Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Messi càng hay thì Barca càng dở?

Chủ Nhật 25/11/2012 15:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cristiano Ronaldo đã bắt đầu đuối sức trong cuộc đua với Lionel Messi. Pele đã bị anh vượt qua, và phía trước, một tượng đài săn bàn trong lịch sử bóng đá thế giới là Gerd Mueller cũng đang lung lay. Đâu đâu người ta cũng nhắc về Messi, nhưng sự rực rỡ của một mình anh liệu có thể trở thành liều thuốc độc cho Barcelona?

 

Nhưng mùa bóng trước, khi các bàn thắng nở rộ chưa từng thấy trong sự nghiệp của Messi, 73 pha làm bàn trên mọi đấu trường, thì Barcelona lại để mất chức vô địch Liga vào tay Real Madrid và Champions League vào tay Chelsea. Đó là cơ sở để huấn luyện viên Jose Mourinho của Madrid chế giễu Messi khi bình luận về cuộc đua Quả bóng Vàng giữa anh vào Ronaldo: “Cậu ta (Ronaldo) phải giành bóng vàng, vì những bàn thắng của cậu ta đem về danh hiệu”.

Ở Barcelona lúc này, tất cả đều chỉ làm nền cho Lionel Messi tỏa sáng và vươn cao
Ở Barcelona lúc này, tất cả đều chỉ làm nền cho Lionel Messi tỏa sáng và vươn cao

Kỷ lục của Messi đã không đem về danh hiệu. Mùa trước, anh bỏ xa chính các đồng đội trên hàng công của mình cả năm ánh sáng: Messi ghi 73 bàn, trong khi những người gần nhất chỉ ghi được… 15 bàn (Cesc Fabregas và Alexis Sanchez). Mùa 2008-2009, thời điểm Barca đoạt cú ăn 3 lịch sử, Messi mới bắt đầu đặt dấu ấn lên đội một, với 38 bàn trên mọi mặt trận. Nhưng phía sau anh còn Samuel Eto’o (34 bàn) và Thierry Henry (25).

Mùa tiếp theo, khi Eto’o ra đi, Messi nâng số bàn thắng lên 45. Phía sau anh “chỉ” còn là Pedro, 22 bàn, và Zlatan Ibrahimovic, 21 bàn. Barca vẫn bảo vệ được chức vô địch Liga, nhưng đã bị loại ở vòng 1/8 Cúp Nhà Vua và bán kết Champions League. Mùa này, Messi đã ghi 22 bàn trên mọi mặt trận, trong khi người gần với anh nhất là David Villa mới đưa bóng vào lưới 6 lần.

Barca và ảo tưởng vì Messi

Chơi ngày càng tốt lên không phải lỗi của Messi, nhưng cái gì quá cũng đều không tốt. Báo chí Tây Ban Nha mải mê tung hô những kỷ lục ghi bàn đang bị tiền đạo người Argentina xô đổ, mà quên mất rằng Barca đang chơi với một hàng thủ hạng xoàng. Với 15 bàn thua, Barca phòng ngự chỉ ngang đội… áp chót Osasuna. Cùng kỳ mùa trước, họ chỉ thủng lưới 7 bàn. Vào mùa giải đoạt cú ăn 3 lịch sử 2008-2009, Barca cũng chỉ để thủng lưới 9 bàn sau 12 vòng.

Đội bóng xứ Catalunya thậm chí không tăng cường thêm một trung vệ nào trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, dù hiện tại, họ chỉ có ba trung vệ đích thực là Carles Puyol, Gerard Pique và Marc Bartra. Puyol đã già, Pique hay dính chấn thương, còn Bartra vẫn là một cầu thủ trẻ ở mức tiềm năng. Phương án kéo các tiền vệ trụ về chơi trung vệ (thậm chí là kéo cả hậu vệ cánh vào trung tâm, như trường hợp của Adriano) đang bị lạm dụng. Đội bóng thủ khá tệ ngay cả khi thường xuyên triệt tiêu tối đa quyền kiểm soát bóng của đối phương, nhưng vì các bàn thắng của Messi vẫn đem về chiến thắng, điểm yếu ấy lại được châm chước.

