Thứ Bảy, 02/11/2024Mới nhất
Zalo

Milan: Nếu mỗi lời quyết tâm là một bàn thắng...

Thứ Tư 10/03/2010 14:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

>>> Chùm ảnh: David Beckham - Ngày trở về Old Trafford
>>> Sir Alex kêu gọi các học trò cẩn trọng
>>> Wenger muốn gặp Chelsea hoặc Manchester tại tứ kết
>>> MU - Milan: Lời nói suông không che lấp được thực tế phũ phàng
>>> "Hùm xám" đi tiếp sau trận thua kịch tính trước Fiorentina
>>> "Dội bom" hạng nặng lên Porto, Arsenal kiêu hùng vào tứ kết
>>> Beckham: Lý trí hay con tim?
>>> Trận MU - Milan lâm vào cảnh "vườn không nhà trống"?

Niềm tin

Không có một HLV xuất sắc cỡ Sacchi, Capello hay Ancelotti, những con người xuất chúng đã đi vào lịch sử Milan với tư cách của những người chinh phục những chiếc Cúp và ghi tên vào sổ vàng CLB với những thắng lợi bất hủ, không có một thiên thần hộ mệnh có thể bùng nổ và đem đến những bàn thắng bằng vàng như Van Basten hay Kaka, Milan chỉ còn biết hướng về Old Trafford với những tiếng nghiến răng ken két, những cú gồng mình lên cơ bắp và những lời hiệu triệu để lên giây cót tinh thần trước khi bước vào trận quyết tử.
 
Sẽ không như thế nếu ở trận lượt đi, Milan không đánh mất nửa trận đấu vào tay đội bóng Anh và trạng thái hôn mê tập thể của hàng tiền vệ và hàng thủ đã dâng chiến thắng cho M.U. 3-2 ở San Siro là một cú sốc kinh khủng và lịch sử cho thấy, việc kiếm tìm ít nhất 2 bàn thắng cách biệt ở Old Trafford là một nhiệm vụ hầu như không thể thực hiện nổi. Nhưng còn tỉ số chiến thắng 3-2 (trong 90 phút, sau đó đá hiệp phụ) hoặc một thắng lợi kiểu 4-3 hoặc 5-4? Real Madrid đã từng hạ M.U 3-2 ở Old Trafford cách đây 10 năm và sau đó vào CK để rồi hạ Valencia 3-0 và đoạt Cúp, còn những tỉ số không tưởng kia không hề tồn tại. Milan, những người làm nên lịch sử Cúp châu Âu đã bị chính lịch sử ngoảnh mặt, mà nếu lịch sử có ủng hộ họ, nó cũng không thể xuống sân chiến đấu bên Milan.

Ronaldinho là niềm hy vọng số 1 của AC Milan tại Old Trafford


Không có gì ngạc nhiên khi giờ đây, dường như đã cạn kiệt với những ý tưởng chiến thuật và những con bài dự trữ hòng tung ra trong những trường hợp cần thiết quá hiếm hoi, Milan bắt đầu một cuộc động viên tâm lí với chính mình. Milan vuốt ve những con cưng của mình và cho các cầu thủ thi nhau xuất hiện trước báo chí để tuyên bố một cách hùng hồn rằng “không gì là không thể”. Berlusconi không chỉ lên báo mà còn xuất hiện trên các kênh truyền hình nhằm động viên Milan, đồng thời chỉ đích danh người mà ông đặt toàn bộ niềm tin cho việc viết nên một thiên huyền thoại nữa của một đội bóng đã già và bảo thủ nhưng chưa chịu cải tổ triệt để: Ronaldinho.

Ba ngày trước đấy, ông cũng ăn trưa cùng đội trước trận gặp Roma. Những động thái đáng chú ý của một chính trị gia hiện đang bận rộn vô cùng những ngày này khi vừa tìm cách tránh né những phiên tòa xét xử ông về tội hối lộ và trốn thuế, vừa căng mình trong cuộc chiến quyền lực và sắp lao mình vào một cuộc bầu cử các vùng trong cả nước vào cuối tháng, cho thấy một chiến thắng của Milan ở Old Trafford là cần thiết đến thế nào với không chỉ đội bóng mà ông làm chủ. Berlusconi cần chiến thắng ấy cho chính ông và với ông, Ronaldinho cũng giống như một lá phiếu bầu cho đảng của ông trong cuộc bầu cử sắp tới này.

"Lá phiếu" Ronaldinho

Chưa bao giờ con át chủ bài người Brazil ấy được tung hô đến như thế. Leonardo chỉ trích Dunga đã không gọi cầu thủ răng hô có cái chân trái tuyệt hảo ấy vào ĐT dự World Cup và ca ngợi rằng anh đã lấy lại phong độ xuất sắc nhất để có thể làm nên những điều khác biệt. Sacchi huyền thoại bảo rằng anh và Pato gợi cho ông nhớ lại những tháng ngày hoàng kim với Gullit và Van Basten. Trong khi đó, chính Ronaldinho, trong một bài trả lời phỏng vấn dài dằng dặc, nói rằng anh “đang lắng nghe tiếng gọi của lịch sử”. Không ai có thể biết chắc được lịch sử có gọi Ronaldinho và Milan thực sự hay không, nhưng điều cần khẳng định là trong cuộc chiến một mất một còn này, khi Milan đã tự đẩy mình vào chân tường và đang chơi trò chơi kích động tinh thần để tạo ra một cú hích lớn vượt ra ngoài mọi khả năng chuyên môn, những sai lầm như đã mắc phải ở trận lượt đi sẽ không được phép lặp lại nữa.

