Pep Guardiola là người đã mang lại thành công của Barca trong 5 mùa bóng trở lại đây. Nói một cách khác, chính ông đã xây dựng hơn một nửa ngôi nhà mà Barca đang có. Pep ra đi, Tito Vilanova lên thay và giờ là Gerardo Martino, Barca đang thay đổi, chuyển mình một cách mạnh mẽ.
Dưới sự dẫn dắt của Tito, Barca khởi đầu mùa giải với 7 trận toàn thắng ở Liga. Mùa này, Martino đã phá kỉ lục cũ khi giúp Barca thắng liền 8 trận. Nếu họ hạ Osasuna vào cuối tuần này, con số ấy sẽ là 9 và chính thức cân bằng kỉ lục của Real Madrid. Nếu thắng ở vòng 10, Barca sẽ trở thành đội bóng khởi đầu tốt nhất trong lịch sử Liga.
Nhưng những con số có lẽ chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi sự khác biệt của Martino so với Pep Guardiola lại nằm ở khía cạnh lối chơi. Đã có những thay đổi tích cực hơn trong triều đại mới của nhà cầm quân người Argentina.
Thay đổi để hoàn hảo hơn
Chuyên gia bóng đá người Nam Mỹ Rupert Fryer cho rằng Martino đã khôn khéo lồng ghép những chiến thuật mà ông từng áp dụng thành công cho ĐT Paraguay vào lối chơi của Barca. "Đó là cách để thích nghi. Ông ấy là một HLV có thể thoát ra khỏi những khuôn mẫu đã từng thân quen với mình khi cần thiết." Nhận xét ấy có phần hơi quá, nhưng Martino cũng đã chứng minh được những dấu ấn chiến thuật đầu tiên. Sự khác biệt chính là ông đã pha trộn rất nhiều chất liệu vào lối chơi của Barca thay vì tiếp tục tập trung duy nhất vào tiki-taka.
Barca của Pep chỉ luôn chơi tấn công, áp đặt đối phương bằng cách chiếm phần lớn thời gian kiểm soát bóng. Barca của Martino vẫn áp dụng chiến thuật ấy, nhưng không phải trận nào họ cũng chơi như thế. Trước Vallecano, Barca kiểm soát bóng dưới 60%, con số thấp kỉ lục tính từ thời Pep. Ngược lại, Martino yêu cầu các học trò sử dụng nhiều những đường bóng dài. Từ Valdes, Mascherano và Pique, bóng liên tục được phất dài lên trên. Barca đã thắng dễ dàng với tỷ số 4-0.
Một sự khác biệt nữa chính sách xoay vòng lực lượng. Trong mùa cuối cùng của Pep, Barca thất bại ở cả Liga và Champions League. Nguyên nhân chính là sự quá tải của các cầu thủ. Tự Pep thừa nhận ông cũng đã mệt mỏi. Martino không muốn đi vào vết xe đổ ấy. Valdes là người duy nhất ra sân tất cả các trận đầu mùa. Ngoài anh và Pique ra, không một ngôi sao nào đá chính hơn 6 trong 8 trận ở Liga. Ngoài mục đích giảm tải, Tito còn muốn đội bóng của ông không quá phụ thuộc vào một ngôi sao lớn nào, dù đó là Messi hay Xavi.
Khi học trò là điểm tựa
"Tùy từng trận, tôi muốn có những sự lựa chọn phù hợp về mặt lối chơi cũng như con người. Mục đích cuối cùng của Barca là chiến thắng và tôi tin vào những thay đổi của mình", Martino nói sau trận đấu ở Vallecas.
Một số culé tôn sùng tiki-taka cảm thấy khó chịu. Nhưng Martino lại được sự ủng hộ từ các học trò. "Nhiều năm qua, Barca có HLV là những người đã gắn bó với CLB. Từ Pep đến Tito, chúng tôi bị gắn vào một lối chơi cố định và có cảm giác như làm nô lệ cho nó", trung vệ Pique tâm sự."Nếu Barca có thể chơi phòng ngự phản công thì nó thực sự đáng giá để thử nghiệm", Cesc Fabregas nói. Messi, người có ảnh hưởng lớn nhất ở Barca, cũng lên tiếng ủng hộ. "Càng chơi đa dạng, chúng tôi càng chơi tốt hơn. Rồi một ngày chúng tôi sẽ thấy việc kiểm soát bóng ít còn lợi hại hơn cầm bóng nhiều hay việc phòng ngự xe bus 2 tầng và chơi phòng ngự phản công sẽ tốt hơn là chơi tấn công. Barca có những cầu thủ tốc độ và cũng có những chuyên gia chuyền bóng cực tốt", số 10 của Barca nói.
Khi các học trò ủng hộ như thế, chẳng có lý do gì để Martino không tiếp tục.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)