HLV Allegri có thể sử dụng đồng thời cả bốn ngôi sao tấn công ở Milan hay không là vấn đề đang rất được quan tâm ở calcio hiện nay. Theo nhà cầm quân lão làng Giovanni Galeone, giải pháp hay nhất để làm được điều đó là gạt Pirlo ra ngoài.
Galeone không phải là một chiến lược gia xuất sắc của bóng đá Italia. Trong sự nghiệp huấn luyện 35 năm, ông lão 69 tuổi này chỉ loanh quanh ở các đội hạng dưới và một vài CLB nhỏ ở Serie A. Nhưng không phải vì thế mà ý kiến của ông là không đáng nghe. Ngược lại, trong vấn đề tìm ra lời giải cho bài toán khó “Bộ tứ siêu đẳng” ở Milan lúc này, quan điểm không sử dụng Pirlo của ông là rất có lý, dù rằng gạt tiền vệ mang áo số 21 ra khỏi đội hình Milan cũng không dễ dàng chút nào cho Allegri.
Liệu Pirlo có trở thành "vật tế thần" ở AC Milan cho những tham vọng lớn lao? |
Pirlo là một sản phẩm xuất chúng của Carlo Ancelotti, người đã tạo ra cho bóng đá thế giới một mẫu tiền vệ mới đầy sức tấn công ngay từ vị trí phòng ngự. Dù Pirlo luôn đá ngay phía trên hàng thủ và trách nhiệm đầu tiên của anh là phải đảm bảo không cho cầu thủ đối phương đưa bóng qua, thì anh vẫn được giao nhiệm vụ tạo cơ hội cho đồng đội lập công nhờ có nhãn quan và khả năng chuyền bóng xuất sắc. Vì thế mà anh thường được tính là một cầu thủ tấn công, còn nhiệm vụ phòng ngự luôn được các đồng đội quanh anh đảm nhiệm thay.
Đặt giả thiết Milan đưa ra sân cả bộ tứ Ib-Ro-Pa-Ro và Pirlo vẫn chơi ở vị trí quen thuộc, Milan sẽ có đến 5 cầu thủ chỉ lo tấn công và chỉ có 5 cầu thủ (trừ thủ môn) lo phòng ngự. Đó là tỷ lệ mất cân bằng nghiêm trọng. Nếu chơi như thế trong môi trường bóng đá mà lối chơi phòng ngự phản công đang thịnh hành hiện nay, Milan coi như đã ký vào đơn “xin chết”. Allegri đang áp dụng khá tốt sơ đồ có cả Pirlo và Seedorf đá tiền vệ hỗ trợ cho 3 tiền đạo, về lý thuyết vẫn là có 5 cầu thủ tấn công, song Seedorf thực chất chơi rất thấp và cũng như Pirlo, anh sử dụng khả năng cầm bóng siêu hạng để đảm nhiệm vai trò phòng ngự. Đòi hỏi Robinho hay Pato làm điều đó là không thể, trong khi Ronaldinho sẽ không còn giá trị gì nếu ghìm anh vào vị trí phòng thủ.
Chìa khóa nằm ở Pirlo
Quan điểm của Galeone: “Bỏ Pirlo nghĩa là Milan có thể bổ sung thêm một tiền vệ phòng ngự và đưa vào sân một cầu thủ tấn công. Không cần phải có một tiền vệ kiến thiết nữa ở khu trung tuyến một khi đã có tới 4 ngôi sao hàng đầu kia hoạt động phía trên. Pato có thể đá phía sau Ibrahimovic”. Hoàn toàn có logic. Sơ đồ chiến thuật hợp lý nhất cho Allegri, nếu muốn sử dụng cả 4 tiền đạo hàng đầu, là 4-2-3-1, trong đó Pato, Robinho và Ronaldinho đá hỗ trợ cho Ibrahimovic. Điều bắt buộc trong mô hình này là cặp tiền vệ trung tâm phải cực mạnh trong phòng ngự, nếu có thể hình thể lực tốt nữa thì hoàn hảo. Pirlo không có được những tố chất đó. ĐT Italia từng chơi 4-2-3-1, với Pirlo đá cặp cùng De Rossi, nhưng chưa bao giờ thành công.
Trước đây, ở mùa giải 2002-03, Milan cũng gặp phải bài toán tương tự khi 4 ngôi sao tấn công Rui Costa, Rivaldo, Shevchenko và Inzaghi cùng đòi đá chính. Khi đó, Ancelotti đã phải điều chỉnh sơ đồ thành “cây thông” 4-3-2-1 nổi tiếng cho phép Rui Costa và Rivaldo cùng được đá ở vị trí sở trường phía sau trung phong cắm Shevchenko. Nhưng rồi Rivaldo nhanh chóng bị đào thải, Milan vô địch Champions League với 4-3-1-2 và khi trở lại 4-3-2-1 ở mùa 2003-04 với Kaka đá cạnh Rui Costa, họ giành Scudetto. Trong cả hai sơ đồ đó, Pirlo đều đóng vai trò then chốt, nhưng thực tế là Milan rất hiếm khi đá với cả 4 cầu thủ tấn công, chứ chưa nói đến 4 tiền đạo.
Nói thì dễ, nhưng gạt Pirlo ra khỏi đội hình Milan là điều gần như không thể, sau tất cả những gì anh đã cống hiến cho “Rossoneri”. Ngoài ra, Pirlo vẫn đang chơi tốt và có ảnh hưởng khá lớn trong nội bộ đội bóng. HLV Allegri sẽ phải tìm cách khác, nếu không nỡ “trù ẻo” cho Pirlo dính chấn thương dài ngày.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)