Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Milan tiến gần đến vòng 1/8: Milan lí tưởng chỉ xuất hiện khi có Real

Thứ Năm 05/11/2009 14:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Đấy là một trận đấu đầy cảm xúc và hấp dẫn từ đầu đến cuối, một màn quảng cáo rực rỡ cho bóng đá giải trí đúng kiểu Berlusconi và Perez vẫn hằng mong Milan và Real của họ làm được để đem về hàng đống euro. Nhưng sau show diễn, điều rút ra được là gì?

6 + 4

Thời của những người lãng mạn kiểu Leonardo đã trở lại. Khi mới chính thức nhậm chức ở Milan hồi tháng 7, vị HLV 40 tuổi người Brazil tuyên bố anh muốn đội bóng của mình chơi với thứ bóng đá hấp dẫn và ngoạn mục như Brazil ở Espana 82. Phải, Leonardo muốn trở thành Tele Santana. Và những gì mà Milan đã thể hiện trong 2 trận đấu cách nhau 2 tuần với Real Madrid có thể Berlusconi hài lòng: Thứ bóng đá ấy tiệm cận với những ý tưởng về bóng đá tấn công mà họ mong đợi. Tấn công và tấn công, bất chấp sự mất cân đối chiến thuật nghiêm trọng mà những bài học vỡ lòng anh đã được dạy trong trại đào tạo HLV của LĐBĐ Italia ở Coverciano.

AC Milan đang thành công với chiến thuật thi đấu mới của Leonardo


Trong hai tuần nay, kể từ chiến thắng trên sân Bernabeu, Leonardo chuyên bố trí Seedorf đá cùng Pato, Ronaldinho và một trung phong cắm (Inzaghi, Borriello hoặc Huntelaar). Không phải 4-3-3, mà như Seedorf nói, 4-2-1-3, cũng có lẽ là 6-0-4. Một sơ đồ chiến thuật cực kì mạo hiểm có thể làm nức lòng những ông chủ thích bán bóng đá để kiếm lợi nhuận từ công nghiệp giải trí hơn là những ai theo tư duy thực dụng thuần túy. Leonardo chia đội bóng thành 2 khối, 6 cộng 4. Đội bóng tổ chức chơi bóng theo 2 tuyến cách nhau một khoảng cách lên tới 40 mét, chờ đợi đối phương tấn công bằng một hàng phòng ngự tương đối thấp. Sau đó, khi đã “nuốt” xong đợt tấn công của đối thủ, họ bắt đầu đe dọa đối phương bằng phản công. Tóm lại, Milan lí tưởng của Leo được xây dựng trên một hàng thủ tỉnh táo, khả năng phản công của cả đội bằng lối đá nhanh ít chạm và phần còn lại nằm ở tài năng của các cá nhân xuất chúng.

Đấy là lí do tại sao tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Milan làm được trong cả 2 trận đấu đều xuất phát từ phản công, một chiến thuật thích hợp nhất nhằm phát huy tốc độ tối đa của Pato và khả năng chiến thuật của Seedorf và Ronaldinho. Đấy là lí do tại sao Ambrosini trở thành một người hùng thực sự ở tuyến giữa, khi lăn xả trong chân các cầu thủ Real, bởi anh cũng không khác Makelele ở một Real đầy rẫy Quả bóng vàng chỉ thích tấn công trước kia của triều đại Florentino Perez I, phải chiến đấu mà hầu như không có đồng đội hỗ trợ trong một khoảng trống mênh mông. Và đấy cũng là lí do tại sao trong vòng nửa tiếng đầu trận đấu, Real đã sút cầu môn tới 15 lần (chỉ 1 bàn được ghi của Benzema) và Milan chỉ sút có 3, nhưng đã có một bàn thắng (từ một quả penalty không hoàn toàn xứng đáng, Ronaldinho), một bàn thắng khác không được công nhận dù hợp lệ của Pato và một pha cản phá của Casillas (cú sút của Pato).

Milan đang phá sức?

Sao không là bàn thắng?

