Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Những hậu vệ đắt giá nhất làng túc cầu giáo

Thứ Hai 16/07/2012 16:02(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Tuần trước, đội bóng giàu nhất nước Pháp và hàng đầu châu Âu (chẳng thua kém Man City bao nhiêu nhờ sự hậu thuẫn của Hoàng gia Qatar, quốc gia giàu có số 1 thế giới dựa trên thông số: Thu nhập bình quân trên đầu người, khoảng .... 100.000 USD/năm), Paris Saint-Germain đã làm náo loạn TTCN khi chấp nhận bỏ ra 42 triệu Euro (có thể tăng lên 49 triệu tuỳ vào thành tích cụ thể) để chiêu mộ Thiago Silva, trung vệ thuộc vào hàng TOP của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đáng tiếc, Thiago đã không thể soán được kỷ lục chuyển nhượng hiện do Rio Ferdinand nắm giữ. Dưới đây là bản danh sách 10 hậu vệ đắt nhất mọi thời đại, xếp theo thứ tự tăng dần về giá trị

Dmytro Chygrynskiy (25 triệu Euro, từ Shakhtar Donetsk sang Barcelona vào năm 2009)

Những thành công vang dội cùng Shakhtar Donetsk (VĐQG Ukraine và đặc biệt là chiếc cúp Europa League ở mùa 2008-2009) đã giúp Chygrynskiy trở nên cực hot và phải chấp nhận bỏ ra tới 25 triệu Euro, "gã khổng lồ" xứ Catalan mới đưa được trung vệ này về Nou Camp trong ánh mắt ghen tỵ của nhiều đối thủ. Dù mất hàng đống tiền nhưng ban đầu, Barca cũng chỉ dám kỳ vọng Chygrynskiy sẽ là "dự bị hạng sang" cho cặp Gerard Pique - Carles Puyol. Ấy thế mà, rốt cục, cái giấc mơ "cỏn con" của Blaugrana cũng bất thành. Chygrynskiy thể hiện cực tệ trong những lần được trao cơ hội và chỉ sau một mùa với tổng cộng 14 lần ra sân, Chygrynskiy ngậm ngùi trở lại "chốn xưa" Shakhtar Donetsk khi mà Barca sẵn sàng chịu lỗ 10 triệu Euro bởi không tin Chygrynskiy có thể làm nên đuợc trò trống gì. Thực tế, đến thời điểm này, Chygrynskiy vẫn chưa thể lấy lại được thời kỳ đỉnh cao.

Dmytro Chygrynskiy
Dmytro Chygrynskiy

David Luiz (25 triệu Euro, từ Benfica sang Chelsea vào năm 2011)

Sở hữu mái tóc xù ấn tượng, Luiz mau chóng toả sáng ở The Blues sau khi gia nhập đội bóng ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa 2010-2011, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh đáng thất vọng của Fernando Torres, gương mặt đến Chelsea cùng thời điểm với Luiz. Trong đó, nổi bật nhất là bàn thắng quyết định đem về chiến thắng 2-1 trước Man Utd tại Stamford Bridge (đó cũng là pha lập công đầu tiên của Luiz cho Chelsea). Tiếp đến, anh lại chọc thủng lưới Man City, nhờ đó đã đoạt danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League tháng 3 năm 2011". Tuy nhiên, qua các thành tích này, tất cả đều nhận ra nhược điểm của Luiz: kỹ năng phòng ngự không thật sự hoàn hảo và quá ham dâng lên tấn công trong khi nhiệm vụ hàng đầu của một trung vệ tất nhiên phải là bảo vệ cầu môn. Bước sang mùa bóng 2011-2012, Luiz dần hoàn thiện hơn và tuy chưa thể rơi vào nhóm "bất khả xâm phạm", nhất là sau khi Chelsea mua Gary Cahill hồi đầu năm song hậu vệ người Brazil đã có những đóng góp nhất định vào chiến tích lẫy lừng của đội bóng: vô địch Champions League.

david luiz
 

Ricardo Carvalho (27 triệu Euro, từ Porto sang Chelsea vào năm 2004)

