Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Milan cầm hòa Barca ngay tại Camp Nou: Trận đấu của 90 giây

Thứ Năm 15/09/2011 13:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong suốt 90 phút thi đấu trên sân Camp Nou, Milan thực sự chỉ chơi bóng như họ luôn là vậy trong đúng một phút rưỡi. Họ cần đúng 24 giây đầu trận cho bàn thắng mở tỉ số của Pato và gần 1 phút để bảo vệ tỉ số sau bàn gỡ hòa 2-2 của Thiago Silva. 88 phút rưỡi còn lại là trận đấu của riêng Barca. Nhưng họ đã không chiến thắng như họ cũng luôn nghĩ vậy. Và những ai từng mơ đánh bại đội bóng xứ Catalan đã nhìn thấy ở Milan những phương pháp hiệu nghiệm cho một chiến thắng.

Bất ngờ, tốc độ, cự li đội hình và đẳng cấp cùng sự tỏa sáng đúng lúc của những ngôi sao, Milan đã chứng tỏ được rằng Barcelona không đến từ một hành tinh khác. Có thể không đánh bại được họ, nhưng ít nhất cũng có thể ngăn cản được họ và không để họ làm nhục mình. Ở Camp Nou, điều không tưởng đã xảy ra khi Pato xé tan mành lưới của họ chỉ 24 giây sau khi bóng bắt đầu lăn, từ một pha dốc bóng thần tốc với 3 lần chạm bóng đi qua cặp trung vệ được gọi để chữa cháy Mascherano-Busquets và một cú đánh đầu dũng mãnh của người đồng hương Thiago Silva ở những giây cuối cùng khi hàng thủ ấy, cũng như những giây đầu trận, không thực sự tập trung. Đẳng cấp của một đội bóng lớn không cho phép Milan bỏ lỡ những cơ hội hiếm hoi đếm chưa hết nửa số đầu ngón tay của một bàn tay ấy.

AC Milan xuất sắc cầm chân Barcelona

Giống như một người võ sĩ đấm bốc nhỏ con và sải tay ngắn hơn đối phương bị dồn ép liên tục vào các góc võ đài, Milan bước ra khỏi trận đấu không phải với tư cách của một kẻ thất bại, bởi dù bị đối phương ra đòn liên tục, họ vẫn kiên nhẫn tìm được sơ hở của địch để đưa ra những đòn quyết định. Không thể ngăn cản Barcelona nếu không làm được những điều ấy. Lối đá của Barca đòi hỏi họ phải kiên nhẫn để kiếm soát càng nhiều bóng càng tốt và không ngừng tạo ra và khai thác sai lầm của đối thủ. Để không thua, hoặc ít ra là gây nhiều khó khăn hơn cho Barca, Milan còn kiên nhẫn hơn cả Barca, kiên nhẫn đến tột cùng, và có được một kết quả không khác gì thắng lợi.Những gì xảy ra với Milan không mới.

