Thứ Sáu, 20/09/2024Mới nhất
Zalo

Mạn đàm: Chiến thắng của Inter? Xứng đáng hay không

Thứ Năm 29/04/2010 11:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Thành công của Inter trong trận bán kết trước những nhà ĐKVĐ đã lập tức làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong giới chuyên môn cũng như cả người hâm mộ, không chỉ bó hẹp trong lượng fan của hai đội, mà còn mở rộng ra cả những người đang cổ suý cho 2 trường phái đối lập: hoa mỹ và thực dụng, tấn công và phòng ngự. Chẳng bên nào chịu nhường bên nào và đều đưa ra những lập luận chặt chẽ cho ý kiến của mình, vì thế một câu hỏi to đùng được đặt ra: Inter có xứng đáng vào chung kết hay trở thành nhà vua mới của bóng đá châu Âu.

>>> Thày trò Guardiola thất vọng lớn sau khi trở thành "cựu vương"
>>> Jose Mourinho: Siêu cao thủ Catenaccio
>>> Mourinho phấn khích sau thành công ấn tượng của Inter
>>> Kiên cường thoát nạn ở Nou Camp, Inter anh dũng vào chung kết

Người thì cho rằng lối đá của Inter là phản bóng đá, là giết chết cái đẹp của môn Thể thao vua, là không xứng đáng đi tiếp. Kẻ khác thì cho rằng phòng ngự cũng là một nghệ thuậtl, nào là trong bóng đá hiện đại, thực dụng và khoa học cũng rất được đề cao, nào là biết cách vận dụng chiến thuật linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể cũng là một cách đá đẹp. Bản thân người viết cũng không hẳn là fan thực sự của đội nào, cũng không quá coi trọng đá đẹp - đá xấu mà chỉ muốn trình bày quan điểm cá nhân dựa trên những yếu tố khách quan và diễn biến của trận đấu, chứ không chỉ căn cứ vào tình cảm thông thường.

Đúng là bóng đá sẽ thật nhàm chán nếu đội nào cũng chơi bóng theo kiểu của Mourinho và các học trò nhưng các giáo trình dạy về bóng đá không chỉ là tập hợp của những trận đấu đẹp, mãn nhãn mà có không ít những trận đấu bị coi là nhàm chán khi chỉ có một đội thực sự "chơi bóng", đội còn lại luôn trong tư thế "sợ thua" (như cách nhìn của nhiều người). Song các trận đấu này vẫn được liệt vào diện kinh điển bởi bóng đá giống như cuộc sống, nó muôn hình vạn trạng với nhiều hình thái khác nhau mà mỗi góc cạnh dù xù xì nhất cũng làm nên một phần vẻ đẹp của nó.

Nên có cái nhìn công tâm về thắng lợi của Inter

Dĩ nhiên, một lần gục ngã chưa thể khiến Barcelona mất đi vị thế đội bóng mạnh nhất châu Âu. Họ vẫn là đối thủ khó nhằn nhất mà bất kỳ đội nào đều muốn tránh. Cũng vì thế đừng quá khắt khe với Inter. Có thể đêm nay, họ thăng hoa rực rỡ với chiến thuật đánh ghét Catenaccio nhưng biết đâu đấy, ở Bernabeu vào ngày 22/5, họ sẽ gục ngã trước Bayern Munich. Chưa có gì đảm bảo Inter sẽ đăng quang ở Champions League mùa này. Chính HLV Mourinho cũng thừa nhận chặng đường phía trước vẫn còn rất dài và ông chỉ tự hào duy nhất một điều: Inter của ông đã ngẩng cao đầu bước tới trận cuối cùng.