Ngay khi tiếp quản Chelsea, Jose Mourinho lập tức tiến hành lôi kéo những cậu học trò cưng từng cùng ông giành biết bao danh hiệu ở Porto (VĐQG Bồ Đào Nha, vô địch cúp UEFA rồi Champions League). Trong đó, 27 triệu Euro đã được chi ra dành cho Ricardo Carvalho, trung vệ xuất sắc bậc nhất lục địa già vào thời điểm đó. Rất nhanh chóng, anh đã chứng minh được giá trị của mình và sớm sắm vai trụ cột tại hàng thủ. Sáu năm thi đấu tại Anh, Carvalho đã đoạt tổng cộng 3 Premier League, 3 cúp FA, 2 cúp Liên đoàn và một lần góp mặt ở chung kết Champions League. Kể cả đến lúc ra đi khi đã bước sang tuổi 32 (tái ngộ thầy cũ Mourinho ở Real vào năm 2010), Carvalho vẫn được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Song hiện tại, Carlvaho đã già thêm vài tuổi và sắp bị Real đẩy ra đường nhưng âu đó cũng là chuyện không thể tránh khỏi trong thế giới bóng đá đầy nghiệt ngã.

Ricardo Carvalho
 

Joleon Lescott (27.5 triệu Euro, từ Everton sang Man City vào năm 2009)

Sau khi rơi vào tay những ông chủ giàu có người UAE, Man City trở thành con ngáo ộp chuyển nhượng. Đội bóng này luôn vung tiền vô tội vã, làm náo loạn thị trường và gần như cầu thủ nào bị Man xanh "sờ đến" cũng mau chóng bị làm giá nhiệt tình. Chẳng thế mà, nhiều người đã cười khẩy khi chứng kiến Man City ném hơn 27 triệu Euro vào một trung vệ không thuộc hàng ngôi sao: Joleon Lescott. Thậm chí HLV trưởng của Everton, David Moyes đã phải thốt lên rằng chưa bao giờ ông lãi lớn đến thế (Everton chỉ mất có 2 triệu bảng để mua Lescott vào năm 2006 từ Wolves). Thế nhưng, mùa đầu tiên của Lescott trong màu áo mới trôi qua khá tầm thường và không ít lời gièm pha đã xuất hiện. Chính xác phải đến tháng 12 năm 2010, nhân cơ hội đồng đội Kolo Toure bị treo giò vì sử dụng doping, Lescott mới bắt đầu vươn lên mạnh mẽ và khẳng định được năng lực của mình. Chỗ đứng của Lescott dần được củng cố và đến mùa giải 2011-2012 thì anh cùng đội trưởng Kompany tạo thành cặp trung vệ số 1 Man City cũng như cả Premier League, giúp công sức không nhỏ vào chức VĐQG sao nhiều năm chờ đợi.

Joleon Lescott
 

Lilian Thuram (30 triệu Euro, từ Parma sang Juventus vào năm 2001)

Cựu hậu vệ người Pháp là chủ lực của Les Bleus liên tiếp thống trị World Cup và Euro (1998, 2000). Tuy nhiên, phải đến năm 2001, Thuram mới được khoác áo một đại gia của châu Âu, Juventus (anh trưởng thành từ Monaco và có 5 năm thi đấu cho Parma, một đội bóng từng thách thức các ông lớn của Italia cuối thập niên 90 của thế kỷ trước). Song nếu không thu về được khoản tiền hơn 70 triệu Euro từ việc bán Zinedine Zidane cho Real Madrid thì chưa chắc, Biaconeri đã dám đầu tư 30 triệu Euro vào Lilian Thuram. Nhưng "Lão bà" thành Turin đã rất sáng suốt bởi Thuram đã đưa hàng phòng ngự Juventus lên tầm cỡ thế giới. Thuram có thể kết hợp với bất cứ cầu thủ nào tại Juventus mà không hề ảnh hưởng tới phong độ và 4 Scudetto (nhưng 2 danh hiệu đã bị tước do scandal Calciopioli) có dấu ấn không nhỏ của Thuram cùng "cộng sự". Năm 2006, Thuram rời khỏi Juventus sau khi đội bóng phải xuống chơi ở Serie B do hậu quả từ vụ Calciopioli và chuyển sang Barcelona. Dẫu vậy, do tuổi tác cao, Thuram không để lại được nhiều ấn tượng tại Nou Camp và quyết định giã từ sự nghiệp vào cuối mùa 2007-2008 ở tuổi 36.