Pato đã được triệu tập cho trận đấu và may ra có thể ra sân từ đầu. Huntelaar sẽ đá cạnh Borriello như đã từng thấy trong thử nghiệm thành công (chỉ thiếu bàn thắng) trong trận đấu với Roma và nhiệm vụ tối thượng không chỉ là ghi 2 bàn thắng mà còn không được để trắng lưới. Liverpool đã từng nã đến 4 bàn vào lưới M.U đúng 1 năm về trước ở Old Trafford (thắng 4-1, 14/3/2009), bởi họ không biết sợ và chiến đấu như thế hôm sau là ngày cuối cùng của đời mình. Milan còn hơn thế. Họ phải chiến đấu không chỉ cho mình, mà còn cả Berlusconi và số phận của calcio ở Cúp châu Âu.

Những ông chủ Milan nhìn sự sa sút của calcio ở Cúp châu Âu trên phương diện đồng tiền. Tiền ít hơn thì thất bại đến nhanh hơn. Galliani bảo, “Năm 1990, thu nhập của Milan gấp rưỡi Barcelona, nên Milan có thể đưa về những ngôi sao như Van Basten. Bây giờ, điều ngược lại đang xảy ra”. Ông chỉ đúng một phần. Những câu chuyện cổ tích không được viết ra bằng tiền hay bằng những lời hô khẩu hiệu của một ông chủ hay một ông HLV. Nó được viết ra bằng tinh thần đồng đội, bằng trái tim cầu thủ. Và cả may mắn nữa.
 
 

Đâu rồi, người lính già Pippo?

Có một câu chuyện đùa về Inzaghi như thế này: Trước trận gặp M.U, anh phát biểu với báo chí, “Nếu ghi bàn thắng trên sân Old Trafford, tôi sẽ không ăn mừng để thể hiện sự tôn trọng với đội bóng cũ...Milan”. Trên thực tế, đấy chỉ là chuyện đùa cợt, nhưng quả thật, Milan với Inzaghi bây giờ không khác gì một đội bóng cũ. 3 mùa bóng qua, mùa xuân nào anh cũng giúp Milan hồi sinh bằng các bàn thắng. Mùa xuân này, chính anh còn giúp nổi chính mình hồi sinh, bởi trong danh sách các tiền đạo đá chính của Leo, không có anh. Borriello luôn là trung phong số 1, và khi Pato không khỏe thì Huntelaar đá chính, hoặc Huntelaar dự bị cho Borriello. Không có Pippo, giờ chỉ còn chơi mỗi trận độ chục phút. Ở tuổi 37, người mà mỗi mùa xuân qua lại cảm thấy không có tuổi giờ nay đã nhận ra mình thực sự già rồi, khi không tồn tại trên sân.

Điều đó khác xa với thời gian đầu giải, với cú đúp anh ghi vào lưới Marseille, 1 bàn thắng và 1 đường chuyền thành bàn ở Napoli, 1 bàn nữa vào lưới Novara ở Cúp Italia, và cuối cùng, 2 đường chuyền giúp Huntelaar ghi 2 bàn vào lưới Catania. Hôm đó là 29/11/2009. Sau đó, không còn gì nữa. Pippo chỉ còn ngồi trên ghế dự bị. Nhưng bây giờ, Leo cần kinh nghiệm và cảm giác ghi bàn của anh trong thời điểm quyết định. Và biết đâu, Pippo, chỉ còn kém kỉ lục ghi bàn ở Cúp châu Âu của Gerd Muller đúng 1 bàn (68 so với 69), sẽ thức dậy, không chỉ với nỗi khao khát phá kỉ lục của Muller mà còn vì sự kiêu hãnh của một con sói già bị tổn thương, sẽ làm nên một điều thần kì nào đó, trong khoảng 20 phút ít ỏi có mặt trên sân?


(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Bayern Munich của Vincent Kompany hay ở đâu, dở điểm nào?

Đứng đầu Bundesliga và bất bại, Bayern Munich dường như đã tiến bộ hơn so với thời Thomas Tuchel. Tuy nhiên, tại Champions League lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược và đáng xấu hổ sau khi đoàn quân của Vincent Kompany phải nhận một thất bại tồi tệ trước Aston Villa (0-1) và một trận thua thảm hại trước Barcelona của Hansi Flick (1-4).

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: "U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!"

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!

Per Mertesacker bóc tách chính sách đào tạo trẻ của Arsenal: "U8 là lứa tuyển trạch quan trọng nhất!"

Bukayo Saka, Ethan Nwaneri, và Myles Lewis-Skelly chia sẻ nhiều nét tương đồng. Dễ nhận ra nhất, cả ba đều là sản phẩm của học viện Arsenal và hiện đang là thành viên đội hình chính dưới sự dẫn dắt của Mikel Arteta. Họ cũng đều thuận chân trái, đa năng, quyết tâm và đầy tài năng.

Xem thêm
top-arrow
X