Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Milan mừng công ở San Siro: Đêm vui, đêm của tiếc nuối?

Thứ Bảy 14/05/2011 15:49(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đêm nay, trận đấu cuối cùng của Milan ở San Siro mùa này sẽ là bữa đại chào đón danh hiệu cao quý Scudetto. Phía ánh hào quang ngập tràn cảm xúc ấy, rất có thể cũng là lời từ biệt của các “công thần”, những người từng được xem là “thế hệ vàng”.

Ai cũng muốn ở lại

Từ nhiều ngày qua, không ít tifosi Milan trên khắp thế giới đã rơi nước mắt, khi báo chí Italia đồng loạt khẳng định Andrea Pirlo và Juve đã đạt được những thỏa thuận về mặt cá nhân. Theo đó, “số 21” quen thuộc của San Siro sẽ khoác áo Juve mùa giải tới, với mức lương 4 triệu euro/mùa, kèm theo các khoản thưởng phụ thuộc vào thành tích của “Lão phu nhân” (hợp đồng kéo dài trong 3 năm).

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở lời đồn, và Pirlo chưa hề đồng ý bất kỳ điều gì với Juve. Pirlo vừa lên tiếng chính thức, với mong muốn được ký tiếp hợp đồng với Milan. Giữa Pirlo với Milan là một thập kỷ gắn bó, với tổng cộng 400 trận đã đấu. Trong một thập kỷ của tình yêu (tạm gọi như thế), Pirlo là một biểu tượng của Milan. Khi còn ở đỉnh cao, Pirlo cùng với Milan chinh phục hai chức vô địch Champions League, và chính anh là người khai sinh cái gọi là “trequartisra” ở vị trí tiền vệ phòng thủ.

Pirlo có lẽ sẽ chơi trận cuối cùng trong màu áo AC Milan trên sân nhà

Cách mà Pirlo chơi bóng rất đặc biệt, đơn giản nhưng rất mềm mại, chậm chạp đến mức rườm rà nhưng độ chính xác và nguy hiểm thì cực cao. Đôi khi Pirlo mang lại cảm giác như thể đang… ngủ gật, nhưng đó mới là lúc anh nguy hiểm nhất, nhờ cái cổ chân phải kỳ diệu. Trên thế giới, chưa có một cầu thủ nào “bắt chước” được cách chơi của Pirlo.

Những Milanista không muốn mất đi hình ảnh “số 21” quen thuộc. Bản thân Pirlo cũng nguyện gắn trọn đời mình với Milan. Anh từng từ chối Chelsea khi đang ở đỉnh cao, nên cũng không muốn ra đi ngay thời điểm Milan vừa chạm đến vinh quang. Trong thâm tâm mình, Pirlo muốn được như Costacurta, Maldini, nhận khoản lương thấp, và có thể chỉ làm dự bị, để trọn tình với Milan.

Không chỉ Pirlo, mà Seedorf và Ambrosini cũng thế. Điều mà họ chờ đợi là những bản hợp đồng mới, sau khi Milan hoàn tất đại tiệc Scudetto ở Milan. Ambrosini trưởng thành ở San Siro và là người kế tục Paolo Maldini đeo băng đội trưởng. Trong khi đó, vai trò của Seedorf rất quan trọng và không thua kém bất kỳ ai. Ở tuổi 35, nếu Milan trao cho Seedorf cơ hội, tất nhiên với vai trò dự bị, thì những gì thu lại sẽ không ít.

Nếu Milan đưa ra hợp đồng mới, Inzaghi và Nesta cũng sẽ ký mà chẳng hề đắn đo. Họ đã cùng Milan gặt hái vinh quang, đã sống chung với Calciopoli, nên không một ai muốn gạt bỏ quá khứ để ra đi.

Sự im lặng của Milan

Đêm nay, trong tiếng cười của chiến thắng, không ai muốn nước mắt phải rơi. Có lẽ vì thế mà Milan vẫn chưa có động thái nào về các “công thần” của mình. Milan là đội bóng luôn đặt yếu tố tình cảm lên hàng đầu, và người ta vẫn hay gọi trung tâm Milanello là một mái nhà, là đại gia đình. Điều duy nhất Milan làm với một cầu thủ là tự anh ta ra đi, hoặc đến tuổi treo giày.

Nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế, tình cảm không phải yếu tố quyết định trong bóng đá hiện đại. Milan có lẽ hiểu quá rõ điều ấy, với thất bại trong những năm cuối cùng của Ancelotti ở San Siro, cũng như với Leonardo mùa trước. Thất bại trên sân cỏ kéo theo những mất mát về tài chính.

Chỉ đến khi Milan mua một loạt nhân tố mới trong mùa này, kết quả mới thay đổi theo hướng tích cực hơn, với Scudetto sau 7 năm chờ đợi. Với bài học ấy, Milan dường như đã thay đổi tư duy làm bóng đá? Chính xác hơn, phải chăng sự xuất hiện của Barbara Berlusconi - người sinh ra trong thời điểm tiền bạc quyết định tất cả - đang làm thay đổi Milan, trong đó tình cảm không còn là yếu tố quan trọng?

Câu trả lời sẽ có sau lễ Scudetto. Hè 2006, các tifosi Milan đã khóc nhưng rồi cũng quen khi Shevchenko sang Chelsea. Tròn 2 năm trước, điều tương tự lặp lại khi Ancelotti đến Chelsea, Kaka sang Real Madrid và Maldini treo giày. Vì vậy, người hâm mộ Milan nên chuẩn bị tâm lý để đón cuộc đổi thay lớn. Dù sao, đó cũng là điều cần thiết, vì tương lai CLB, và là quy luật tất yếu của cuộc sống.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho "kẻ cứu rỗi" Chelsea ở tuyển Anh?

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho kẻ cứu rỗi Chelsea ở tuyển Anh?

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho "kẻ cứu rỗi" Chelsea ở tuyển Anh?

Dù đã đóng góp 25 bàn thắng và 13 pha kiến tạo cho Chelsea tại mọi đấu trường ở mùa giải này, Cole Palmer vẫn chưa được ra sân thi đấu cho tuyển Anh trong những trận giao hữu gần đây bởi hàng công của “Tam sư” đang vô cùng chật chội.

Xem thêm
top-arrow
X