Nếu Inter đánh bại Barca bằng lối chơi tấn công đẹp mắt như mong muốn của trường phái "vị nghệ thuật" thì bóng đá liệu rằng có gì thú vị khi chưa diễn ra, tất cả đều đoán được hai đội sẽ chơi tấn công hết mình để phục vụ khán giả mà không cần quan tâm đến kết quả cuối cùng. Cái hấp dẫn của môn Thể thao vua còn nằm ở chỗ những tính toán, sách lược, chiến thuật cụ thể mà mỗi đội sẽ đề ra nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất: chiến thắng. Bóng đá bây giờ không còn vô tư như thuở sơ khai mà đã là một bộ môn khoa học, nặng nhiều về tư duy, thậm chí được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Vậy thì hãy cùng giải đáp những "mắc mớ" mà nhiều người hâm mộ đang giữ ở trong lòng

Inter có thể chơi tấn công được không? Được quá đi chứ, đương nhiên là không thể bắt chước hệt như Barca bởi trên đời này, cũng chỉ có một Barcelona mà thôi và cũng chả ai thấy thích thú khi rập khuôn lại y nguyên đối thủ. Họ cũng có những Sneijder, Eto'o, Milito, Maicon là những cầu thủ tấn công giỏi mà nhiều đội bóng phải e ngại

Vậy tại sao Inter không chọn lối chơi tấn công? Hãy nhìn lại hoàn cảnh cụ thể của trận đấu. Inter có lợi thế to lớn 3-1 ở lượt đi, phải thi đấu trên sân khách trước sức ép ghê gớm từ hơn 90 ngàn CĐV, lại thêm việc bị mất người từ quá sớm thì có hoạ điên mới áp dụng chiến thuật "công đối công". Nếu Nerazzurri chơi kiểu đó (và thất bại), kiểu gì không ít lời chê bai đại loại như "ngớ ngẩn", "ngu ngốc", "sai lầm" khi dám chơi sòng phẳng với Barca sẽ được tuôn ra, thậm chí ngay từ những người đang công kích lối chơi tiêu cực của Inter. Đỉnh cao nhất mà đội bóng thành Milano hướng tới là một danh hiệu vô địch Champions League sau bao nhiêu năm chờ đợi mòn mỏi chứ không phải một sự ngưỡng mộ vì lối thi đấu công hiến, vì thế đạt được nó bằng bất cứ giá nào (miễn là hợp pháp) cũng đều đáng trân trọng. Hơn nữa, Inter là đội bóng của Italia mà phòng ngự mới là nét đặc trưng nhất của quốc gia này. Những thành tích mà Italia có được cả trên cấp độ CLB và ĐTQG đều là xuất phát từ chiến thuật "lấy phòng ngự làm tấn công" và liệu có mấy ai dám khinh thường Italia trong làng bóng đá.

Cái cách Inter đạt được mục tiêu có đáng bị lên án? Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy giải thích "Thế nào là phản bóng đá". Dùng tiểu xảo ư? Barca, gồm cả Thánh Lionel Messi, cũng biết cách chơi xấu chẳng kém gì ai nên đừng đổ cho Inter là "vua tiểu xảo". Phạm lỗi để cản trở đối thủ? Các cầu thủ ở mọi tuyến đều được đào tạo kỹ năng truy cản đối phương và giờ không ai chân phương đến mức chỉ dừng lại ở mức độ "kèm cặp" thông thường. Có chăng chỉ nên đổ cho trọng tài không xử lý mạnh tay nhưng phải công nhận Inter cản phá quá khôn ngoan và lọc lõi nên khó xác định rõ ràng là "hợp lệ hay trái phép". Dựng xe bus trước cầu môn và không thèm tấn công? Nên nhớ đây là bóng đá đỉnh cao chứ không phải bóng đá làng mà viện lý do phòng thủ như thế thì đá và ghi bàn làm sao nổi. Nếu như vậy, hoá ra Barca lại chỉ là một đội bóng tầm thường và tấn công chả có gì đặc sắc, chỉ biết cầm bóng và lao lên tấn công mà không giữ những đòn đánh độc để xài khi cần thiết. Rõ ràng, Barca biết thừa Inter sẽ chơi như thế nhưng cuối cùng, không tìm ra nổi một giải pháp hữu hiệu giải quyết bế tắc dù có thêm 1 tuần chuẩn bị. Vậy thì có thể kết luận Barca kém cỏi, ít nhất là ở 2 trận bán kết.

