(Bongda24h) - Ngay cả những Manucians mơ mộng nhất cũng không dám nghĩ đội bóng thân yêu của họ có thể thắng đậm đến thế trong chuyến làm khách của Leverkusen. Không phủ nhận đại diện của Bundesliga đã thi đấu kém cỏi một cách ngạc nhiên và gần như đánh mất mình song nếu David Moyes không có vài sự điều chỉnh từ nhân sự, lối chơi cho đến quan điểm chiến thuật thì chắc chắn Man Utd không thể có được chiến thắng cách biệt nhất kể từ đầu mùa. Đặc biệt hơn, nó xuất hiện đúng vào thời điểm những con sóng ngầm đang rình rập cuốn phăng nhà ĐKVĐ Premier League vào cuộc khủng hoảng mới khi mà Man Utd dù bất bại gần 2 tháng trở lại đây (trận thua gần nhất là trước West Brom vào ngày 28/9) nhưng thực sự luôn phải tồn tại trên ranh giới thành - bại cực kỳ mong manh. Xem ra, Man Utd vẫn sẽ là thế lực đáng gờm mùa này, một khi vị HLV trưởng biết lắng nghe, thấu hiểu và không còn "bảo thủ duy ý chí". Dưới đây là những điểm nổi bật được đúc kết từ thành công vang dội vừa rồi
Shinji Kagawa thể hiện tốt ở vị trí sở trường
Sự vắng mặt của chân sút quan trọng Robin Van Persie vô hình chung đã giúp Moyes có quyết định đột phá: Không còn áp dụng sơ đồ ưa thích 4-4-2 và đã mạnh dạn thử nghiệm đấu pháp 4-2-3-1 (chính xác hơn là 4-4-1-1 khi các tiền vệ cánh chơi khá thấp nhằm tăng cường hỗ trợ cho cặp tiền vệ trung tâm Jones - Giggs trong chuyện kiểm soát trung tuyến) cũng như triển khai nhiều hơn các bài tấn công trung lộ chứ không chỉ chăm chăm xuống biên. Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, khi mà các tiền vệ cánh mà Man Utd đang sở hữu đều thi đấu dưới phong độ thì đây là lựa chọn quá hợp lý và lẽ ra Moyes phải nghĩ đến nó từ lâu. Nhiệm vụ dẫn dắt, tổ chức lối chơi được giao cho Kagawa. Lần đầu tiên trong mùa giải, tiền vệ người Nhật Bản đã được chơi trọn vẹn 90 phút trong vai trò ưa thích và anh đã không làm người thầy thất vọng. Kagawa đã chơi trận đấu hay nhất từ đầu mùa
Trước Leverkusen, Kagawa đã cho thấy anh đích thực là một "trequartista (số 10)" bẩm sinh với những kỹ năng điều phối, bộ óc phân tích mà hiện không tồn tại ở bất cứ một cầu thủ nào khác của Man Utd, kể cả Wayne Rooney dù R10 từng nhiều lần để lại dấu ấn khi được thi đấu như một "số 10" (thực ra, trong những lần đó, Rooney thi đấu giống một tiền đạo lùi hơn). Đúng là Rooney đã trực tiếp (hoặc gián tiếp) đóng góp công sức vào 4 bàn thắng của Man Utd nhưng hãy nhớ rằng, ngoại trừ hai bàn xuất hiện từ tình huống cố định thì 3 bàn xuất hiện từ những pha "bóng sống" đều có dấu giày của Kagawa. Anh chính là người phát động tấn công từ phần sân nhà, đưa bóng sang cho Giggs rồi từ đó Rooney thực hiện quả tạt chuẩn để Valencia mở tỷ số. Tiếp đến, anh thực hiện cú gẩy bóng kỹ thuật, hoàn toàn loại bỏ sự kháng cự của đối phương và Rooney thoải mái chuyền vào trong cho Smalling ghi bàn thứ 4. Cuối cùng, từ một nỗ lực của anh bên cánh trái mà Giggs mới có thể phất đường chuyền dài, tạo điều kiện cho Nani thoát xuống ấn định tỷ số.
Với những gì cậu học trò đã trình diễn, Moyes thực sự hiểu rằng trước mắt Kagawa chỉ có thể phát huy hết năng lực nếu được giao công việc của một ông chủ khu vực giữa sân chứ bắt Kagawa phải chơi cánh là sự phí phạm quá lớn mà lại chẳng giúp ích gì nhiều cho lối chơi chung. Tuy nhiên, sự toả sáng của Kagawa cũng làm ông phải đau đầu bởi không biết bố trí đội hình ra sao nếu Van Persie trở lại. Hiển nhiên, Percy không thể ngồi trên băng ghế dự bị, nhất là khi anh dần lấy lại hiệu suất ghi bàn, chưa kể lại là thần hộ mệnh của đội bóng (từ đầu mùa, Van Persie mà nổ súng thì Man Utd kiểu gì cũng thắng) nhưng bỏ rơi Kagawa thì cũng không nên. Phải chăng Moyes nên thử nghiệm sơ đồ 4-3-1-2 nghiêng về tấn công trung lộ. Lúc này, nhiệm vụ triển khai tấn công và ghi bàn sẽ được phó mặc cho bộ ba Kagawa - Rooney - Van Persie. Ba tiền vệ phía dưới sẽ tập trung chủ yếu vào khống chế tuyến giữa, kiểm soát bóng, đánh chặn đối phương nhưng đồng thời thỉnh thoảng dâng lên tạo đột biến như cách chơi của Giggs vào đêm qua. Như thế, tiềm lực hiện tại của đội bóng sẽ được khai thác tối đa (lưu ý, Moyes đang rất dồi dào phương án cho vị trí tiền vệ trung tâm) và biết đâu đó chính là hướng đi mới, có thể đưa đội bóng tới cái kết tốt đẹp vào cuối mùa.
