tràn trề trong hai trận liên tiếp sau đó trước Romania lẫn Serbia, và giờ đây lại thắp lên những hy vọng mới cho người Pháp. Bàn thắng mở tỉ số diễn ra đúng với kịch bản đã giúp anh khai thông bế tắc trong trận lượt đi: Nhận bóng, quay người như một chiếc com-pa và dứt điểm thành công, nhưng pha lập công thứ hai mới thể hiện được hết những phẩm chất mà Gignac có: Anh bứt tốc vào thời điểm mà một loạt các hậu vệ Faroe tỏ ra mất tập trung, tung ra cú dứt điểm sệt cực hiểm vào góc xa.

Hai bàn thắng ấy thể hiện rằng trên hàng công tuyển Pháp hiện tại, không ai có thể đá với tư thế quay lưng lại với khung thành tốt hơn Gignac, cũng chẳng chân sút nào có đủ sự quyết đoán như anh. Thế nhưng điều mà tiền đạo của Toulouse còn thiếu cũng là khiếm khuyết không nhỏ: Kinh nghiệm quốc tế. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cả ba bàn anh có cho đội tuyển Pháp tính đến thời điểm này đều đượ ghi vào lưới Faroe, một đối thủ mà trình độ lẫn kinh nghiệm đều ở đẳng cấp thua kém rất xa so với Pháp. Ví thử “Les Bleus” có đến được World Cup sau loạt trận play-off đi nữa, thì tính cả trận vòng loại còn lại trước Áo, Gignac chỉ còn ba trận để làm quen thêm với sức ép căng thẳng hơn nhiều ở đấu trường quốc tế.

Thế nhưng rõ ràng anh là một chân sút có tài, và nếu vượt qua được những thử thách căng thẳng sắp tới, Gignac hoàn toàn có thể là một ẩn số thú vị ở World Cup 2010.


(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Nhìn lại vòng tứ kết Champions League: Kẻ mạnh hơn chưa hẳn là kẻ chiến thắng chung cuộc

Nhìn lại vòng tứ kết Champions League: Kẻ mạnh hơn chưa hẳn là kẻ chiến thắng chung cuộc

Nhìn lại vòng tứ kết Champions League: Kẻ mạnh hơn chưa hẳn là kẻ chiến thắng chung cuộc

Vòng tứ kết Champions League hấp dẫn nhất lịch sử đã chính thức khép lại vào rạng sáng nay, sau khi Barcelona và Atletico Madrid ngậm ngùi chia tay với giải đấu vào đêm hôm trước, mặc dù đã giành lấy lợi thế lớn sau lượt đi, đến lượt Arsenal và Manchester City cũng phải nói lời tạm biệt với hành trình đến Wembley để tranh đoạt ngôi vương.

Xem thêm
top-arrow
X