Liệu những ngôi sao như Diego có giúp Serie A lấy lại sự hấp dẫn của mình |
Đấy là Serie A đầu tiên sau 5 năm không có Ibrahimovic, 6 năm không Kaka, 13 năm không Nedved, 14 năm không Ancelotti, 1/4 thế kỉ không Maldini. Calcio mất đi quá nhiều về hình ảnh và chất lượng của nó, nhưng cũng chưa hề thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Đến Milan cũng phải bán đi Kaka để lấp những lỗ hổng tài chính và Berlusconi lần đầu tiên sau nhiều năm nói đến việc cắt giảm quỹ lương. Calcio vẫn nợ 2 tỉ euro, một loạt các CLB lớn ngắc ngoải và làn sóng khủng hoảng tác động nghiêm trọng đến những đội bóng hạng trung và nhỏ. Khi Serie A chỉ còn 1 ngày nữa là khởi tranh, vẫn có tới 3 đội bóng không có nhà tài trợ trên áo đấu (Bari, Bologna, Lazio). Cũng là Bari, Bologna và Roma trong những ngày qua chìm trong vòng xoáy của những lời khẳng định và phủ nhận về việc trao tay cho chủ mới người nước ngoài. Chủ của Catania và Siena cũng không còn đủ khả năng gánh vác đội bóng nữa, khi niềm đam mê bóng đá bị đè nát bởi những nỗi lo lắng về tiền bạc. Ngày nhà đầu tư người Mỹ Tim Barton đổ bộ xuống Bari để chính thức mua CLB, các tifosi của đội bóng miền Nam đã chào đón ông như người anh hùng.
Chỉ còn Moratti chống lại xu thế khủng hoảng. Ông bán đi Ibra để cân bằng thu chi, song lại hứa sẽ mua thêm cầu thủ (Sneijder) và quỹ lương của Inter bằng 4 đội trung bình cộng lại. Nhưng Moratti cũng hiểu rằng Inter không giống như những vòi bơm xăng của tập đoàn nhà ông, khi cuộc khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng gì đến ngành chế xuất dầu mỏ. Tình hình chưa đến nỗi tệ như hè 2003, khi đến chính phủ Italia cũng tìm cách lách luật để cứu một loạt CLB khỏi phá sản, nhưng cơn gió khủng hoảng vẫn thổi ở khắp các hạng dưới. Mùa hè này, có đến 8 CLB ở Lega Pro (Serie C cũ) phá sản. Làm ăn thua kém và những nỗi lo sợ phá sản là lí do khiến Lega Calcio chia tách thành 2, với Serie A và Serie B từ nay đường ai nấy đi, nhưng những nguyên tắc cơ bản của thị trường, trong đó có marketing, xây dựng các chiến lược phát triển trung hạn và dài hạn, vẫn là con số 0 với người Italia. Việc một loạt các CLB Serie A hào hứng nhắc đến các dự án SVĐ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả chỉ là những dự án trên giấy, bởi ngoài Juve tự bỏ tiền túi ra xây, những đội khác đều phải ngửa tay xin tiền nhà nước. Chẳng ai tin rằng trong thời buổi suy thoái kinh tế này, xây SVĐ lại là ưu tiên của một chính phủ lúc nào cũng lủng củng và thiếu ổn định như của Italia.
Sự thật là calcio đã co lại về kinh tế như một quả bóng rách, hậu quả của hơn 20 năm liên tục phát triển quá nóng và làm ăn gian lận. Nhưng nhìn vào thực tế thì làn gió nóng ấy chưa khủng khiếp bằng ở Anh và TBN. M.U nợ 780 triệu euro, Liverpool 410 triệu, Chelsea tới 935 triệu. Cả Liga nợ gần 3 tỉ euro và trước sau gì quả bóng cũng sẽ nổ tung sau khi xẹp xuống như đã xảy ra với calcio, hiện đang ở thời điểm ngấm đòn. Với sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng thất bại của các tifosi, cơn bão rồi cũng sẽ qua và rồi calcio cũng sẽ trở lại, nhưng theo cách nào, cách chờ đợi các nền bóng đá kia nổ tung để rồi vượt lên họ? Chưa thể có câu trả lời, trừ một khẳng định, người Italia đang lui bước trên đất châu Âu và trong mùa bóng gối đầu sang World Cup mà ĐT Thiên thanh sẽ bảo vệ danh hiệu VĐTG, khả năng trắng tay là điều khó tránh khỏi. Nhưng không ai được quên bài học FIAT.
Không ốm yếu, nhưng cũng không được khỏe Lazio là đội có số dư lớn nhất trong bản tổng kết thu chi của các CLB tính đến 30/6/2009 mới được công bố. Trong báo cáo tổng kết tài chính mùa 2007/08 này, Lazio lãi 28,1 triệu euro, đứng trên Napoli (16,8 triệu), Udinese (7,9), Cagliari (2,9), Catania (2,5), Genoa và Samp (1,5). Tất cả các CLB còn lại đều lỗ, nặng nhất là Inter (148,1 triệu), Milan (66,8 triệu) và Juventus (20,8 triệu). Tổng số lỗ của các CLB Serie A mùa 2007/08 đạt 369 triệu euro, tương đương với 23% tổng thu nhập (1,6 tỉ). Số nợ của các CLB Serie A là 2,1 tỉ euro, với 62% trong đó thuộc về 5 CLB lớn nhất: Inter nợ 394 triệu euro, Milan 364 triệu, Juventus 235 triệu, Roma 140 triệu và Lazio 131 triệu. |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)