Nhưng trong khi tỏ ra quá lãng tử với hàng thủ, Barca lại rất thận trọng trong việc để Messi đôi khi được nghỉ ngơi dưỡng sức. Trận thắng Zaragoza cuối tuần qua là lần thứ 100 tiền đạo người Argentina đá chính. Dù trên ghế huấn luyện viên là Pep Guardiola hay Tito Vilanova, họ đều không dám buông thanh gươm thần thoại ấy ra, một khi đã giữ nó trong tay. Messi bị phạm lỗi liên tục, và đau đớn không ít lần, nhưng thay anh ra giữa chừng là việc làm cấm kỵ ở Camp Nou. Thứ bóng đá tập thể mà người Catalunya luôn tự hào đang thật sự mai một vì tất cả những khiếm khuyết của nó đang đều có thể được cho qua nhờ sự xuất sắc của một cá nhân.

Chơi quá hay, như đã nói, không phải lỗi của Messi. Nhưng chơi hay đến mức mà câu hỏi dành cho bất kỳ một mục tiêu chuyển nhượng nào của Barca cho hàng công cũng là: Liệu người mới có thể chơi hợp với Messi?, thì đó là lỗi của đội bóng. Chúng ta đã từng thấy rất nhiều tiền đạo ngôi sao không thể tìm được chỗ đứng ở Camp Nou từ khi kỷ nguyên Messi bắt đầu.

Eto’o lừng lẫy, người từng ghi hai bàn trong hai trận chung kết Champions League, đã bị đẩy ra chơi ở cánh trái vì Messi. Tiền đạo người Cameroon sau đó bị đổi lấy Ibrahimovic từ Inter. Chân sút người Thụy Điển chỉ trụ lại được Camp Nou một mùa bóng, và cho dù chơi không tồi (ghi 21 bàn), anh vẫn phải ra đi. Một cái tôi to đùng như thế không phù hợp để chơi cạnh Messi, người được ưu ái hơn tất thảy. Pedro hay Villa cũng sa sút nhanh chóng khi được (hay bị?) chơi cạnh Messi. Họ phải phục vụ anh tối đa, và thậm chí, chúng ta đã được chứng kiến tiền đạo người Argentina to tiếng với các đồng đội trên hàng công mùa này.

Barca không phải là Messi

Đó không phải điều gì tốt lành cho Barca. Một khi Messi phải ngồi ngoài vì lý do bất khả kháng, hoặc đơn giản là anh chơi tồi trong một ngày xấu trời, thì Barca có thể trở thành một đội chỉ biết chuyền vẽ vời cho vui. Những bàn thắng và phong độ khủng khiếp của Messi có thể đưa đội bóng xứ Catalunya vào một giấc ngủ dài, và khi sự vắng mặt của anh đánh thức họ dậy, thì hiện thực còn lại chỉ là một đội bóng phòng ngự quá lỏng lẻo và thiếu các giải pháp tấn công khi không có Messi.

Tiền đạo người Argentina đang chinh phục mọi kỷ lục ghi bàn và hướng đến danh hiệu Quả bóng Vàng lần thứ tư liên tiếp, nhưng Barca, dù đang dẫn đầu Liga với khoảng cách 8 điểm hơn kình địch Real Madrid, vẫn cho thấy cảm giác mong manh. Messi đang tấn công vào các pháo đài lịch sử một cách hăng say, nhưng đội bóng của anh thì thật sự đang giậm chân tại chỗ và không tạo đủ sự tin tưởng rằng họ vẫn là một tập thể bách chiến bách thắng ngay cả khi không có ngôi sao người Argentina. Khi những thống kê về Messi thêm chất chồng và những lời khen ngợi dành cho anh ngày một nhiều hơn, thì Barca lại càng phải cảnh giác hơn với chính mình. Để không bị trở thành đội bóng một người, trong thế giới lý tưởng mà Messi đã vẽ ra cho đội bóng của anh.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Cú đúp vào lưới Real Zaragoza ở vòng đấu vừa qua đã nâng số bàn thắng của Messi mùa này lên con số 17, chỉ sau 12 trận. Với 78 bàn đã ghi trong năm 2012, anh cũng chỉ còn kém kỷ lục ghi bàn trong một năm của Gerd Mueller 7 lần lập công. Cứ với đà này, Messi có thể kết thúc mùa bóng với 54 bàn thắng ở Liga, phá kỷ lục lập được ở mùa trước (50 bàn). Anh lúc nào cũng chơi tốt hơn chính mình của mùa trước.

Có thể bạn quan tâm

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

Xem thêm
top-arrow
X