Nani và Valencia đã tìm lại sự tự tin
Kể từ khi David Moyes lên nắm quyền và chủ trương quay trở lại lối chơi "đồ đá" 4-4-2 truyền thống thì những tiền vệ cánh như Nani, Valencia rõ ràng có nhiều đất diễn để khẳng định mình. Chỉ có điều, họ chẳng làm ai hài lòng. Valencia vẫn dừng lại ở mức độ tròn vai nhưng thậm chí hiệu quả anh mang lại còn thấp hơn mùa trước khi những quả tạt hoặc không chính xác hoặc trở nên vô nghĩa, chẳng đe doạ được ai trong khi Nani tiếp tục "phập phù" không biết đâu mà lần. Bởi thế, họ chẳng thể trở thành chỗ dựa cho đồng đội dù xét về mọi mặt, họ nghiễm nhiên là sự lựa chọn đầu tiên cho vị trí tiền vệ biên ở Man Utd. Đêm qua, tuy không quá xuất sắc nhưng cả hai đã chứng tỏ dấu hiệu cải thiện. Sự đánh giá này không chỉ dựa trên việc họ đã sút tung lưới đối phương mà bởi họ đã có sự tiến bộ đáng kể. Valencia không còn rụt rè, bối rối, luống cuống mà đã thi đấu như một đấu sĩ dũng mãnh, sẵn sàng cuốn phăng đối thủ bên cánh phải. Nani thì tỏ thái độ tích cực hơn, chăm chỉ hơn, bớt màu mè và giảm thiểu các pha xử lý thừa thãi không cần thiết. Không những vậy, Nani còn rất tích cực hỗ trợ Patrice Evra trong khâu phòng ngự, chuyện không mấy khi xảy ra trong quá khứ. Bên cạnh đó, Nani vẫn không quên những phẩm chất kỹ thuật đáng quý của mình mà pha xử lý hoàn hảo dẫn đến bàn thắng vào những phút cuối là minh chứng hùng hồn. Nếu chàng tiền vệ "đồng hương" của CR7 tiếp tục cải thiện được tình trạng thể lực và nuôi được ngọn lửa đam mê cống hiến cho Man Utd thì tin chắc, anh sẽ còn được Moyes trọng dụng trong thời gian tới.
Ryan Giggs đúng là "gừng càng già càng cay"
Trong bối cảnh Carrick dính chấn thương, Fellaini bị treo giò còn Cleverley và Anderson không đạt yêu cầu cộng thêm tính chất quan trọng của trận đấu (Man Utd tối thiểu không được phép thua) thì Moyes đành phải nhờ cậy lão tướng chuẩn bị bước sang tuổi 40 (vào ngày thứ 6 này) và Giggs đã thể hiện cho tất cả thấy "cỗ máy" của mình vẫn hoạt động tốt, chưa hề có dấu hiệu "rệu rã" vì gánh nặng thời gian. Dĩ nhiên, bắt Giggs phải đua thể lực với đối thủ hay đánh bại họ trong các cuộc đấu tay đổi là điều quá xa xỉ. Đổi lại bằng kinh nghiệm dày dạn cùng sự thông minh, Giggs đã hoàn thành tốt công việc được giao nhờ sự bù đắp hoàn hảo và phối - kết hợp nhịp nhàng của đối tác đàn em Phil Jones. Chiến binh trẻ dùng sức còn cận vệ già dùng đầu, nhờ đó đã làm tuyến giữa Leverkusen trở nên tê liệt, gần như không làm nên được trò trống gì trong suốt trận đấu, ngoại trừ vài ba tình huống sút xa lẻ tẻ. Rõ ràng, Giggs vẫn quá hữu dụng cho Man Utd, nhất là khi đội bóng cần người và biểu tượng sống của Man Utd hoàn toàn có thể thi đấu đỉnh cao thêm vài năm nữa, miễn Moyes phải biết sử dụng một cách hợp lý. Chẳng hạn không thể bắt Giggs thi đấu liên tục hay xếp anh bên cạnh những cầu thủ không mạnh về thể lực như Jones bởi như thế thì đừng chỉ trích nếu Giggs chơi kém. Lão tướng Ryan Giggs vẫn chứng tỏ được sự hữu dụng của mình ở Man Utd
Jonny Evans chính là trung vệ số 1 Man Utd hiện nay
