Khúc hát “20 Times Man United” được hàng chục nghìn cổ động viên trên khán đài Old Trafford hát vang với tất cả niềm tự hào. Không khí như thể họ vừa có một trận đại thắng trước đối thủ truyền kiếp vậy. Nhưng không phải, đó lại là một trong những ngày đen tối nhất suốt 20 năm qua, khi MU bị Liverpool vùi dập 3 bàn không gỡ ngay trên sân nhà.
Tình yêu còn lại
Có những người sẽ không bao giờ, dù chỉ hiện lên trong óc câu hỏi “Liệu tôi có là fan của đội bóng này nữa không?”. Đội bóng nào cũng có lúc thăng lúc trầm, và năm nay thì Manchester United chính là đội “trầm” xuống mạnh mẽ nhất. Họ có một lực lượng cổ động viên quá lớn, những người đã quen với thành công suốt hai thập kỷ của câu lạc bộ, những người bắt đầu yêu MU bởi những danh hiệu, những cầu thủ tài năng, những trận thắng lớn. Dĩ nhiên có nhiều người chán ghét sự thất bại, nhưng cũng như biết bao cổ động viên bóng đá của biết bao đội bóng khác, vẫn còn nhiều lắm những Manucians gìn giữ được tình yêu.
Nếu gạt bỏ David Moyes, Wayne Rooney, chức vô địch, Champions League, hay tất cả những đối tượng, sự việc thực tế khác ra khỏi ý nghĩ, điều cốt lõi còn lại cuối cùng sẽ chỉ là “bạn yêu đội bóng nào?”. Một cách vô thức, người ta đọc tin về MU mỗi ngày. Một cách vô thức, người ta cổ vũ cho MU và cổ vũ cho các đội đá với đối thủ trực tiếp của MU. Thói quen nào khiến họ thức dậy vào 2h45? Lặn lội ra một quán café K+? Vì sao họ luôn mua chiếc áo đỏ ấy ở cửa hàng đồ thể thao? Nó không gì khác là một phần đã ăn vào thân thể sau nhiều năm dõi theo một đội bóng.
Sự gần gũi, sự quan tâm, những ấn tượng tốt đẹp qua một thời gian rất dài sẽ tạo ra tình cảm. Và khi tình cảm đó đã “chín”, rất khó để nó đổi thay, rất khó để dứt khỏi nó, cho dù mọi thứ không còn tươi đẹp như trước. Tình yêu, sự thần tượng trong thể thao cũng giống như trong mọi lĩnh vực khác, khi nó đã chạm đến ngưỡng vô điều kiện, người ta không còn “hâm mộ” nữa, mà người ta “đồng hành”. Họ cùng bùng nổ trong lúc vinh quang, họ cùng đớn đau khi gục ngã, họ cùng lo lắng, cùng thấp thỏm, và khi đội bóng ê chề, họ như một cánh tay nâng đỡ khổng lồ bằng điệu hát hùng tráng từ trên khán đài. Thật may mắn cho những đội bóng có được những khán giả như thế, nhưng sự thật là nó có ở cả những đội bóng nhỏ bé, vô danh, chứ chưa nói gì với một gã khổng lồ như MU.
Than trách Sir Alex lựa chọn sai lầm? Chê bai David Moyes bất lực? Kêu ca cầu thủ đá quá tồi? Sau tất cả những cảm xúc thông thường ấy, rồi cũng đến lúc nhiều người nhận ra, đó không phải cách tốt nhất để họ ở bên đội bóng. Phàn nàn chẳng đổi thay được gì, áp lực chỉ làm mọi thứ khó khăn thêm. Nếu ai cũng có thể đặt tay lên chiếc logo ở ngực áo và hô vang tên đội bóng bất kể trong hoàn cảnh nào, chắc chắn đó là nguồn năng lượng to lớn nhất để những người dưới sân có thể đứng dậy. Vượt qua thực tại khô khốc của kinh tế, của mưu sinh, của đời sống, bóng đá vẫn kết nối mọi người bằng những giá trị tinh thần có sức lan truyền mãnh liệt là thế. Và có lẽ, đó mới là nguyên nhân quan trọng nhất để nó trở thành môn “thể thao vua”.
