Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Những cuộc ra đi bất thành nổi tiếng nhất trong lịch sử của giới HLV

Thứ Hai 26/07/2010 17:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Hiện tại, trong mỗi kỳ chuyển nhượng, không chỉ có các cầu thủ mà ngay cả những chiến lược gia cũng là một đề tài hấp dẫn trên các mặt báo. Bởi sự thành bại của một CLB, một ĐTQG phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của nhà cầm quân. Thậm chí cũng phải tìm được một con người phù hợp, có "nhân duyên" (không có nhiều những HLV làm việc ở đâu cũng thành công). Dưới đây là những cuộc "hôn phối" bất thành giữa HLV và CLB (ĐTQG) mà nếu nó trở thành sự thật thì có lẽ lịch sử bóng đá thế giới đã được viết lại

1. Johan Cruyff (Đội tuyển Hà Lan, 1994)

Thành tích của Hà Lan tại WC 1994 có thể đã khác nếu được Johan Cruyff dẫn dắt

Thời điểm đó, huyền thoại bóng đá số 1 của đất nước Hà Lan. Johan Cruyff chính là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Nou Camp khi dẫn dắt Barcelona đến những chiến công vĩ đại (4 chức vô địch La Liga, 1 cúp C1, 1 cúp C2, 1 cúp Nhà vua). Thậm chí ông còn được phong "Thánh" của xứ Catalan . Chính vì thế, Liên đoàn bóng đá Hà Lan đã có ý định mời Cruyff về làm việc ở ĐTQG nhằm mục tiêu giành thành tích cao ở World Cup 1994. Về cơ bản, Barca cũng đồng ý cho Hà Lan "mượn" Cruyff một thời gian ngắn tuy nhiên đôi chút vương mắc về chuyện tiền lương đã khiến tất cả đổ vỡ vào phút chót và Dick Advocaat được lựa chọn thay thế. Không ít người hâm mộ Hà Lan đến giờ vẫn còn tiếc rẻ bởi nếu có "phù thuỷ" Johan Cruyff, biết đâu đấy Oranje có thể làm nên chuyện và lần đầu tiên giành chức VĐTG (tại giải năm đó, Hà Lan dừng bước ở tứ kết sau thất bại 2-3 trước Brazil, đội tuyển sau này đăng quang)

2. Alex Ferguson (Arsenal, 1986)

"Đế chế" MU liệu có được xác lập nếu Sir Alex không có mặt ở đây vào năm 1986

MU chưa chắc đã trở thành kẻ thống trị đảo quốc sương mù trong suốt nhiều năm qua nếu như Alex Ferguson không thể xuất hiện ở Old Trafford vào tháng 11 năm 1986 bởi một lý do: đồng ý tới thành London theo lời mời của Arsenal đưa ra vài tháng trước đó. Hồi ấy, Arsenal mới là đội đầu tiên quan tâm đến Alex Ferguson sau khi ông thành công nơi quê nhà cùng CLB Aberdeen (3 chức VĐQG và 1 cúp C2). Họ muốn mời Ferguson về làm HLV trưởng và George Graham làm trợ lý tuy nhiên, lúc đó, "Ngài máy sấy" đã quyết định dành hết tâm trí cho ĐT Scotland chuẩn bị tham dự World Cup 1986 nên đã xin Arsenal hoãn lại cho đến sau giải đấu thì mới quyết định. Tuy nhiên, Arsenal đã không chịu chờ đợi và từ chối thẳng thừng đề nghị của ông. Và George Graham đã đổi đời: từ vị trí trợ lý nhảy thẳng lên HLV trưởng. Nhờ sự thiếu kiên nhẫn của Arsenal mà MU mới có cơ hội mời Alex Ferguson về dẫn dắt để từ đó, những trang sử huy hoàng nhất của "Quỷ đỏ" bắt đầu được mở ra. Trong câu chuyện này, rõ ràng phải nhắc đến chữ "duyên". Vì không có gì đảm bảo tại Arsenal, Sir Alex sẽ thành công vang dội như ở MU (nên nhớ, trong những năm đầu tiên, ông đã gặp vô vàn khó khăn song với sự ủng hộ tuyệt đối của ban lãnh đạo và người hâm mộ, ông từng bước tạo dựng nên đế chế MU chinh phạt nước Anh và châu Âu).

3. Jose Mourinho (Liverpool, 2004)

Giờ đã thấy tiếc vì không mời Mourinho chưa, Liverpool?