Lên đội 1 từ rất lâu (năm 2006) và có thời điểm, tưởng như Evans đã rất sẵn sàng làm thủ lĩnh hàng phòng ngự nhưng rốt cục, cầu thủ người Bắc Ai Len thăng tiến khá chậm chạp, thậm chí có dấu hiệu chững lại như mùa giải trước. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở cái bóng quá lớn của Rio Ferdinand và Vidic, khiến Evans trở nên thiếu tự tin. Trong quá khứ, anh thường chỉ chơi tốt nếu được sát cánh cùng một trong hai "tượng đài" của đội bóng hay nói một cách khác, anh chỉ được xem là "kép phụ" mà thôi. Không ít trận được giao trọng trách lớn hơn thì Evans tỏ ra khá mờ nhạt. Tuy nhiên, bước sang mùa giải năm nay khi Ferdinand và Vidic hết gặp vấn đề chấn thương rồi lại đến chuyện suy giảm phong độ thì Evans đã nổi lên như là chốt chặn đáng tin cậy nhất nơi hàng phòng ngự. Giờ đây, Evans không còn nhỏ bé và khiêm nhường một cách tội nghiệp nếu được sắp xếp bên cạnh "đàn anh". Đêm qua, Evans đã làm lu mờ Ferdinand và dù không đeo băng thủ quân (thuộc về Evra) nhưng anh mới đích thực là người chỉ huy hàng phòng ngự. Ngoài nền tảng thể lực sung mãn cộng khả năng đọc trận đấu hoàn hảo, Evans còn liên lạc rất tốt với đồng đội xung quanh, qua đó vô hiệu hoá hoàn toàn "ngòi nổ" Kiessling của đội chủ nhà. Hoạ hoằn lắm, Leverkusen mới áp sát được cầu môn bởi Evans làm quá tốt công việc của mình và không mắc phải bất cứ sai sót nào. Vài lần, anh đưa ra những quyết định cản phá cực kỳ chính xác, bằng không Man Utd rất có thể phải hứng chịu bàn thua, dẫn tới cục diện sẽ bị xoay chuyển. Bàn thắng xuất phát từ một pha dâng lên tấn công là nét điểm xuyết làm "bức tranh trình diễn" của Evans trong trận vừa rồi thêm lung linh. Cứ cái đà này, sớm muộn Man Utd sẽ cảm thấy rất nhớ Evans trong trường hợp anh không được ra sân chứ không còn chỉ là tổn thất nhỏ có thể bù đắp được.
Sự "lột xác" của David Moyes
Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của nhà cầm quân người Scotland. Sau vài tháng tự khép mình vào cái "vỏ ốc" và trở nên bảo thủ một cách khó chịu, cuối cùng Moyes đã chịu thay đổi theo chiều hướng tích cực. Sự "phá cách" so với chính bản thân ông trong tư duy, suy nghĩ đã mang đến cho Man Utd một diện mạo khác. Ngoài điều chỉnh lối chơi cho phù hợp thì Moyes không còn giữ cái quan điểm "đề cao tính an toàn" (từ đầu màu, chỉ cần có bàn dẫn trước, Man Utd lập tức chuyển ngay sang trạng thái "bảo vệ thành quả", đôi khi còn rất tiêu cực), mặc chi Man Utd chỉ cần không thua là thành công. Bất chấp phải chơi trên sân khách, Man Utd không còn tiếp cận trận đấu đầy thận trọng xen lẫn sợ sệt theo cung cách một đội bóng nhỏ. Thay vào đó, họ chủ động tạo sức ép, áp đặt lối chơi, mạnh dạn triển khai tấn công lên phần sân đối phương. Kể cả khi có bàn thắng, Man Utd không còn lùi về tập trung vào phòng ngự, thậm chí sẵn sàng nhường lại thế trận cho đối phương mà vẫn duy trì áp lực từ giữa sân, đều đặn tổ chức lên bóng với sự tham gia của số đông, qua đó Leverkusen chẳng những không thể bật lại mà luôn phải đối diện với nguy cơ bị thủng lưới. Bên cạnh đó, Man Utd đã biết tạo sự biến hoá trong nhịp độ thi đấu, lúc nhanh lúc chậm cũng như đa dạng hơn trong cách tấn công chứ không giữ một "vận tốc" đều đều đến nhàm chán trong suốt cả trận hay quanh đi quẩn lại chỉ là mấy bài xuống biến "vớ vẩn". Tất nhiên, so với khi Sir Alex còn dẫn dắt, thì Man Utd phiên bản David Moyes vẫn còn khiếm khuyết nhưng ít ra đã có sự biến chuyển đáng kể, gần đúng với dánh dấp của một ông lớn. Bởi thế, sau trận đấu, Moyes mới mạnh mồm tuyên bố Man Utd chưa thể hiện hết sức mạnh vốn có. Rõ ràng, chỉ cần người thuyền trưởng biết "vận động" và thay đổi bản thân thì Man Utd thừa sức có được những thắng lợi vẻ vang.
Bảo Phương - Bongda24h.vn