- M.U quyết “bạo chi” 37 triệu bảng vì Draxler
- Blind tiết lộ nguyên nhân giúp M.U chơi tốt trong thời gian qua
- Antonio Valencia: Thương binh thứ 9 tại M.U
Giai đoạn khởi động Premier League mùa giải năm nay, giới mộ điệu đã được chứng kiến sự lên ngôi mạnh mẽ của sơ đồ 4-3-1-2, hay còn gọi là 4-4-2 kim cương với một số đại diện tiêu biểu như Man Utd hay Liverpool
Dưới đây, sẽ là một số phân tích về ưu, nhược điểm của hệ thống này so với phong cách 4-2-3-1 vốn đã hết sức phổ biến tại châu Âu trong suốt nhiều năm qua.
Nhìn chung, sơ đồ 4-3-1-2 bao giờ cũng ưu tiên tập trung số đông nhân sự ở khu vực giữa sân. Với ba tiền vệ, luôn có một cầu thủ đá thấp nhất ngay sát hàng phòng ngự đội nhà. Vai trò của tiền vệ “mỏ neo” này sẽ tùy thuộc vào lối chơi của từng đội bóng (hoặc phòng ngự, hoặc tổ chức, hoặc cả hai) mà ứng biến linh hoạt theo nhiều thời điểm khác nhau. Trong khi đó, hai tiền vệ còn lại sẽ chơi cơ động, lên xuống liên tục như “con thoi”, vừa hỗ trợ tấn công, vừa tham gia phòng ngự. Ngoài ra, với hệ thống 4-3-1-2, đội bóng vẫn duy trì được sức ép đáng kể lên hàng thủ đối phương nhờ việc sử dụng hai tiền đạo ở phía trên…
Liverpool là một đội bóng cực kỳ thành công dưới sơ đồ 4-3-1-2 |
1.Đảm bảo khả năng tranh chấp ở khu trung tuyến
Sử dụng tới ba tiền vệ trung tâm, đương nhiên sơ đồ 4-3-1-2 sẽ mang lại lợi thế cho các đội bóng trong khả năng giao tranh ở giữa sân. Đối với vị trí tiền vệ “mỏ neo” đá thấp nhất, cầu thủ này gần như luôn lùi sâu bên phần sân nhà, qua đó đảm bảo khả năng đánh chặn cũng như chủ động phòng ngự từ xa. Khác với 4-2-3-1, trong một số trường hợp, cả hai tiền vệ trung tâm nếu như không chú ý quan sát bọc lót cho nhau đều rất dễ dâng cao đồng thời và để lộ ra các khoảng trống.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, việc duy trì một tiền vệ trụ chơi thấp sẽ hạn chế đi rất nhiều khả năng hoạt động của cầu thủ “số 10” bên phía đối phương. Trong hệ thống 4-2-3-1, vai trò theo kèm cầu thủ hộ công này không trực tiếp thuộc về ai cả, do đó, một số thời điểm có thể dẫn tới “lẫn lộn” vị trí và để lọt người. Mặt khác, với ba tiền vệ giăng ngang trước hàng thủ khi tổ chức phòng ngự, tuyến dưới sẽ được “che chắn” một cách an toàn hơn (3 lớn hơn 2). Khi đó, đội bóng chơi với sơ đồ 4-3-1-2 cũng có thể tạo ra hai lớp phòng ngự hết sức chắc chắn trước khung thành.
2.Các tiền vệ tấn công thi đấu linh hoạt hơn
Về lý thuyết, hai tiền vệ “con thoi” sẽ di chuyển lên xuống dọc theo trục giữa sân nhưng hơi lệch sang hai bên một chút. Tuy nhiên, trong hệ thống 4-3-1-2, đội bóng không sử dụng các tiền vệ chạy cánh thuần túy, một điểm khác biệt rất lớn so với 4-2-3-1. Điều này cũng đồng nghĩa rằng các khoảng trống ở hai biên là tương đối nhiều. Chính bởi vậy, trong một số tình huống tấn công, các tiền vệ trung tâm lệch cánh hoàn toàn có thể di chuyển rộng hơn để khai thác phần không gian này. Vô hình chung, điều này sẽ kéo giãn tuyến giữa của đối phương và tạo điều kiện cho cầu thủ “số 10” ở khu vực trung lộ có thêm nhiều cơ hội xâm nhập vòng cấm.
