Nhà hát của những giấc mơ đã chia tay những danh thủ ghi dấu một thời kỳ vàng son. MU đang trút bỏ những hào quang cũ, chấp nhận đi qua đêm dài để tìm lại ánh sáng vào ngày mới. Nơi đó, sẽ lại có những James Wilson, những Januzaj, và những con người rất khác chắp tay viết tiếp những giấc mơ nơi Nhà hát, như một quy trình tất yếu của tự nhiên.
“United never die”
Năm 1986, Alex Ferguson đến Old Trafford, vực dậy Bryan Robson và các đồng đội khỏi vũng lầy của sự buông thả. Nhưng suốt ba năm sau đó, ông là nỗi thất vọng lớn với các cổ động viên, nếm chịu không biết bao nhiêu thất bại tủi hổ. Phải mất 4 năm, sau rất nhiều cải tổ, Sir Alex mới giúp MU có được một chiếc cup FA, và mất tới 7 năm từ khi nhậm chức, ông mới đem về danh hiệu Premier League đầu tiên vào mùa giải 1992-1993.
Để lọt mất nhiều mục tiêu sáng giá, chỉ đến lúc mua được Eric Cantona, MU mới thực sự bước vào chu kỳ chinh phục. Khi những năm tháng đỉnh cao ngắn ngủi của King Eric qua đi, thế hệ vàng 1992 lại trở thành niềm tự hào, trở thành nòng cốt để Quỷ đỏ tiến về những vinh quang mới. Rồi họ tan rã, mỗi nơi mỗi ngã, Sir Alex lại tìm thấy Cristiano Ronaldo, người kế thừa hoàn hảo chiếc áo số 7 Beckham để lại. Bị Barca khuất phục, CR7 dứt áo, Rooney ngay lập tức nổi lên như người thủ lĩnh dẫn dắt đội bóng qua những ngày trắc trở, khó khăn.
Sự phát triển vững bền của Man Utd là đây
Trong những chiếc cup mà MU đã dành được, đâu chỉ có dấu giầy của những siêu sao. Đó còn là những giọt mồ hôi cặm cụi của những Valencia, Fletcher, Carrick, là lòng nhẫn nãi và nhiệt huyết cống hiến của những cầu thủ dự bị như Chicharito, Lindergaard, trước đó là những Brown, O’ Shea. Đó là những bước chạy cố gắng, ý thức trách nhiệm từ những lão tướng còn nguyên tình yêu với chiếc áo đỏ, và cả những giây phút xuất thần, đáng nhớ của các lứa sao mai vẫn ngày qua ngày được rèn giũa như một phần tương lai đội bóng.
Huyền thoại Ryan Giggs hôm nay đã khởi đầu với thất bại ngay trận ra mắt ở tuổi 17. MU vô địch Premier League mùa trước đã trưởng thành từ thảm bại 1-6 trước Man xanh. Triều đại rực rỡ của Sir Alex bắt đầu từ vực thẳm, 26 năm trước khi được đúc tượng và đặt tên cho riêng một khán đài, ông từng bị chính các cổ động viên mạt sát bằng những lời tồi tệ nhất. Biết bao nhiêu người đã gục ngã dưới cái bóng của Sir Matt Busby, nhưng giờ thì Sir Alex đã vượt qua vị tiền bối để trở thành vĩ đại. Không ai vào thời điểm 20 năm trước có thể tin MU sẽ vượt qua kỷ lục của Liverpool chỉ trong vẻn vẹn một phần tư thế kỷ. Và ngày đó, khi chiếc máy bay rơi khỏi bầu trời Munich, câu lạc bộ bóng đá Manchester United tưởng như sẽ mãi mãi từ đó lụi tàn.