Nếu nói Liverpool không có "tầm nhìn xa trông rộng" thì cũng chẳng sai tẹo nào trong trường hợp này (có lẽ đó cũng là một lý do giải thích vì sao suốt hơn 2 thập kỷ qua, họ không còn biết cách giành chức VĐQG). Trở lại quá khứ, vào tháng 3 năm 2004, người đại diện của Jose Mourinho (lúc đó vẫn còn "vô danh") đã từng liên hệ với Liverpool về khả năng chuyển đến làm việc ở đội bóng trong mùa giải mới. Song ban lãnh đạo The Kop có vẻ không khoái Mourinho cho lắm và thích Gerard Houllier hơn (sau đó chiến lược gia người Pháp cũng tới Anfield và mang về ... 1 cúp UEFA). Hai tháng sau, Liverpool mới nhận ra mình quá "ngu" và "nông cạn" khi chứng kiến Mourinho đưa Porto tới danh hiệu vô địch Champions League. Họ lập tức nối lại liên lạc với ông nhưng tất cả đã quá muộn. Mourinho vừa tự ái vì đã bị từ chối vừa nhận được lời mời chân tình và kính trọng từ chủ tịch Roman Abramovich (mới tiếp quản Chelsea chưa lâu) nên đã lựa chọn thủ đô London thay vì thành phố Liverpool. Với Mourinho tài ba trên băng ghế huấn luyện, The Blues đã chấm dứt được cơn khát danh hiệu kéo dài suốt 50 năm. Nếu đặt ra câu hỏi ở Liverpool, liệu "Người đặc biệt" có thành công như vậy? Có thể lắm chứ bởi Mourinho đã được coi là Vua Midas trong thế giới bóng đá (chạm vào đâu, chỗ đó biến thành vàng).

4. Brian Clough (ĐT Anh, 1977)

Vì sự bảo thủ, FA đã ló ngơ Brian Clough

Clough được giới chuyên môn thừa nhận là một trong những chiến lược gia xuất sắc nhất mà bóng đá Anh từng sản sinh ra. Ông đã đưa Nottingham Forest, một đội không phải thuộc diện đại gia của xứ sở sương mù tới 1 chức VĐQG và 2 cúp C1 vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Và ít ai biết được một sự thật đau lòng rằng chính sự bảo thủ của Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã giết chết cơ hội của Clough ở đội tuyển quê hương và Tam sư cũng chẳng thể có được một con người tài ba dẫn dắt. Năm 1977, FA và Clough đã có buổi đàm phán về chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh. Clough yêu cầu được toàn quyền ở ĐT và sẽ làm mọi thứ theo ý thích song FA không chấp nhận mà muốn can thiệp. Không bên nào chịu thoả hiệp và FA đã tìm người khác. Thậm chí về sau, khi Sir Bobby Robson mong muốn bổ nhiệm Brian Clough làm trợ lý cho mình trong thời gian dẫn dắt tuyển Anh, FA cũng lắc đầu từ chối vì chưa hết "cay cú" vị HLV giỏi giang này.

5. Christoph Daum (ĐT Đức, 2000)

May cho người Đức khi scandal của Christoph Daum được phát hiện kịp thời

Thời gian đó, Daum được coi là nhà cầm quân hàng đầu nước Đức và được Liên đoàn bóng đá nước này (DFB) mời vào chức vụ HLV trưởng Mannschaft nhằm cải tổ đội tuyển sau thất bại ở Euro 2000. Khi mọi việc chuẩn bị xong xuôi, tờ thể thao hàng đầu nước Đức, Kicker đã cho đăng bài báo tiết lộ nhiều sự thật kinh hoàng về Daum: gian lận thuế, sử dụng ma tuý, tham gia vào nhiều cuộc chơi bời trác táng,...Dĩ nhiên Daum một mực phủ nhận các cáo buộc này và sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc điều tra để chứng minh sự trong sạch. Còn DFB vì danh dự và hình ảnh quốc gia cũng như sự phản đối của dư luận đã buộc phải thay đổi ý định: đưa cựu tiền đạo Rudi Voeller lên làm HLV trưởng. Và họ quả thực đã gặp may. Voeller giúp ĐT Đức lọt vào chung kết World Cup 2002 trong khi Daum cuối cùng chẳng thể che giấu được nữa và phải thừa nhận đã dùng ma tuý nhiều lần.

6. Luiz Felipe Scolari (ĐT Anh, 2006)

Nếu có Scolari, liệu ĐT Anh có khá khẩm hơn

Sau khi Sven Goran Eriksson ra đi vào năm 2006, FA đã coi Big Phil là ứng cử viên số 1 cho chiếc ghế nóng ở Tam sư (tại World Cup 2006, chính Bồ Đào Nha là đội loại Anh ra khỏi giải đấu ở vòng tứ kết). Một phái đoàn của FA đã được cử tới Bồ Đào Nha để đàm phán với HLV người Brazil, từng đưa Selecao tới chức vô địch World Cup 2002. Trong khi Scolari vẫn chưa quyết thì giới truyền thông Anh với thói quen "xoi mói" quen thuộc đã vây kín nhà ông để săn thông tin, khiến Scolari tức giận và từ chối vì không thích bị quấy rầy. Nếu có Scolari thì bét ra, ĐT Anh cũng phải giành được một suất tham dự Euro 2008 chứ không phải ngậm ngùi chứng kiến giải qua tivi do Steven McClaren dẫn dắt ĐT quá tệ. Tuy vậy, 2 năm sau, Scolari vẫn tới nước Anh làm việc ở Chelsea nhưng không thật sự thành công và phải ra đi sau nửa mùa giải.