Ander Herrera |
Một ví dụ tiêu biểu cho phong cách đá tiền vệ trung tâm nhưng thường có xu hướng dạt biên chính là Angel Di Maria, tân binh của M.U ở kỳ chuyển nhượng Hè vừa rồi. Phần lớn các tình huống đi bóng của ngôi sao người Argentina đều xuất phát từ cánh trái, thậm chí còn lấn ra tới sát đường biên dọc. Đối với những đội bóng chơi 4-2-3-1, đây chính là khu vực nằm giữa vị trí của tiền vệ cánh, hậu vệ cánh và tiền vệ trung tâm. Do đó, sẽ không có cầu thủ nào chủ động theo kèm, và hệ quả là Di Maria cũng có thêm thời gian cũng như khoảng trống để đưa ra các tình huống xử lý của mình. Rõ ràng, trong sơ đồ 4-3-1-2, tuy xuất phát là hai vị trí tiền vệ trung tâm nhưng các cầu thủ “box-to-box” này có thể hoạt động cực kỳ linh hoạt, phụ thuộc vào từng thời điểm trên sân. Điều này vừa mang lại sự biến hóa cho lối chơi tấn công của đội bóng, vừa khiến đối thủ trở nên khó khăn hơn trong việc tổ chức phòng ngự.
3.Duy trì được sức ép cần thiết
Rõ ràng, với sự xuất hiện của hai tiền đạo trên sân, điều này cũng là điều tương đối dễ hiểu. Trên thực tế, không phải bất kỳ thời điểm nào, cả hai mũi nhọn cũng xuất hiện thường trực trong khu vực cấm địa. Thay vào đó, các “số 9” này sẽ di chuyển một cách khá tự do, thường là chủ động dạt sang hai cánh, vừa để tạo ra sự liên kết với hàng tiền vệ, mặt khác cũng tác động lên các hậu vệ biên bên phía đối phương. Khi đó, những điểm yếu do không sử dụng tiền vệ cánh (trong sơ đồ 4-3-1-2) sẽ phần nào được hạn chế đi rất nhiều. Ngoài ra, việc các tiền đạo chơi cơ động cũng dễ khiến cho hàng thủ đối phương mất tập trung và gặp khó khăn khi theo kèm, đặc biệt là với các trung vệ.
Van Persie và Falcao thường xuyên có xu hướng dạt cánh để tạo khoảng trống |
4.Vai trò của “số 10”
Đối với sơ đồ 4-3-1-2, cầu thủ “số 10” có lẽ chính là mắt xích được thi đấu tự do nhất trên hàng công. Không cần phải tham gia quá nhiều nhiệm vụ phòng ngự, tiền vệ này có thể dâng cao hoặc lùi sâu tùy theo từng thời điểm, khiến đối phương rất khó nắm bắt. Khi mà đội bóng sử dụng tới hai tiền đạo ở phía trên, cũng có nghĩa là trách nhiệm ngăn cản vị trí hộ công này đương nhiên sẽ thuộc các tiền vệ phòng ngự. Giả sử, với hệ thống 4-2-3-1, sẽ là hai tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hai cầu thủ này hoàn toàn có thể vì quá ham dâng cao mà dễ dàng bỏ quên cầu thủ “số 10”. Mặt khác, trong sơ đồ 4-3-1-2, khi hai trung phong liên tục dạt cánh, khoảng trống để tiền vệ tự do phía sau xâm nhập cũng là rất nhiều.
NAM ANH