Lilian Thuram
 

Alessandro Nesta (30 triệu Euro, từ Lazio sang AC Milan vào năm 2002)

Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về Nesta vì anh đã quá nổi tiếng. Giờ đây, Nesta đã không còn ở lại AC Milan và chọn đội bóng Canada, Montreal Impact làm nơi "an dưỡng tuổi già" nhưng cái tên của anh đã được lưu danh muôn thuở với tư cách một trung vệ huyền thoại của AC Milan cũng như ĐTQG Italia. Nesta bắt đầu được biết đến trong màu áo Lazio, đội bóng đã có công đào tạo ra anh. Khi sự nghiệp đã chín muồi, Nesta gia nhập AC Milan với hy vọng đội bóng sẽ giúp anh vươn đến những tầm cao chói lọi và Nesta đã được toại nguyện. 10 năm gắn bó với sắc áo Đỏ - đen, Nesta đã đoạt hàng loạt danh hiệu cao quý (2 Serie A, 2 Champions League và chức VĐTG cùng Azzurri ở World Cup 2006). Tuy nhiên, thời gian chẳng thể trừ một ai. Có thời điểm, tưởng như Nesta đã xuống đến đáy của đời cầu thủ khi một chấn thương nghiêm trọng khiến anh phải nghỉ gần như toàn bộ mùa giải 2008-2009. Song Nesta đã trở lại mạnh mẽ và kết hợp cùng người đồng đội trẻ hơn Thiago Silva, tạo thành bộ đôi trung vệ xuất sắc nhất Serie A trong 3 mùa giải gần đây. Dẫu vậy, ở cái tuổi 36, Nesta hiểu đâu mới là chỗ đứng phù hợp của mình nên đã quyết định ra đi, mặc cho AC Milan ra sức níu kéo.

Nesta sẽ ra đi sau tròn một thập kỷ khoác áo Milan
 

Pepe (30 triệu Euro, từ Porto sang Real Madrid vào năm 2007)

Dù chẳng phải là một cầu thủ lành tính và từng gây ra không ít scandal trên sân cỏ (treo giò tới 10 trận vào mùa 2008-2009 do pha tấn công kép nhằm vào Javier Casquero của Getafe rồi thì một loạt hành vi "đánh nguội" trong các trận El Clasico) song cần phải thừa nhận, càng ngày Pepe càng đóng vai trò quá thiếu yếu tại hàng thủ Los Blancos. Bởi thế, ban lãnh đạo Real chưa bao giờ phải cảm thấy hối hận về quyết định chiêu mộ Pepe và cái giá 30 triệu Euro xem ra vẫn là quá rẻ so với trình độ của Pepe. Mùa vừa rồi, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đã đoạt lại ngôi vị vua Tây Ban Nha từ tay Barcelona và không thể không nhắc đến công lao của Pepe dù rằng anh khá lu mờ nếu đặt cạnh những đồng đội trên hàng công.

Pepe
 

Fabio Coentrao (30 triệu Euro, từ Benfica sang Real Madrid vào năm 2011)

Hậu vệ trái này bắt đầu nổi lên phần phật từ World Cup 2010 trong màu áo ĐTQG Bồ Đào Nha nhưng Coentrao phải nhẫn nại rèn luyện thêm một năm ở Benfica mới được gia nhập vào hàng ngũ Galacticos. Tất nhiên, nếu không giữ được phong độ cao, Coentrao còn lâu mới thuyết phục nổi Real bỏ ra số tiền khủng tới 30 triệu Euro. Song mùa đầu tiên của anh ở Bernabeu không thật sự thành công, một phần do không phải lúc nào Coentrao cũng được chơi ở vị trí sở trường bởi sự cạnh tranh của "ma cũ" Marcelo (nhiều trận, Coentrao bị đẩy lên hàng tiền vệ, không hẳn do Real thiếu người mà vì Mourinho tin rằng cậu học trò đồng hương rất đa năng). Dẫu sao, con đường phía trước Coentrao vẫn rất rộng mở.

Fabio Coentrao
 

Daniel Alves (35.5 triệu Euro, từ Sevilla từ Barcelona vào năm 2008)

Mấy năm qua, Alves được thừa nhận rộng rãi là hậu vệ phải số 1 thế giới. Về kỹ năng phòng ngự, có thể cầu thủ người Brazil chẳng bằng ai nhưng về trình độ tấn công, chắc chắn không hậu vệ cánh nào sánh nổi Alves. Chuyển đến Barca, Alves "như cá gặp nước" vì triết lý tiqui-taka mang đậm màu sắc tấn công rõ ràng quá phù hợp với anh. Hàng phòng ngự một loạt các đội bóng tại TBN cũng như châu Âu đã trở thành nạn nhân của Alves. Trong mọi thành công của Blaugrana dưới triều đại Josep Guardiola thì Daniel Alves luôn xuất hiện trang trọng trên những dòng đầu tiên (cùng Xavi, Messi hay Pique). Tuy thi đấu ở "hậu phương" song số đường chuyền kiến tạo của Alves không thua kém bất cứ một tiền vệ công chính hiệu nào. Những ngày đầu khi Tilo Vilanova lên nắm quyền ở Barca, đã xuất hiện tin đồn cho rằng Alves sẽ rời khỏi Nou Camp nhưng rồi dư luận mau chóng tạm yên. Xét cho cùng, chẳng cần biết ai sẽ là HLV trưởng Barca, bản thân Alves không dại đến mức chia tay một nơi quá phù hợp với khả năng của anh.