Mùa giải thử thách với Manucians
Có những người chỉ yêu bóng đá, còn có những người khác ngoài yêu bóng đá lại yêu thêm một đội bóng. Những người yêu bóng đá đơn thuần, hạnh phúc là được xem những trận cầu kịch tính, những màn trình diễn thượng hạng, những bàn thắng đẹp mắt. Những người yêu thêm một đội bóng thì bận rộn hơn một chút, họ đã gắn lòng mình vào một “vật thể” có lúc thăng hoa, có khi bết bát, nghĩa là những cảm giác vui buồn, những sự tự tôn, những niềm cay đắng cũng rõ ràng hơn hẳn.
Không có gì kỳ lạ khi MU nhiều fan. Họ nổi lên vào đúng cái lúc bóng đá trên truyền hình được phổ cập, đúng vào lúc Giải Ngoại hạng bắt đầu làm mưa làm gió vì sự hấp dẫn của mình. MU có sự xuất sắc của các thế hệ cầu thủ, sự cao tay của huấn luyện viên, thêm vào đó là phong cách tấn công hoa mỹ, tốc lực. Theo thời gian, MU ngày càng khẳng định hình ảnh của một đội bóng “gần với đám đông”. Họ không mềm mại bằng Arsenal, không lấp lánh kim tiền như Real Madrid, cũng không từng thống trị châu lục như Barca. Họ tiết kiệm vừa phải, họ xoay xở với những gian nan, họ vẫn có những ngôi sao đầu tàu, rồi có những chiếc cup, họ theo đuổi triết lý hiệu quả, hợp thời, nhưng không tẻ nhạt. Và cứ thế, lượng người hâm mộ MU gia tăng theo năm tháng.
Không riêng MU, mà bất cứ đội bóng nào ở vào giai đoạn thoái trào với sự thụt lùi thê thảm như thế này cũng sẽ khiến một lượng fan đáng kể mất kiên nhẫn. Arsenal tuy đã lâu không có danh hiệu, nhưng họ vẫn giữ được bản sắc trong lối chơi, đồng thời đều đặn vững chân trong top 4. MU rất khác, họ vừa vô địch mùa trước thôi nhưng giờ đây đến suất dự Europa League cũng khó giành được, chưa kể bộ mặt bạc nhược, hỗn độn, vô phương hướng mà Quỷ đỏ đã thể hiện từ đầu mùa, dù so với Arsenal, MU còn có nhiều hơn những ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Nếu ai đó đến với MU vì thích thú vẻ đẹp của bóng đá và “vẻ đẹp kết quả”, có lẽ họ có thể chán chường được rồi, họ có thể không thức khuya nữa để làm những việc có ích vào ngày hôm sau. Nếu ai không chịu nổi cảm giác mất đi lòng kiêu hãnh, mất một nơi bấu víu lung linh để tự hào với các cổ động viên khác, thì họ bực tức cũng chẳng khó hiểu gì. Còn sự thật vẫn là sự thật, MU chẳng có gì thần thánh để không có thời kỳ suy nhược, Sir Alex cũng có thể chọn nhầm người, David Moyes có thể chưa đủ tầm với Quỷ đỏ, mọi thứ đang đi theo những quy trình hết sức thông thường. Lòng kiên nhẫn có thể được đền đáp, hoặc cũng có thể là không, chẳng ai biết được, đó là cuộc sống.
Còn với những người mà “MU thế nào thì họ yêu thế ấy”, chắc cũng không có gì quá kinh khủng phải chịu đựng. MU hay thì họ mừng, MU dở thì họ vẫn ủng hộ, chẳng sao hết. Họ không xấu hổ vì MU thua, cũng chẳng tự kiêu vì MU thắng, họ yêu MU, thế là đủ. Dẫu sao, dù cách yêu khác nhau, họ vẫn ở trong cùng một cộng đồng. Hy vọng rằng những Manucians chân chính sẽ có nhiều thêm những dịp được nở nụ cười vào mùa giải năm sau.
Theo Bongda