Mùa xuân 2010, Inter của Mourinho đã từng gạt bỏ không thương tiếc Barcelona tại Champions League theo đúng những yếu tố được kết hợp chặt chẽ như đã nói đến ở đầu bài viết này, nhưng ở mức độ xuất sắc và hoàn hảo hơn một bậc: tốc độ và khả năng chộp cơ hội nhanh như điên dại của Milito cho những bàn thắng; sức chiến đấu của Cambiasso và Thiago Motta nhằm khống chế Xavi và Iniesta; sự càn lướt và chấp nhận hy sinh sở trường tấn công để lui về hỗ trợ phòng ngự của Pandev và Eto’o bịt chặt những đường lên biên kinh khủng như vẫn luôn thấy từ phía Barca. Milan không làm được thế. Bởi sự tỏa sáng rực rỡ của Inter ở trận Inter-Barcelona ở bán kết Champions League năm ấy cũng chỉ mang tính hiện tượng. Đối đầu với Barcelona là gần như phải chấp nhận sẽ mất toàn bộ trung tuyến và lui về tầng tầng lớp lớp cố thủ nhằm ngăn cản Messi và các đồng đội đá bóng mà như nhảy valse trên sân với một sự hứng khởi đáng ngợi ca. Với Real Madrid, Mourinho đã từng tìm đủ mọi cách để đánh vào thứ vũ khí rất Barca ấy, hạn chế tối đa khả năng cầm bóng của các học trò Guardiola. Ông đã thành công phần nào trong trận hòa 2-2 với Barca ở lượt đi Siêu Cúp Tây Ban Nha, khi tỉ lệ chiếm bóng của Barca giảm xuống chỉ còn 52%, mức thấp chưa từng có kể từ 2 năm qua. Tên tuổi và danh dự của vị HLV người Bồ Đào Nha dường như không cho phép ông lui về chịu trận đối thủ. Nhưng khi Allegri không phải Mourinho, và ông buộc phải làm tốt nhất những gì có thể, với rất ít quân bài chủ lực trong tay vì những lí do khác nhau.

Không thể nói là Milan quá may mắn có được một trận hòa, khi họ đến Camp Nou mà thiếu vắng sự kì ảo của Ibra (không có Ibra trên hàng công, nhưng đã có một Ibra ở phòng ngự, người có tên Thiago Silva), không có sức chiến đấu của Gattuso, phải đưa ra sân Nocerino mới đến từ Palermo 2 tuần trước, mất Boateng ở hiệp 2 và do đó bị gần như khiến Milan mất thế công, chấp một Cassano mờ nhạt trong suốt hơn một tiếng. Không dễ gì dội một gáo nước lạnh lên đầu Barca khi các khán giả mới đến sân còn ngồi chưa ấm chỗ. Không dễ gì hạn chế được tầm sát thương của Messi (hãy hỏi Nesta). Không đơn giản tạo ra một phòng tuyến Maginot trước khu vực 16m50 và chỉ để Barca cả trận đột nhập được vào đó đôi ba lần. Không dễ gì căng người chịu sức ép trong hầu hết thời gian trận đấu, gần như không thể lên được bóng và hiếm khi nào có được 3 đường chuyền liên tục mà không bị cắt, nhưng Milan vẫn không vỡ trận.

Nếu châu Âu cần một dấu hiệu nào đó để chuẩn bị tạo ra cả một cuộc cách mạng lớn lao nhằm lật đổ ách thống trị của Barcelona, giống như 2 thế kỉ trước, châu Âu đã nổi lên chống Napoleon, thì họ đã nhìn thấy ở 2 trận hòa cùng 2-2 của Barca mùa này, trận mà Real của Mourinho gần như phá hủy lối chơi dựa vào khả năng kiểm soát bóng của đối thủ, và trận mà Milan đã tận dụng tốt nhất những cơ hội có được ở đầu và cuối trận để rời Camp Nou với mái đầu ngẩng cao. Một kết luận rút ra: đội bóng hoàn hảo không tồn tại, kể cả khi họ có thể cầm bóng hơn đối phương trận thứ 188 liên tiếp, sút cầu môn gấp 12 lần đối thủ, và lúc nào cũng chơi như thể đối thủ là những đứa trẻ…

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho "kẻ cứu rỗi" Chelsea ở tuyển Anh?

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho kẻ cứu rỗi Chelsea ở tuyển Anh?

Cole Palmer tại Euro 2024: Vị trí nào cho "kẻ cứu rỗi" Chelsea ở tuyển Anh?

Dù đã đóng góp 25 bàn thắng và 13 pha kiến tạo cho Chelsea tại mọi đấu trường ở mùa giải này, Cole Palmer vẫn chưa được ra sân thi đấu cho tuyển Anh trong những trận giao hữu gần đây bởi hàng công của “Tam sư” đang vô cùng chật chội.

Xem thêm
top-arrow
X