Nhưng không, MU của hiện tại là đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh và được hâm mộ đông đảo nhất trên toàn thế giới. Đó là một kỳ tích, là phép màu, là sự khẳng định đầy hiên ngang cho cá tính sinh tồn trong lòng Quỷ đỏ. Với tất cả những quá khứ hào hùng ấy, mùa bóng thảm hại năm nay có lẽ chưa phải điều gì ghê gớm. Tất cả còn luôn ở phía trước, chỉ khi chết đi cơ hội mới không còn, mà người MU thì luôn lưu truyền câu nói “United never die”.
Rồi măng sẽ mọc, bình minh sẽ đến
Nếu là fan MU, người ta không thể trông chờ lúc nào đội hình cũng toàn sao, luôn chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh chuyển nhượng, và ở thế cửa trên trong mọi trận đấu. Những điều ấy có thể tìm thấy ở Barca, Real, Bayern mùa này qua mùa khác, MU thì không. Muốn thành công thì phải có tiền, MU hiểu điều đó, nhưng quan trọng là dùng tiền như thế nào. Tuy cũng có những sai lầm trong “tuyển dụng”, Sir Alex vẫn luôn thiết lập được một MU ổn định về chất lượng và chính sách, thay vì cần 11 cầu thủ điểm 10, ông sẵn sàng sử dụng 11 cầu thủ điểm 7, điểm 8 và biến họ thành một tập thể điểm 9, điểm 10.
Là đội bóng lớn nhất nước Anh trong nhiều năm qua, góp mặt trong 3 trận chung kết Champions League, nhưng MU chưa bao giờ là một “dải ngân hà” được xây dựng bởi hàng loạt hợp đồng bom tấn. Họ luôn có chỗ cho những con người tận tâm cống hiến, cho những tài năng trẻ, luôn trao cơ hội cho những cầu thủ mà có lẽ Real, Barca, Man City, Bayern sẽ chẳng bao giờ để mắt đến, đó là điều đặc biệt ở MU. Sự chắt chiu rất đời ấy có thể tạo ra nhiều bất lợi, nhưng nó cũng khiến những chiến tích của MU giá trị hơn, đáng nhớ hơn, và góp phần đưa ra ánh sáng những cái tên còn ở trong góc khuất, trong đó chàng trai 18 tuổi Ronaldo chính là phát hiện đỉnh cao nhất trong sự nghiệp Sir Alex.
Không phải lúc nào cũng có những “thế hệ 1992”, không phải tài năng nào cũng có thể vượt lên trong thế giới bóng đá muôn vàn khắc nghiệt. Nhưng MU vẫn cứ trung thành với chiến lược phát triển từ gốc, vẫn miệt mài tìm kiếm, trình làng, và dành suất cho những lứa “Quỷ non” có dịp cất cánh từ vũ đài Nhà hát.
Cú đúp trong ngày “debut” của James Wilson nối dài truyền thống kỳ lạ ở MU, đó là các sao trẻ cứ thay nhay ghi bàn ngay lần đầu xuất hiện. Hẳn nhiều người còn nhớ những pha làm bàn của Macheda, Welbeck, Powell, Eagles, Buttner, Rossi, vv… Cứ như thể đây là mảnh đất lành, như thể chiếc logo và màu áo kia có một sức truyền cảm kỳ diệu nào đó, khiến những lần chắp cánh mạnh mẽ hơn, thăng hoa hơn, những cái chân khéo léo hơn, những cái đầu quyết đoán hơn. Biết rằng con đường đi từ hiện tượng đến đẳng cấp là xa lắm, nhiều người rơi rớt lại, song cánh cửa ở MU thì luôn mở, đó là tôn chỉ, truyền thống, là sự trân trọng tương lai của một đội bóng đã rất rất nhiều lần vượt qua quá khứ.
Tre già rồi măng sẽ mọc. Đêm dài đến mấy rồi sẽ lại có bình minh. Lời chào của Giggs dành cho lịch sử, cho Sir Alex, cho thế hệ vàng là lời chào nghẹn ngào, lời chào sau cuối của một biểu tượng mang dòng máu Quỷ. Nhưng MU thì mãi luôn còn đó, lời chào chỉ là lời tạm biệt mà thôi.
Theo Bongda