Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ vụ bạo loạn sân Marassi: Đâu chỉ là vấn đề của Serbia

Thứ Sáu 15/10/2010 14:02(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vụ bạo loạn tại sân Marassi hôm 12/10 vừa qua, khiến trận Italia – Serbia trong khuôn khổ Vòng loại EURO 2012 bị hủy bỏ, một lần nữa phơi bày khả năng kiểm soát an ninh kém cỏi của các đơn vị quản lý bóng đá Italia.

Tên cầm đầu vụ bạo loạn đã bị bắt cùng với 16 kẻ đồng phạm. Ivan Bogdanov, 30 tuổi, từng là lính trong quân đội Serbia và cực đoan chính trị đến mức đã xăm lên cánh tay của mình con số 1389 – năm diễn ra cuộc chiến giữa người Serbs và người Turks ở Kosovo khiến Serbia mất vùng đất này vào tay đế quốc Ottoman – bình thản tuyên bố: “Tôi không có chuyện gì với Italia, mà chỉ với đội bóng của tôi”. Những gì Ivan đã làm trên hàng rào ngăn ở sân Marassi cho thấy hắn nói đúng, nhưng việc hàng trăm cảnh sát Italia để mặc một mình tên này hủy hoại cả một sự kiện thể thao quan trọng được chờ đợi chứng tỏ một điều: Italia có vấn đề với chính họ.

Những kẻ nổi loạn cần phải được bắt giữ từ trước hay trong sự cố, chứ không phải là sau khi sự cố diễn ra nhiều giờ

“Tôi có một câu hỏi: Ai đã cho phép những kẻ phá hoại đó có mặt ở Italia và ai cho phép chúng mang vũ khí, pháo sáng, bom khói vào sân?” – Thị trưởng thành phố Genova, ông Marta Vincenzi, đã phát biểu đầy bức xúc – “Trong nhiều giờ liền, hàng trăm kẻ mà không thể gọi là cổ động viên, đã tập trung lại và gây náo loạn trên đường phố. Chúng có vẻ muốn băm mọi thứ ra thành mảnh vụn. Tôi đã nhìn thấy tình trạng hết sức kích động, nhưng cảnh sát dường như đã không làm gì để ngăn chặn ngay cả khi tôi có liên hệ với họ về việc này”.

Câu hỏi trên không chỉ của Vincenzi, mà của tất cả những ai quan tâm đến vụ này. Được biết, ngay từ 9h sáng ngày 12/10, tức 11 tiếng đồng hồ trước khi trận đấu diễn ra, đã có rất nhiều fan Serbia uống rượu say và quậy phá. Trong khi đó, Roberto Massucci, người phát ngôn của cơ quan nội vụ có trách nhiệm đảm bảo anh ninh cho trận đấu này, lại thản nhiên trả lời rằng: “Chúng tôi bỏ qua công tác kiểm tra cá nhân nhằm giúp các CĐV Serbia vào sân thật nhanh, tránh xảy ra đập phá ở các khu vực khác của thành phố. Điều bất lợi ở đây là sân Marassi nằm giữa khu trung tâm, nên chúng tôi không khoanh vùng được khu vực để kiểm soát tốt hơn tình hình” (!!!).

Chịu trách nhiệm chính trong sự cố này chắc chắn sẽ là phía Serbia, nhưng phía Italia cũng khó tránh khỏi những hình phạt từ UEFA, cho dù có thể chỉ ở mức cảnh cáo, do đã không đánh giá được nguy cơ xảy ra bạo loạn và công tác trấn áp cũng thiếu hiệu quả. Đấy chính là một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây. Vụ ẩu đả đã khiến cảnh sát Filippo Raciti thiệt mạng tháng 2/2007, các vụ bạo loạn trước và sau cái chết của Gabriele Sandri tháng 11/2007 hay vụ gây rối của các tifosi Napoli khiến cả hệ thống đường sắt đình trệ hồi tháng 8/2008 chắc chắn đã không xảy ra nếu Italia có những biện pháp ngăn ngừa tốt như cách làm của các quốc gia khác, nhất là Anh, lãnh địa của hooligan. Thế mà Italia cũng có một cơ quan chuyên đánh giá nguy cơ xảy ra bạo loạn (CASMS), với chức năng chính là… đưa ra cảnh báo khiến các khán đài bị đóng cửa, thay vì tạo ra hòa bình trên đó.

Điều đáng nói là mới đây, khi Italia dự định áp dụng “Thẻ CĐV”, hình thức quản lý khán giả đến sân theo thông tin cá nhân như ở Premier League, thì không chỉ giới hâm mộ mà ngay cả các cầu thủ có uy tín cũng kịch liệt phản đối, với lý lẽ: “Chúng tôi/họ đến sân xem thể thao hay vào đồn cảnh sát mà phải xuất trình mọi thông tin về mình?”. Đấy là lý do để trong khi người Anh hồ hởi nhân sự kiện này mà tự hào về thành tích dẹp tan nạn hooligan trong 2 thập kỷ qua và tự tin về cơ hội đăng cai World Cup 2018 “an toàn đến từng sợi tóc”, thì giấc mơ được đăng cai một giải đấu lớn càng thêm hão huyền với Italia. Họ không chỉ đang có cơ sở hạ tầng cũ nát, những cách làm cũ nát, mà có cả những suy nghĩ cũ nát...
 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X