Cuối hiệp 1, Ronaldinho đã phóng một đường chuyền dài để Pato không chế bằng ngực trước, loại bỏ hai hậu vệ Real trước khi sút tung lưới Casillas. Ai cũng nghĩ đó là một bàn thắng, kể cả các cầu thủ Real. Nhưng không hiểu sao, ông trọng tài người Đức Felix Brych lại không công nhận. Có lẽ, ngoài Brych, không ai giải thích được vì sao. Hay ông làm thế để bù cho quả phạt đền có phần hơi nặng tay trước đó, bởi Pepe không chủ định dùng tay cản bóng từ quả tạt của Zambortta. Hơn nữa, bóng cũng đập vào phần bắp tay chứ không phải cẳng tay hậu vệ này.

Điều ấy phơi bầy điểm yếu của Real, và cả những hạn chế của Milan: không kiểm soát nổi trận đấu vì hàng tiền vệ quá mỏng, không có khả năng cầm bóng, khiến họ buộc phải chơi phản công (ngược lại hoàn toàn với nhiều trận dưới thời Ancelotti, bế tắc, chậm chạp và thiếu ý tưởng khi bố trí quá nhiều cầu thủ có khả năng cầm bóng tốt). Sự tỏa sáng của các thủ môn (của Dida nhiều hơn Casillas) trong hoàn cảnh ấy hiển nhiên là điều được chờ đợi. Họ là người sửa chữa những lỗi lầm của cả đội, khi để lộ ra những khoảng trống cho đối phương dứt điểm.

Điều mà tôi có thể khẳng định: Milan có thể chơi hay như thế cả trăm trận, nếu trăm trận ấy đối thủ của họ là một đội bóng được xây dựng trên cùng ý tưởng (với nhiều tiền hơn) như Real. Milan không thể làm được điều ấy trong cả một mùa bóng, vì thể lực không cho phép những ông già trên 30 tuổi hoặc xấp xỉ 30 thực hiện lối chơi tốc độ và phá sức như thế theo nhịp độ 3 ngày một trận.

Trên thực tế, sau chiến thắng ở Bernabeu, Leonardo muốn (Berlusconi cũng muốn) và đã áp dụng lối chơi, tinh thần và chiến thuật 6-0-4 ấy ở Serie A, với những kết quả không giống nhau, với những đối thủ khác nhau: họ thắng Chievo và Parma trong những trận đấu thót tim, với sự xuất thần của Dida, hòa Napoli vì kiệt sức ở những phút cuối sau khi đã ghi 2 bàn trong 5 phút đầu nhờ 2 đợt phản công sắc bén. Điều đó buộc Leonardo phải có những điều chỉnh trong những trận đấu tới, khi đối thủ của Milan không còn là Real. Nếu không, đấy còn hơn là một vụ tự sát...

 
 
 
 

Milan đặt một chân vào vòng 1/8

Milan sẽ vào vòng 1/8 nếu hạ được Marseille trận tới. Một trận hòa cũng không đến nỗi quá tệ, nếu như họ không thua ở Zurich và Marseille không hạ được Real ở trận cuối cùng. Nếu bằng điểm Real và Marseille, Milan sẽ đứng đầu bảng vì hơn đối đầu trực tiếp.

7:  Hòa trận này, Milan đã trải qua 7 trận liên tiếp không thua ở Serie A và Champions League. Lần gần nhất Milan thất bại là ở trận thua Zurich 0-1 hồi đầu tháng 10.

53:  Sau 53 năm, Real Madrid mới ghi được bàn thắng vào lưới Milan trên sân San Siro. Trước đó, Real làm được điều này là ở bán kết lượt về Cúp C1 mùa 1955-56, trong trận thua Milan 1-2. Đây cũng là trận hòa đầu tiên của Milan với Real trên sân nhà ở Cúp C1/Champions League trong lịch sử. Trong 5 lần đá trên sân San Siro trước đó, Real đều thua Milan, lần gần nhất là tháng 11/2002 (0-1), thủng lưới 12 bàn


(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X