7. Fabio Capello (Barcelona, 2000)

Fabio Capello đã từ chối cơ hội tới Barcelona

Những năm đầu của thế kỷ 21, Barcelona đã trải qua thời kỳ đen tối. Cụ thể vào cuối năm 2000, họ bị loại khỏi Champions League ngay ở vòng bảng còn ở La Liga, không cạnh tranh nổi so với các đối thủ (Real Madrid, Valencia). Chính vì thế, họ muốn một người đủ xứng đáng để giải quyết tình trạng khó khăn và Capello được nhắm đến sau những gì Don Fabio đã giành được trong quá khứ (trước đó, từng làm việc ở Real Madrid trong 1 năm và giúp đội bóng vô địch La Liga 1996-1997). Tuy nhiên, họ đã không thuyết phục nổi Capello bởi khi ấy, ông đang mải mê với những tham vọng to lớn ở AS Roma. Kết cục, Barca chấm dứt mùa giải 2000-2001 trong nỗi thất vọng (cũng phải chờ đến tận mùa bóng 2004-2005 nhờ Frank Rijkaard, họ mới chấm dứt được cơn khát danh hiệu) còn năm đó, Capello đưa AS Roma đến Scudetto thứ 3 trong lịch sử.

8. Bob Paisley (CH Ai Len, 1986)

Bob Paisley: Huyền thoại ở Liverpool. chắc gì đã thành công ở ĐTQG

Cho đến năm 1986, CH Ai Len chưa từng giành quyền tham dự bất cứ một giải đấu lớn nào của thế giới. Vì thế, họ đặt ra quyết tâm thay đổi thành tích nghèo nàn này mà công việc đầu tiên là lựa chọn một chiến lược gia đủ tài nắm giữ ĐTQG. Và cuối cùng chốt lại ở 2 ứng cử viên: Bob Paisley, HLV vĩ đại nhất trong lịch sử Liverpool sau khi đưa đội bóng vùng Merseyside đến hàng loạt danh hiệu cao quý (6 chức VĐQG, 3 cúp C1) và Jack Charlton, nhà VĐTG tại World Cup 1966 nhưng chưa có bất cứ một thành tựu nào trong nghề HLV tính đến thời điểm đó. Để công bằng, Liên đoàn bóng đá Ai Len quyết định tổ chức bỏ phiếu kín để chọn ra một người duy nhất nắm ĐT. Thật bật ngờ khi Jack Charlton hơn Paisley đúng 2 phiếu và nghiễm nhiên trở thành HLV trưởng. Và càng bất ngờ hơn nữa khi con người kém danh tiếng hơn đã thành công vượt qua sự mong đợi khi trong 9 năm làm việc, Jack Charlton đã đưa ĐT nước này không chỉ 1 lần mà tới 3 lần được tham dự các giải đấu lớn (2 World Cup, 1 Euro).

9. Guus Hiddink (Ajax, 2008)

Vì tình yêu với PSV, Guus Hiddink từ chối Ajax

Năm 2008, đội bóng giàu truyền thống nhất Hà Lan đã định mời người đồng hương quá nổi tiếng, Guus Hiddink về dẫn dắt nhằm giúp Ajax trở lại ngôi đầu của giải VĐQG sau hơn 5 năm đợi chờ trong mòn mỏi. Tuy nhiên, Hiddink luôn cực kỳ yêu quý và tôn trọng PSV Eindhoven, đại kình địch của Ajax vì thế ông đã từ chối để tránh làm mất lòng đội bóng cũ. Thất bại, Ajax đành chuyển sang "phương án B" Marco Van Basten thế nhưng cựu tiền đạo này cũng như những người về sau dẫn dắt Ajax đều không thể giúp CLB toại nguyện.

10. Sven Goran Eriksson (ĐT Thuỵ Điển, 2009)

Vấn đề tiền bạc khiến Eriksson quay lưng lại với ĐTQG

Là một người Thuỵ Điển chính hiệu nhưng có vẻ Eriksson không mấy mặn mà với tổ quốc. Không dưới 1 lần, Eriksson bỏ ngoài tai lời mời tha thiết về làm HLV trưởng ĐTQG mà lần gần nhất vào năm 2009 khi Thuỵ Điển ráo riết tìm người thay thế Lars Lagerback. Dĩ nhiên cái tên Eriksson được nhắc đến đầu tiên nhưng rốt cục, họ chỉ nhận được cái lắc đầu bởi một lý do: thuế thu nhập cá nhận ở Thuỵ Điển quá cao khiến số tiền thực nhận của Eriksson không đáng là bao trong khi lúc đó, Notts County, một đội hạng 2 của Anh đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn hơn nhiều. Không có một người tài năng và lắm kinh nghiệm như Eriksson, Thuỵ Điển chẳng thể đủ sức giành quyền tham dự VCK World Cup 2010. Chẳng hiểu Eriksson có chút nào mảy may động lòng khi chỉ về chút lợi nhỏ nhen mà quên đi Tổ quốc.

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X