- Tứ kết World Cup 2014: Không chào đón những kẻ yếu tim
- Nỗi cô đơn của Messi trong màu áo Argentina
- Hướng tới tứ kết World Cup: Nín thở chờ đại chiến
Thế giới xích lại gần nhau hơn
Có tới 5/8 trận đấu ở vòng 1/8 không thể phân định thắng thua trong 90 phút (2 trận phải giải quyết thắng thua bằng loạt sút penalty cân não). Trong lịch sử World Cup, chưa bao giờ vòng đấu này diễn ra căng thẳng tới vậy. Điều đó cho thấy khoảng cách về trình độ giữa những nền bóng đá trên thế giới ngày càng bị thu hẹp. Những đội tuyển yếu như Algeria, Nigeria không tỏ ra hề lép vế trước những đối thủ lớn hơn rất nhiều như Đức hay Pháp. Thậm chí, một trong những đội bóng bị đánh giá yếu nhất giải như Costa Rica (dựa trên tỷ lệ vô địch) lại hiên ngang tiến vào tứ kết với lối chơi đầy thuyết phục. Chính những điều này hứa hẹn vòng tứ kết sẽ diễn ra vô cùng hấp dẫn.
Brazil chỉ vào tứ kết nhờ khả năng bắt 11m của thủ thành Julio Cesar |
Những ứng cử viên vô địch đua nhau gây thất vọng
Trái ngược với sự vươn lên của những đội bóng yếu, 3 ứng cử viên hàng đầu cho vô địch như Brazil, Argentina và Đức đều thi đấu không thành công ở vòng đấu này. Trong đó, Brazil phải nhờ tới loạt sút luân lưu để vượt qua Chile sau 120 phút đầy thất vọng. Họ đã thể hiện lối chơi vô cùng bế tắc, thậm chí, nếu không có thần may mắn, Selecao đã bị loại khi chân sút Pinilla của Chile đã sút dội xà ngang trong những phút cuối hiệp phụ. ĐT Đức cũng vậy. Trước Algeria thi đấu đầy hưng phấn, đoàn quân của HLV J.Low đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Hàng công không tìm được tiếng nói chung trong khi đó, hàng thủ lại mắc quá nhiều sai lầm. Sau trận đấu, cựu tuyển thủ Ballack đã thừa nhận đây là ĐT Đức tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Argentina không trình diễn bộ mặt sáng sủa hơn. Dù ép sân trước Thụy Sĩ nhưng lối chơi phụ thuộc quá nhiều vào Messi đã khiến họ lâm vào bế tắc trầm trọng. Rất may, El Pulga đã tỏa sáng để đưa Albiceleste vào tứ kết. Tuy nhiên, họ không thể mãi dựa dẫm vào tiền đạo này được. Một đội bóng mạnh khác là Hà Lan cũng gây thất vọng. Rất may, trong thế trận không nổi bật trước Mexico, họ vẫn có cá nhân biết tỏa sáng như Sneijder, Robben để tạo nên màn lội ngược dòng không tưởng.
Dấu ấn của các thủ môn
Ở vòng đấu này, Tim Howard đã lập kỷ lục ở World Cup khi cản phá tới 15 cú dứt điểm của ĐT Bỉ. Tuy nhiên, anh cũng không phải là người gác đền duy nhất tạo được dấu ấn ở vòng 1/8. Những David Ospina (Colombia), Keylor Navas (Costa Rica), Guillermo Ochoa (Mexico), Manuel Neuer (Đức), Diego Benaglio (Thụy Sĩ) hay Rais M'Bolhi đều xứng đáng được vinh danh. Bên cạnh những yếu tố chuyên môn, nhiều người cho rằng, sở dĩ thủ môn lên ngôi ở World Cup này là do trái bóng Brazuca quá “hiền”. Nó không tạo ra những quỹ đạo khó lường như ở kỳ World Cup gần đây.
Cái tài của Van Gaal
Van Gaal chính là HLV được ca ngợi nhiều nhất ở vòng 1/8. Những quyết định thay đổi người (Huntelaar thay Van Persie), chiến thuật vô cùng hợp lý của ông trong trận đấu với Mexico đã giúp Hà Lan tạo nên màn lội ngược dòng ấn tượng. Báo giới Anh đã dùng thuật ngữ “Van Gaal time” (tương tự như Fergie Time) để nói về cuộc lật đổ trong vòng 60 giây của Hà Lan. Bên cạnh yếu tố may mắn, rõ ràng, Van Gaal đã cho thấy được sự nhạy cảm và khả năng đọc trận đấu rất tốt, như những gì Sir Alex đã làm ở MU trong những năm qua. Do đó, họ luôn có duyên với những phút cuối.
Luật “Cooling Break” - thuốc tiên của các đội bóng
Nhiệt độ quá khắc nghiệt ở Brazil đã khiến những đội tuyển tiêu hao sức lực lớn. Do đó, FIFA đã quyết định áp dụng luật “Cooling Break” (nghỉ tránh nóng) ở World Cup này. Nó đã xuất hiện ở trận đấu giữa Hà Lan và Mexico. Đây thực sự là “thuốc tiên” với các đội tuyển. Bên cạnh đó, quãng thời gian nghỉ ngơi trong hiệp đấu cũng giúp những HLV có thay đổi chiến thuật. Chính HLV Van Gaal đã thừa nhận rằng ông đã quyết định thay đổi “phương án B” trong giờ nghỉ “Cooling Break” và giúp Hà Lan lội ngược dòng ấn tượng trước Mexico.
Theo Dân Trí