Bóng đá ngày càng tinh vi hơn, toan tính hơn, người ta có thể làm tất cả để đem lại lợi ích cho đội bóng, hay gây thiệt hại cho đối thủ. Có lúc, mọi người chỉ cười xòa vì độ tinh quái của một vài cầu thủ, vốn mang tính lẻ tẻ, đôi khi là “tự vệ”. Nhưng dường như cũng có lúc, mọi thứ đã động chạm đến giới hạn của tinh thần thượng võ trong thể thao.
Nạn nhân hay thủ phạm
Một phần, chứ không phải tất cả các cầu thủ “đóng kịch” vì đối mặt với những pha bóng thô bạo từ đối phương. Có rất nhiều những người không bận tâm tới việc ăn vạ ngay cả trước các đối thủ chơi rắn, lại cũng có những người sẵn sàng ôm mặt trong mọi thế trận, mọi tình huống dù nhẹ nhàng hay nguy hiểm. Nói vậy để khẳng định, các kịch sĩ không phải sinh ra để đối phó lại sự dữ tợn, bạo lực, hay cái gì kinh khủng đại loại thế, đó chỉ là lựa chọn hành xử mang tính cá nhân của từng cầu thủ mà thôi. Nếu như trong bóng đá có thứ “nạn nhân” vì các pha bóng ác ý mà chịu tổn thương, cản trở sự nghiệp, thì cũng có dạng “nạn nhân” của những trò ăn vạ vì nó mà đổ sông đổ biển mồ hôi nước mắt trong cả một trận đấu, thậm chí cả một giải đấu, nghĩa là ảnh hưởng còn mạnh hơn rất nhiều. Khác nhau ở chỗ, hành vi chơi rắn là rõ ràng, nhận biết được, có khung hình phạt, nhiều khi rất nặng, tác động trực tiếp lên cầu thủ và đội bóng, còn ăn vạ, nếu quá tệ anh sẽ bị thẻ vàng, còn nếu thành công, người ta không bao giờ còn sờ đến anh nữa.
Người hâm mộ muốn những trận đấu công bằng
Có thể nói, về khía cạnh luật, chơi rắn và đóng kịch đều là vi phạm, nhưng mức độ bị phát giác và xử lý lại khác nhau một trời một vực. Những “nạn nhân” bị hại bởi những kẻ tinh quái không bao giờ nhận được sự vãn hồi công bằng nào sau khi trận đấu kết thúc, và lý do duy nhất để tất cả các cầu thủ không trở thành “diễn viên” chỉ là trong thế giới bóng đá còn rất nhiều những người đàn ông kiêu hãnh. Dám chơi dám chịu, kẻ to lớn có sức mạnh, kẻ yếu hơn có kỹ thuật, mỗi người ra sân với những vũ khí của riêng mình. Trong khi “chơi xấu” theo hướng “chặt chém” nghĩa là anh chịu trách nhiệm với lối đá đó, sẵn sàng nhận hậu quả từ nó - thông qua các trọng tài, vì anh vào trượt bóng, hay dở hơn là không đủ khéo nên phải cố tình ngăn đối thủ, thì “chơi xấu” theo hướng “mềm mại” - tức là những pha diễn trò trắng trợn chỉ duy nhất là một sự lừa bịp người xem, lừa bịp trọng tài, phá vỡ sự công bằng, một cách đối phó phi thể thao, không hơn không kém, dù ngụy biện thế nào.
Tất nhiên, ai xem bóng đá hay chơi bóng đá cũng hiểu, những pha bóng trong vòng cấm thì chỉ cần một tác động nhẹ khi ta đã đẩy bóng đi cũng đáng để ngã xuống kiếm một quả phạt đền. Hay như “ác quỷ với người Pháp” Materazzi trong pha ôm ngực giẫy giụa của mình cũng có rất đủ lý do bởi hành động của Zidane là thiếu kiềm chế và diễn ra tường tận. Song nếu một cầu thủ không thể “chơi đẹp” như Nedved - từ chối quả phạt và thanh minh hộ đối thủ, thì anh ta cũng chẳng nên ngã xuống ngay cả khi không ai chạm vào, hay lăn lộn như không thể chịu được khi có một tác động chỉ đủ làm đau… con nít. Bởi những người như thế, trận đấu bị phá vỡ, bởi họ mà có những nỗi oan vĩnh viễn phải ngậm đắng chôn vùi, khi đó đừng cố gọi họ là “nạn nhân” của bất cứ điều gì, họ hoàn toàn là thủ phạm làm xấu đi bóng đá.
Chờ đợi một điều luật
Mọi chuyện sẽ không khiến dư luận quan tâm nhiều nếu nó không xảy ra quá thường xuyên, và đôi lúc quyết định những kết quả cực kỳ quan trọng. Chẳng có Real nào mỗi tuần đều đá với Barca một lần để những Busquest, Mascherano, Sanchez, Fabregas “tự vệ” như một thói quen, chính nó làm cho “đội bóng ngoài hành tinh” chỉ là cái tên được công nhận với một bộ phận người hâm mộ, bởi sau vết xe chinh phục của họ có không ít những kẻ “chết oan” vì các pha “diễn kịch”.
M.U gần đây cũng bị xét nét khi Ashley Young và Welbeck có những hành vi không trung thực, Young thường “bay người cho đẹp thêm” khi bị truy cản, Welbeck thì ngã đúng kiểu “bản năng tiền đạo” khi đẩy bóng qua thủ môn mà bị quá đà. Ở Ngoại hạng Anh, những cao thủ ăn vạ thường chỉ lác đác, và đặc biệt các pha ôm mặt vật vã cũng chẳng có nhiều, vì đây vốn là sân chơi cho các “đấu sĩ” hơn là các “kịch sĩ”, nơi mà tính “đàn ông” tương đối được đề cao.
Tất nhiên, các trọng tài không thể nhìn 5, 6 góc như camera, cũng không được tua chậm 5, 6 lần, vậy nên sai lầm của họ là thông cảm được. Người đáng trách dĩ nhiên là những người “cố tình lách luật” bằng biện pháp đóng kịch kia. Thử hỏi, nếu những tình huống ấy cũng được xem lại, mổ xẻ và trừng phạt mạnh tay như với các pha phạm lỗi hay phân biệt chủng tộc, liệu các cầu thủ có còn lạm dụng nó nữa không? Trước đến giờ nó vẫn chỉ được coi như một vấn đề nhỏ, đại khái như trọng tài thổi việt vị sai, nhưng tác động của nó thật ra nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Không bao giờ có một sự công bằng tuyệt đối, nhưng thẳng tay với nạn ăn vạ là chuyện làm được, và nó sẽ xốc lại tinh thần thượng võ cho môn thể thao vua, đôi khi bị “nhơ” vì những trò gian lận. Mong rằng các quan chức làm luật sẽ mau chóng tìm ra cách đòi lại sự “trong sạch tương đối” cho các trận cầu, ít nhất không để lại những sự ức chế cao độ cho người xem, và cả cho người chơi bóng, có lúc kéo dài hàng nhiều năm. Bóng đá vốn rất gần với nghệ thuật, nhưng ấy là nói về những gì người ta làm với trái bóng, chứ không phải những vở kịch với cái miệng mở to, gương mặt méo mó của người “không sao cả”, đó chưa bao giờ là thể thao.
(Theo Bongda)