Mặt khác, cũng cần phải thán phục trận địa phòng ngự mà Inter bày ra. Dù tập trung khá đông quân số trên một diện tích hẹp nhưng Inter chơi không hề rối loạn, lúng túng, thiếu tổ chức mà ngược lại, họ chơi rất có kỷ luật và ý thức chiến thuật. Mỗi cầu thủ đều hiểu vai trò, nhiệm vụ cũng như vị trí của mình nên không có chuyện dẫm chân lên nhau hay phòng thủ theo kiểu cung cách nghiệp dư nhất: "ruồi bu". Thế trận tử thủ của Inter được sắp đặt thông minh, hợp lý, khoa học từ trên xuống dưới, từ trái qua phải với cự ly được giữ nghiêm ngặt. Không một khoảng trống nào được tạo ra khi các cầu thủ quá dồn về một hướng hay tập trung vào một mục tiêu cụ thể. Họ phòng thủ theo khu vực trên khắp mặt sân. Các cầu thủ chơi gần nhau sẽ nhanh chóng bọc lót mỗi khi có biến trong khi các vị trí còn lại không di chuyển ra ngoài phạm vi hoạt động của mình. Chính vì thế, một bức tường thành nhiều lớp được dựng lên với sự kiên cố không gì công phá nổi. Đưa phòng ngự lên một trình độ cao siêu như thế há chẳng phải là tài năng và nghệ thuật của "Người đặc biệt".

Người viết không hề tự tin cho rằng nếu áp dụng y nguyên lối đá này ở trận chung kết, Inter sẽ thành công. Thời đại ngày nay, vinh quang chỉ dành cho đội biết linh hoạt trong lối chơi và có sự điều chỉnh phù hợp trong từng trận đấu cụ thể. Mourinho cùng các cộng sự sẽ nghiên cứu rất kỹ đối thủ Bayern Munich, thậm chí phân tích trên cả máy tính, điều ông thường xuyên làm trong những trận cầu lớn để lựa chọn chiến thuật phù hợp nhất cho trận chung kết dù về cơ bản, phòng ngự vẫn được đặt lên hàng đầu. Còn khán giả nên có cái nhìn công bằng khi phán xét ai đó bởi thành công nào cũng phải cần "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" thì mới giành được. Và nếu đội nào cũng làm được như Inter thì có lẽ, Barcelona sẽ chẳng bao giờ có cái giây phút được một lần tôn vinh trên đỉnh vinh quang, huống chi là tới 6 lần như mùa giải năm ngoái. Hạ gục một "gã khổng lồ" đang phơi phới niềm vui liệu không phải là một chiến công vĩ đại.

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Canh bạc tài năng trẻ của Barcelona

Canh bạc tài năng trẻ của Barcelona

Canh bạc tài năng trẻ của Barcelona

Hansi Flick kể rằng ông đã thề nhất định sẽ có ngày bản thân trở thành HLV trưởng của Barcelona vào đêm ngày 21 tháng 3 năm 2006. Ông và 67.000 người khác đã có mặt ở Camp Nou để chứng kiến đội bóng của Frank Rijkaard đánh bại Getafe với tỷ số 3-1, trong khi đám đông cổ động viên đội nhà hát vang ca khúc “Happy Birthday” gửi tặng Ronaldinho, người đã bước sang tuổi 26 vào ngày hôm đó.

Đánh giá 36 đội dự Champions League: CLB nào có thể cản bước Real Madrid và Man City?

Đánh giá 36 đội dự Champions League: CLB nào có thể cản bước Real Madrid và Man City?

Đánh giá 36 đội dự Champions League: CLB nào có thể cản bước Real Madrid và Man City?

Ở mùa giải này, chúng ta có nhiều đội bóng và trận đấu tại Champions League hơn bao giờ hết. Vòng bảng với 8 vòng đấu đã bắt đầu vào thứ Ba và sẽ kéo dài đến ngày 29/1/2025. Hãy cùng Trên đường Pitch đánh giá các CLB trước khi các trận đấu thực sự nóng lên.

Xem thêm
top-arrow
X