Dani Alves
 

Thiago Silva (42 triệu Euro, từ AC Milan tới PSG vào năm 2012)

Silva gia nhập AC Milan vào tháng 12 năm 2008 nhưng phải đến mùa hè năm sau, anh mới chính thức đủ điều kiện thi đấu cho đội bóng thành Milano (bởi lúc đó, AC Milan mới đủ hạn ngạch về cầu thủ ngoài EU). Không chỉ hoà nhập cực nhanh mà Thiago còn sớm toả sáng rực rỡ trong sự ngạc nhiên của chính Rossoneri và mau chóng lọt vào nhóm những trung vệ hàng đầu Italia cũng như châu Âu. Bởi thế, đã từ lâu, Thiago lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia "lắm tiền nhiều của". Mùa hè năm ngoái, phải rất khó khăn, AC Milan mới "cấm cửa" được Barcelona nhưng đến mùa hè này, họ đã phải đầu hàng chịu thua trước đề nghị không thể chối từ của PSG, mặc cho cách đó không lâu, chủ tịch Silvio Berlusconi từng tuyên bố không bao giờ bán Thiago. Tất nhiên, AC Milan sẽ rất tiếc nuối song khoản tiền 42 triệu Euro sẽ giúp ích họ rất nhiều trong kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho mùa giải mới và ai bảo, AC Milan sẽ không tìm nổi người thay thế xứng đáng.

Thiago Silva ở lại Milan với khát vọng trở thành huyền thoại
Thiago Silva ở lại Milan với khát vọng trở thành huyền thoại

Rio Ferdinand (46 triệu Euro, từ Leeds sang Man Utd vào năm 2002)

Cho đến giờ, kỷ lục chuyển nhượng do Rio Ferdinand nắm giữ vẫn chưa thể bị phá vỡ. Rất nhiều chuyên gia đã phải thốt lên hai từ "điên rồ" khi Man Utd bỏ ra khoản tiền khủng khiếp, chỉ để mua một cầu thủ chơi tại hàng thủ. Hãy lưu ý rằng mức giá 46 triệu Euro được xác định tại thời điểm chuyển nhượng cách đây 10 năm trời chứ chưa hề được tính trượt giá vào đây, một bằng chứng thể hiện "Quỷ đỏ" thành Manchester chịu chơi đến mức nào. Nhưng rõ ràng, Man Utd đã được đền đáp xứng đáng. Một thời gian dài, Rio chính là trung vệ thép hàng đầu Premier League và cùng với đối tác Nemanja Vidic tạo thành cặp trung vệ số 1 hành tinh. Tổng cộng, Rio cùng Man Utd giành 14 danh hiệu lớn nhỏ (5 Premier League, 1 Champions League, 1 cúp FA, 2 cúp Liên đoàn). Mấy năm qua, anh đã xuống phong độ khá nhiều do gánh nặng tuổi tác song rõ ràng Rio vẫn còn rất "hữu dụng", đặc biệt với dàn đàn em trẻ trung mà Sir Alex đang dần gây dựng ở Man Utd.

Rio Ferdinand tin vào sự hồi sinh của Man Utd
 

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến, không có bất ngờ nào xảy ra ở Mỹ Đình đêm qua. Đội tuyển Việt Nam lại thua bạc nhược trước những người Indonesia, làn sóng phản đối HLV Philipe Troussier lên đến đỉnh điểm, và lúc nửa đêm, trang chủ của VFF ra thông cáo chấm dứt hợp đồng với vị HLV người Pháp.

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

“Tôi sẽ trở lại Đức vào tháng 3,” Toni Kroos đã thông báo như thế trên Instagram của anh vào cuối tháng 2. "Tại sao? Trước hết là bởi Julian yêu cầu tôi trở lại và sau đó là vì, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ cho đội tuyển. Tôi đang có tâm trạng tốt và tôi chắc chắn rằng tại EURO Hè này tuyển Đức sẽ làm được nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tin vào lúc này.”

Xem thêm
top-arrow
X