Tại Old Trafford, Park Ji-Sung chưa bao giờ được đánh giá là một ngôi sao. Anh chẳng bao giờ thi đấu quá chói sáng hay ghi những bàn thắng quyết định cho đội bóng. Nhưng nếu không ra sân, HLV Ferguson sẽ mất đi một chiến binh thầm lặng cho những trận quyết chiến của Quỷ đỏ.
Giống như bao chiến lược gia lão làng của thế giới, Sir Alex là một người thực dụng và luôn đánh giá mọi việc qua kết quả cuối cùng. Bên cạnh Paul Scholes, Ryan Giggs trong quá khứ hay hiện tại là Wayne Rooney, thật không dễ dàng để một tài năng “tương đối” như Park có thể trụ lại thành Manchester trong 6 mùa giải. Khi HLV Ferguson giới thiệu một chàng trai da vàng tóc đen và thấp bé (cao 1m75) mùa Hè năm 2005, nhiều người đã nghĩ tới việc M.U muốn mở rộng tầm ảnh hưởng tại… thị trường châu Á ở chuyến du đấu tiếp theo. Tuy nhiên ngay ở mùa giải đầu tiên, thương vụ trị giá 4 triệu bảng từ PSV đã dập tắt suy nghĩ sai lầm đó khi ra sân tới 45 trận. Một con số quá ấn tượng cho bất kỳ tân binh nào tại Old Trafford.Ở các trận đấu lớn, MU không thể thiếu Park Ji Sung
Kể từ đó, Park tiến bộ mạnh mẽ qua từng mùa giải và dần dần trở thành tấm gương cho các cầu thủ châu Á muốn xuất ngoại. Có lẽ, một trong những ngày đáng buồn nhất trong sự nghiệp Park là tại Moskva năm 2008. Park không có tên trong danh sách thi đấu của M.U ở trận chung kết Champions League với Chelsea. Dù vậy, tiền vệ Hàn Quốc vẫn để lại sự hụt hẫng ở phía sau và vững lòng tin vào bản thân. 12 tháng sau, mọi nỗ lực đã được đền đáp khi Park trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên đá chính trong một trận chung kết Champions League. Nhưng thật tệ, đó lại là một kỷ niềm buồn khi đội bóng của anh thất bại 0-2 trước Barcelona tại Roma.
Có nhiều cánh để một cầu thủ nhận được sự tôn trọng từ người khác. Với một tiền vệ như Park, đó chắc chắn không phải là khả năng đi bóng lắt léo, những đường chuyền và sút bóng chính xác, hay là những cú tắc bóng đầy mạnh mẽ. Điều đáng quý ở anh là lối sống trầm lắng ngoài đời nhưng luôn thi đấu 110% sức lực ở trên sân. Thật khó để đánh giá sở trường của Park thiên về tấn công hay phòng ngự. Nhưng rất dễ dàng nhận thấy anh là con bài quan trọng như thế nào dưới tay Sir Alex, đặc biệt trong những trận đấu có tính chất sống còn.
Ngôi sao ở những trận cầu lớn
Có người từng nói: “Sức mạnh của bạn được đánh giá qua sức mạnh của đối phương”. Điều này nói lên chính xác giá trị của một ngôi sao không được thừa nhận như Park. Sự thật thì cầu thủ Hàn Quốc không được ra sân nhiều trong những mùa giải gần đây, nhưng anh luôn là sự lựa chọn số 1 mỗi khi M.U chạm trán những đội bóng hàng đầu. Ở tiền vệ 30 tuổi này có thứ tinh thần mà Sir Alex muốn các cầu thủ còn lại thể hiện trong những thử thách khó khăn.
Trong 6 năm chơi bóng tại Anh, Park chỉ ghi được 23 bàn thắng nhưng đó đều là những pha lập công quan trọng. Anh giúp M.U giành lại 1 điểm trước Chelsea ở mùa giải 2008-09 để rồi vượt mặt kình địch này trong cuộc đua giành chức vô địch Premier League. Park ghi 1 bàn vào lưới Arsenal để giúp M.U xuất hiện trong trận chung kết với Barcelona năm 2009. Không chỉ những bàn thắng mà bản thân sự xuất hiện của Park trong những trận đấu lớn đã rất có ý nghĩa. Park được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất trận bán kết Champions League sau khi M.U đánh bại Barca mùa 2008-09. Mới đây, anh thi đấu tuyệt hay và ghi bàn thắng đóng hòm chiến dịch Champions Leauge của Chelsea ở mùa giải này.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ về sự đóng góp của cầu thủ thầm lặng này. Và với lịch thi đấu khủng khiếp của M.U trong thời gian tới, Park sẽ càng có nhiều dịp để chứng tỏ mình là ngôi sao.
Sir Alex: Park rất thông minh, kỷ luật và máu lửa “Anh ấy có đầu óc, thông minh và kinh nghiệm mà bạn cần trong những trận đấu lớn nhất”, chiến lược gia người Scotland nói về Park, “Kỷ luật là điều rất quan trọng tại Champions League và bạn cần phải tập trung khi thi đấu tại châu Âu. Mùa trước, một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi bị loại trước Bayern Munich là sự mất bình tĩnh của Rafael. Chúng tôi cần những cái đầu lạnh và Park Ji-sung là một trong số đó”. “Anh ấy là cầu thủ rất chuyên nghiệp và tuyệt đối tuân thủ chiến thuật. Park di chuyển và thi đấu không biết mệt mỏi. Đó là phẩm chất khó tìm”, HLV Ferguson tiếp tục, “Tôi không muốn để mất cậu ấy. Đó là một trong những cầu thủ có ảnh hưởng nhất tới đội bóng và sẽ còn ở lại đây trong tương lai dài”. Con số 1 Park là cầu thủ châu Á đầu tiên xuất hiện trong một trận chung kết Champions League. Đó là thất bại của M.U trước Barcelona năm 2009. Anh cũng là đội trưởng người châu Á đầu tiên của M.U khi nhận lại chiếc băng thủ quân từ Ryan Giggs trong trận đấu với Lille tháng Mười 2005. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)