Premier League vẫn được biết đến là giải đấu “sùng ngoại” bởi ở đây luôn tràn ngập ngôi sao nước ngoài trong khi những cầu thủ bản địa thì vô cùng hiếm hoi. Nhưng LĐBĐ Anh (FA) cũng như các CLB đang muốn thay đổi thực tế này, bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ, để tìm ra những Wayne Rooney hay Steven Gerrard mới.
Man City, vốn vẫn được coi là CLB giàu nhất thế giới, có đủ khả năng tài chính để mua bất cứ cầu thủ nào mà họ muốn. Tuy vậy, với luật công bằng tài chính của UEFA, họ cũng đã bắt đầu tỏ ra dè dặt trong chi tiêu và tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo trẻ. 100 triệu bảng đã được Man City bỏ ra để đào tạo ra những ngôi sao “cây nhà lá vườn” trong tương lai. Man City chỉ là một ví dụ để thấy rằng các đội bóng Anh đang rất quan tâm tới việc tự tay tạo ra ngôi sao, thay vì bỏ ra cả đống tiền để chiêu mộ những cầu thủ ngoại quốc.
Wilshere, cầu thủ hiếm hoi khẳng định được mình từ đội trẻ ở Anh hiện nay |
Ở cấp độ vĩ mô, Premier League cũng đã bỏ ra tới 350 triệu bảng vào Elite Player Performance Plan (EPPP), một chương trình hỗ trợ hệ thống đào tạo của các CLB được khởi động từ năm 1998. Nhiệm vụ của chương trình này là tạo ra thêm nhiều cầu thủ bản địa hơn nữa, cả về số lượng lẫn chất lượng, như Rooney – một sản phẩm của lò đào tạo Everton, hay Gerrard – cầu thủ trưởng thành từ Liverpool. Họ sử dụng một mạng lưới bao gồm 120 HLV hàng đầu làm việc với 4500 cầu thủ nhí trong tổng số 96 CLB chuyên nghiệp.
Tuy vậy, với bóng đá Anh, đào tạo và sử dụng lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Các đội bóng có thể tạo ra những tài năng trẻ nhưng việc họ có sử dụng hay không lại là một vấn đề khác. Theo Tony Carr, người đã có 30 năm kinh nghiệm đào tạo trẻ ở học viện hàng đầu nước Anh là West Ham, cho rằng dù EPPP có hứa hẹn thế nào thì mấu chốt ở đây vẫn là việc các cầu thủ được đào tạo có cơ hội ra sân ở đội một hay không. Sở dĩ Carr phải đặt ra câu hỏi như vậy là bởi ngày càng có nhiều “mầm non” từ khắp nơi trên thế giới đặt chân tới nước Anh và đe dọa cơ hội ra sân của các tài năng bản địa. Như đội U18 và U21 của Arsenal hiện nay bao gồm cả những cầu thủ sinh ra ở Argentina, Macedonia, Thụy Sĩ, TBN và Đức.
“Điều quan trọng nhất là khi các cầu thủ 18 hay 19 tuổi, họ phải có cơ hội ra sân. Nhưng tôi nghĩ cơ hội này chỉ lớn ở những đội bóng như West Ham. Các CLB sẽ dè dặt hơn nhiều bởi họ còn phải cạnh tranh cho danh hiệu ở Champions League và Premier League nên các tài năng trẻ ít cơ cơ hội. Tôi muốn thấy nhiều cầu thủ Anh hơn nữa ở Premier League bởi nó sẽ khiến ĐTQG mạnh hơn”, Carr, người đã tạo ra những Frank Lampard, Rio Ferdinand, Michael Carrick và Jermain Defoe đánh giá.
Đáng lo ngại hơn, theo Carr, là việc các đội bóng ở Premier League có thể đáp ứng được “quota” của UEFA về số lượng cầu thủ “cây nhà lá vườn” mà mỗi CLB phải đăng ký vào đội hình với những cầu thủ đến từ nước ngoài. “Bạn có thể mang một cầu thủ người TBN 15 tuổi đến Anh, và nếu cậu ta ở lại đội trẻ trong 3 năm, cậu ta sẽ được tính là một cầu thủ do tự tay CLB đào tạo. Đó là một trò gian dối”, Carr phân tích.s
Một con số đáng báo động với bóng đá Anh: theo thống kê hồi đầu mùa này, có tới 62% số cầu thủ đang chơi ở Premier League không phải người Anh, trong khi tỷ lệ cầu thủ người nước ngoài thi đấu ở Liga là dưới 40%. Đây có thể là một lý do giải thích cho thành tích trái ngược của ĐT Anh và ĐT TBN trong nửa thập kỷ trở lại đây.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)